Chiều 17-4, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) do PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình GD&ĐT của địa phương. Đồng chủ trì và điều hành buổi làm việc có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Cùng dự có ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở ngành, địa phương và các trường đại học trên địa bàn tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tìm hiểu các sản phẩm từ hoạt động nghiên cứu khoa học của Đại học Thủ Dầu Một. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Khẳng định vị thế trong nước
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời, sâu sát của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành và đoàn thể trong tỉnh, ngành GD&ĐT tỉnh đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, triển khai thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT một cách bền vững; qua đó khẳng định vị thế của ngành GD&ĐT Bình Dương với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đến nay, hệ thống trường, lớp các cấp học của tỉnh đã đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập cho con em nhân dân. Bình Dương đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ mức độ 2, hoàn thành xóa mù chữ; đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt tiêu chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh luôn nằm trong nhóm những tỉnh đứng đầu cả nước về chất lượng tốt nghiệp THPT. Năm 2022, toàn ngành GD&ĐT đã nỗ lực không ngừng, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, giữ vững chất lượng và hiệu quả giảng dạy. Bình Dương xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố về điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,75%, điểm trung bình của 7/9 môn thi xếp hạng top 10 trong cả nước; tỷ lệ đậu đại học năm 2022 đứng đầu cả nước (67,42%). Kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia 3 năm gần đây có những kết quả đáng khích lệ, mỗi năm đều đạt trên 30 giải.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo tỉnh đối với sự nghiệp GD&ĐT. Để Bình Dương tiếp tục phát triển một cách bền vững và chất lượng, vấn đề GD&ĐT cần được giải quyết một cách thấu đáo, vượt qua những thách thức đặt ra để có những kết quả tốt. Trong thời gian tới, tỉnh cần có sự đầu tư mang tính đột phá nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, Bình Dương cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhưng phải tăng cường kiểm soát, quản lý hệ thống giáo dục ngoài công lập. Tỉnh cũng cần tăng cường sự quan tâm, hỗ trợ đúng cách, đúng phương pháp, định hướng phát triển tới giáo dục đại học để có được nguồn nhân lực tốt nhất phục vụ cho sự phát triển của địa phương…
Giáo dục luôn được ưu tiên đầu tư
Báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết toàn tỉnh hiện có 730 trường, trung tâm các cấp học. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 579 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục; 3 trường có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng số học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT toàn tỉnh là 511.953 học sinh; tổng số công chức, viên chức, nhân viên toàn ngành GD&ĐT là 20.044 người. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 trường đại học, trong đó có 3 trường ngoài công lập với tổng số sinh viên là 31.543 sinh viên…
Thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, trong đó tập trung đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng dạy và học. Giai đoạn 2011-2022, công tác kiên cố hóa trường lớp được tỉnh quan tâm đầu tư, bảo đảm đủ chỗ học cho trẻ, học sinh các cấp học, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và bảo đảm phát triển giáo dục bền vững cho địa phương. Đến tháng 5-2022, tỉnh đã bố trí, đầu tư xây dựng 265 công trình trường học với tổng kinh phí là 12.842,279 tỷ đồng (bình quân 1.070,189 tỷ đồng/ năm). 100% trường học trong tỉnh là công trình kiên cố, trong đó có 315/392 trường, trung tâm công lập được lầu hóa, đạt tỷ lệ 80,35%. Các thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại đã đáp ứng yêu cầu dạy học theo phương pháp trải nghiệm, sáng tạo và hỗ trợ học sinh tiếp cận công nghệ 4.0 đã được tỉnh quan tâm đầu tư.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD&ĐT tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua, như: Việc tăng dân số cơ học nhanh dẫn đến gia tăng áp lực an sinh xã hội đối với địa phương, đặc biệt là áp lực đối với việc đáp ứng nhu cầu học tập của con em người lao động. Cơ sở vật chất trường học, thiết bị dạy học ở một số địa phương dù được xây mới và bổ sung hàng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt với sự gia tăng số lượng học sinh và chưa đáp ứng kịp thời với quá trình đổi mới. Tình trạng thiếu giáo viên bộ môn do nguồn tuyển dụng ở địa phương hạn hẹp vẫn còn…
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lợi đã trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ GD&ĐT đối với Bình Dương trong thời gian qua. Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Bình Dương đã có nhiều cố gắng trong phát triển giáo dục và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tỉnh không được chủ quan, tự mãn với những kết quả đạt được. Hiện Bình Dương đang lập quy hoạch tích hợp tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó giáo dục luôn là lĩnh vực được ưu tiên đầu tư. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở ngành và địa phương nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác để tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai hiệu quả nhiệm vụ GD&ĐT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh và lãnh đạo Sở GD&ĐT cần tiếp tục rà soát, sắp xếp nguồn lực, nhất là về đất đai; có cơ chế, chính sách tăng cường đầu tư cho giáo dục nhằm bảo đảm nguồn nhân lực cho sự phát triển của tỉnh.
HỒNG PHƯƠNG