Nhìn chung, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trong thời gian qua ở Bình Dương đã đạt được một số kết quả nhất định. Chương trình TMĐT (2017-2020) trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, sự hỗ trợ kịp thời về nghiệp vụ của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (CNTT) - Bộ Công Thương. Sự phối hợp, đóng góp ý kiến của các sở, ban, ngành trong Ban chỉ đạo CNTT đã nâng cao hiệu quả các chương trình TMĐT trong những năm qua đã tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của cả cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh và sự đồng thuận của xã hội về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển TMĐT. Để thúc đẩy phát triển TMĐT trong thời gian tới, Sở Công Thương đã đề ra các giải pháp phát triển TMĐT xuyên biên giới, để người Bình Dương có thể dễ dàng mua hàng từ khắp nơi trên toàn cầu và DN Bình Dương cũng mở rộng thị trường trên khắp thế giới…
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội thảo Giải pháp xuất khẩu trực tuyến do Sở Công Thương tổ chức
Tăng cường công tác thông tin
Để đáp ứng tốt nhu cầu thông tin cho người dân và DN, từ đó phát triển sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ, Sở Công Thương đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện Dự án “Nâng cấp Cổng thông tin thương mại điện tử (TTTMĐT) Sở Công Thương Bình Dương”. Hiện Cổng TTTMĐT của Sở Công Thương đã vận hành ổn định, đạt yêu cầu thông tin hoạt động ngành công thương đến người dân và DN, đáp ứng nhu cầu giao dịch hành chính công trực tuyến trên Cổng TTĐT của sở.
Trong năm, Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) đã cập nhật 576 tin, bài và 150 văn bản mới trên Cổng TTTMĐT của Sở Công Thương Bình Dương về các lĩnh vực công thương, xuất nhập khẩu, đầu tư, pháp luật, hội nhập kinh tế quốc tế, những điều DN cần biết, các chương trình hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, thông tin hoạt động của ngành, góp phần phục vụ cho nhu cầu tra cứu thông tin của DN.
Ngoài ra, trung tâm đã cung cấp 116 nguồn tin về hoạt động của ngành Công Thương tỉnh Bình Dương cho Trang TTĐT Bộ Công Thương. Trung tâm cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu đào tạo quản lý - RIMT (Research Institute of Management Training) tổ chức thành công 2 lớp tập huấn về TMĐT: “Kỹ thuật thực hành Digital Marketing 3.0” và “Kiến thức TMĐT” cho DN với gần 140 học viên đăng ký tham gia, đạt 100% so với kế hoạch.
Nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp
Bên cạnh công tác cung cấp thông tin cho người dân và DN, để nắm bắt nhu cầu DN, thực hiện tốt Chương trình TMĐT của tỉnh, Sở Công Thương đã tổ chức khảo sát ứng dụng TMĐT tại DN trên diện rộng. Đến nay, trung tâm đã nhận, sàng lọc được 1.250 phiếu khảo sát từ các đơn vị gửi về, đồng thời gửi đơn vị tư vấn phân tích số liệu và hoàn thiện báo cáo khảo sát.
Phát biểu về TMĐT, ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh, Bình Dương có lợi thế là tỉnh có chỉ số phát triển TMĐT (EBI) năm 2017 đứng thứ 4 so với cả nước, trong đó, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất được DN áp dụng cao và hình thức giao thương trực tuyến hiện là xu hướng mới cũng được DN Bình Dương đặc biệt quan tâm. Sở đã chỉ đạo khảo sát tình hình ứng dụng TMĐT trong DN Bình Dương, từ đó nắm bắt nhu cầu DN, để có cơ sở triển khai ứng dụng TMĐT trong thời đại hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay!
Ưu tiên giải pháp TMĐT xuyên biên giới trong thời đại 4.0
Với lợi thế là tỉnh có chỉ số EBI đứng thứ 4 cả nước trong năm 2017, trong đó việc ứng dụng tin học, CNTT trong hoạt động sản xuất cũng như hình thức giao thương trực tuyến, TMĐT là xu hướng mới được DN quan tâm, vừa qua, Sở Công Thương đã phối hợp với Liên minh xuất khẩu Việt Nam (VESA) - đại diện Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp liên kết xúc tiến xuất khẩu trực tuyến cho DN Bình Dương qua Alibaba.com”. Qua hội thảo, các đại biểu đã nghe giới thiệu về Liên minh xuất khẩu Việt Nam, mục tiêu và những thách thức trong xuất khẩu của tỉnh Bình Dương năm 2017, tiềm năng xuất khẩu Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, giải pháp thanh toán thương mại, giải pháp xuất khẩu trực tuyến thành công, tầm quan trọng của liên kết dịch vụ hỗ trợ trong việc thúc đẩy xuất khẩu cho DN Bình Dương như chuỗi dịch vụ xuyên suốt hỗ trợ DN xuất khẩu từ khâu tìm kiếm khách hàng, chuẩn bị hàng hóa, bảo hiểm hàng hóa, thủ tục hải quan, vận chuyển, thủ tục thanh toán, giải quyết khiếu nại.
Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc XTTM cho biết: Để đáp ứng yêu cầu phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian tới, phục vụ thiết thực nhu cầu của DN và người dân, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau. Đẩy mạnh việc ban hành các văn bản triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số và triển khai dịch vụ chứng thực cho website TMĐT. Tăng cường các văn bản mang tính pháp lý liên quan đến TMĐT để hỗ trợ DN trong quá trình giao dịch và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia trực tuyến. Phổ biến, tuyên truyền sâu, rộng hơn về chương trình TMĐT trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và tham gia. Khuyến khích DN đầu tư vào TMĐT, ứng dụng các công nghệ để nâng cao khả năng kết nối, giao dịch và xuất khẩu hàng hóa phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ các địa phương trong việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ về kỹ năng sử dụng CNTT phục vụ.
Để hỗ trợ DN, thúc đẩy TMĐT phát triển, Sở Công Thương cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực quản lý TMĐT, bổ sung kiến thức TMĐT ứng dụng cho DN và cán bộ quản lý. Nhằm hỗ trợ DN nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh trên internet, quảng cáo đặt banner/logo/iTVCs, tiếp thị bằng các công cụ tìm kiếm (Google), quảng cáo qua mạng xã hội, Facebook marketing, phát triển cộng đồng, xây dựng thương hiệu, video marketing với youtube, cách thu hút hàng triệu lượt xem, tiếp thị qua mobile, email, các ứng dụng, tiện ích. Qua đó, Trung tâm XTTM và các chuyên gia phân tích những ưu điểm của Marketing Online so với marketing truyền thống để nâng cao nhận thức của DN về TMĐT. Do khách hàng sử dụng internet, các thiết bị số hóa để online ngày càng nhiều, đây là chiến lược marketing dựa trên sở thích, xu hướng của khách hàng, tiếp cận được khách hàng liên tục 24/7, tương tác 2 chiều giữa DN và khách hàng, chi phí thấp, không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia và vùng lãnh thổ!”
Tiến tới hỗ trợ tốt hơn cho DN, UBND tỉnh cũng giao Sở Công thương Bình Dương phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành khảo sát, nghiên cứu xây dựng Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh, nhằm giúp tạo dựng cơ hội tìm kiếm thông tin cho các đối tác trong và ngoài nước biết đến các sản phẩm của các DN trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và tư vấn các pháp lý cho các DN tiếp cận với loại hình kinh doanh trực tuyến thuận lợi. Đồng thời có thể giúp cơ quan chuyên ngành tích hợp được hệ thống giao dịch, thanh toán trực tuyến và thuận lợi trong công tác quản lý.
Nhìn chung, thời gian qua, Trung tâm XTTM, Sở Công Thương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ TMĐT phát triển, tích cực góp phần chuyển dịch từ kinh doanh truyền thống sang xuất khẩu trực tuyến để tối ưu hóa hoạt động của DN, giúp DN giảm bớt các chi phí quảng cáo, tiếp thị, marketing, phân phối trưng bày, giới thiệu sản phẩm, cũng như giảm bớt các chi phí tìm kiếm nguồn nguyên liệu, đầu vào cho DN. Các giải pháp phát triển TMĐT của Trung tâm XTTM, Sở Công Thương sẽ góp phần nâng cao chỉ số EBI của tỉnh Bình Dương, làm nền tảng cho tỉnh nhà hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng, bền vững.
Ông Phạm Thanh Dũng, cho biết thêm: “Giải pháp phát triển TMĐT ở Bình Dương cũng là giải pháp cải thiện một số điểm còn “thấp” đối với Bình Dương là cần phải đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ và phổ cập kiến thức về TMĐT, không ngừng hoàn thiện kết cấu hạ tầng và môi trường pháp lý cho TMĐT, có những biện pháp bảo đảm an toàn cho các giao dịch TMĐT, phát triển các dịch vụ công và tăng cường hơn nữa hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực này. Đặc biệt, để thúc đẩy DN hội nhập TMĐT sâu rộng, Trung tâm XTTM đề ra giải pháp “gần DN, sát DN”, chuyên nghiệp hóa công tác XTTM.
BẢO ANH