Trong lúc các bộ ngành, địa phương triển khai các giải pháp kiềm chế giá, trên thị trường, giá nhiều mặt hàng thuốc lại tiếp tục biến động.
Mệt mỏi với giá thuốc
Đã khuya, dãy hàng thuốc phố Ngọc Khánh vẫn sáng đèn và khá đông khách. Tại một cửa hàng bán thuốc, lẫn trong gần chục người mua là một phụ nữ khắc khổ cứ nâng lên đặt xuống tờ đơn thuốc được đặt trên mặt quầy thuốc, rồi gặng hỏi nhân viên bán thuốc: “Có vài vỉ kháng sinh và vitamin thế này mà tới hơn 400.000 đồng à chị?”. Sau đó, chị lại hướng ánh mắt lo âu sang đứa con nhỏ đang ho rũ rượi. Chị cho biết, con chị bị viêm phế quản mãn tính nên hầu như tháng nào cũng phải đi viện và mua thuốc điều trị, nhưng cứ mỗi lần mua thuốc thì tiền thuốc lần sau lại nhiều hơn lần trước vài chục ngàn đồng. Mở túi, đếm đi đếm lại mấy lần, chị đưa trả cửa hàng mấy tờ tiền nhàu nhĩ, rồi lặng lẽ cầm túi thuốc thở dài: “Thuốc gì mà đắt thế!”.
Giá thuốc tăng ảnh hưởng đến người nghèo.
Không chỉ có những người bệnh nghèo sốc vì giá thuốc liên tiếp tăng mà ngay cả cán bộ, công chức, người có thu nhập trung bình cũng mệt mỏi trước việc giá thuốc liên tục biến động. Bác Trần Long, một cán bộ ngoại giao ở khu Láng Thượng, Hà Nội bức xúc: “Trước tếát, tôi mua mấy vỉ kháng sinh Amoxilin nội chỉ có 12.000 đồng/vỉ, vậy mà hôm nay mua đã lên tới 14.500 đồng/vỉ. Cứ đà này, chẳng mấy chốc thuốc còn tăng giá nhanh hơn cả USD và vàng thì không chỉ có người bệnh nghèo mà người giàu cũng… ốm”.
Quản lý thiếu chặt chẽ
Giá thuốc tăng liên tiếp thực sự đang trở thành nỗi lo âu của rất nhiều bệnh nhân, nhất là trong tình cảnh nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng đang nhấp nhổm. Tìm hiểu của chúng tôi, nếu như một vài năm trước thị trường dược phẩm chỉ xuất hiện những đợt sóng ngầm, tăng giá nhỏ giọt để “qua mặt” cơ quan quản lý thì từ đầu năm 2011 đến nay, việc điều chỉnh giá thuốc được thực hiện khá công khai, nhất là sau khi tỷ giá USD được nâng lên.
Hiện nay, nhiều nhà thuốc thuốc ở Trung tâm dược phẩm Ngọc Khánh, Láng Hạ hay Văn Miếu cho biết đều đã nhận được thông báo về điều chỉnh giá một số mặt hàng thuốc từ các công ty nhập khẩu và phân phối thuốc. Ngoài ra, nhiều hãng dược nước ngoài và không ít doanh nghiệp sản xuất dược trong nước cũng thông báo điều chỉnh giá một số mặt hàng, trong đó chủ yếu là biệt dược, thuốc đặc trị, kháng sinh, vitamin và giảm đau… với mức điều chỉnh tăng 5% - 20%.
Qua khảo sát định kỳ của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam, tháng nào cũng có hàng chục mặt hàng thuốc được điều chỉnh tăng giá, trong đó các mặt hàng thuốc nhập ngoại được điều chỉnh nhiều hơn. Mới đây nhất, qua kiểm tra của thanh tra y tế trên toàn quốc cũng cho thấy, trong số gần 4.000 loại thuốc nhập khẩu có 4,2% mặt hàng tăng giá, với mức trung bình 2,2%.
Theo một số chuyên gia dược phẩm, sở dĩ thị trường dược phẩm nước ta luôn bất ổn vì hiện nay gần 50% mặt hàng thuốc lưu thông trên thị trường là thuốc nhập khẩu, còn lại là thuốc sản xuất trong nước, nhưng có tới 90% nguyên liệu phải nhập khẩu. Về phía cơ quan chức năng, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết trong năm qua, dược phẩm chỉ xếp thứ 9/11 nhóm mặt hàng thiếu yếu tăng giá. Hơn nữa, có tới trên 97% lượt mặt hàng thuốc có giá bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện thấp hơn giá bán lẻ tại nhà thuốc xung quanh. Điều này có nghĩa giá thuốc trên thị trường tự do thiếu sự quản lý chặt chẽ. Hơn nữa, đây lại là mặt hàng rất nhạy cảm nên năm qua dù chỉ có 5% các mặt hàng thuốc tăng giá nhưng cũng đủ làm nóng thị trường và dư luận.
Để kìm cương được giá thuốc trước thực trạng thị trường dược phẩm nước ta còn phụ thuộc nhiều vào sản phẩm thuốc và nguyên liệu thuốc nhập khẩu, không ít ý kiến đề nghị, đối với hoạt động kinh doanh thuốc, các cơ quan quản lý cần sớm ban hành mẫu hóa đơn thuế đặc thù của ngành dược, trong đó quy định phải thông tin rõ ràng giá thuốc CIF (giá thuốc nhập khẩu về cảng Việt Nam) và giá bán buôn dự kiến đã được kê khai và kê khai lại để tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện quy định về bán theo giá đã kê khai. Đồng thời, cần xem xét và quy định cụ thể về thặng số bán lẻ của các nhà thuốc.
Theo SGGP