Giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ

Cập nhật: 25-10-2019 | 08:29:46

“Hiện nay Việt Nam nằm trong nhóm các nước có thời giờ làm việc bình thường trong tuần cao nhất thế giới (48 giờ/ tuần trở lên). Giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ đang được nhiều nước áp dụng”. Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương khi tham gia thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Quốc hội Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh phát biểu tại kỳ họp

 

Không làm thêm quá 44 giờ/tuần

Theo đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, từ sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV để có thêm nhiều thông tin của các đối tượng chịu sự tác động của dự thảo BLLĐ sửa đổi về các vấn đề còn ý kiến khác nhau, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã tổ chức nhiều hoạt động lấy ý kiến thông qua tiếp xúc cử tri chuyên đề, khảo sát ý kiến công nhân lao động (CNLĐ) và các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.

Không tăng tuổi nghỉ hưu với ngành nghề đặc thù

Theo đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, qua lấy ý kiến, đại đa số CNLĐ trực tiếp không đồng tình với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo BLLĐ sửa đổi và đề nghị giữ nguyên như hiện nay đối với CNLĐ trực tiếp và một số ngành nghề đặc thù. NLĐ cho rằng với tính chất, điều kiện làm việc nặng nhọc, lao động chân tay là chủ yếu, người lao động sẽ không đủ sức khỏe làm việc nếu tăng tuổi nghỉ hưu, hơn nữa DN cũng không muốn sử dụng lao động lớn tuổi vì năng suất lao động giảm và khó thích nghi với những cải tiến, đổi mới. Quốc hội cần cân nhắc thận trọng để quy định tuổi nghỉ hưu phù hợp với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực.

Trên cơ sở đó, tại kỳ họp này, sau khi nghiên cứu báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo BLLĐ sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu cho rằng, về thời giờ làm việc bình thường, cần quy định giảm thời gian làm việc bình thường trong tuần không quá 44 giờ, với những lý do sau: Thứ nhất, từ năm 2012, BLLĐ đã đặt ra vấn đề khuyến khích DN áp dụng tuần làm việc 40 giờ. Tuy nhiên, số lượng DN thực hiện rất ít. Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có thời giờ làm việc bình thường trong tuần cao nhất thế giới (48 giờ/tuần trở lên). Giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ đang được nhiều nước áp dụng và cũng là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo BLLĐ sửa đổi đã khẳng định giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động (NLĐ) ngày càng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời gian làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn của NLĐ.

Thứ hai, theo đại biểu Hạnh, giảm giờ làm trong tuần không chỉ bảo đảm cho NLĐ được thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, cân bằng giữa công việc và gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn bình đẳng với khu vực Nhà nước. “Việt Nam đã thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ từ năm 1999 đối với khu vực Nhà nước. Trong 20 năm qua, quy định này đã tạo ra khoảng cách và sự phân biệt khá lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước và NLĐ khu vực DN ngoài Nhà nước. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, đại đa số CNLĐ tại Bình Dương đề nghị giảm thời giờ làm việc trong tuần bằng khu vực Nhà nước hoặc tối đa 44 giờ. Rất nhiều CNLĐ đã gửi gắm và đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phản ánh tiếng nói, nguyện vọng của NLĐ đến Quốc hội tại kỳ họp này”, bà Hạnh chia sẻ và chuyển đến Quốc hội câu hỏi của CNLĐ: “Chúng tôi không có thời gian, kiến thức để nghiên cứu lý do, nhưng không hiểu vì sao chúng tôi phải đi làm ngày thứ bảy trong khi các cô giáo được nghỉ và con của chúng tôi không biết gửi cho ai?”.

Đại biểu Hạnh nêu thực tế tại Bình Dương, hiện có khoảng 50 DN đã áp dụng thời gian làm việc không quá 44 giờ trong tuần và có xu hướng tiếp tục giảm. “Tôi đã trực tiếp khảo sát tại một số DN này cho thấy, mặc dù đã áp dụng giờ làm từ 42 đến 44 giờ trong tuần nhưng năng suất lao động, tiền lương của NLĐ không giảm, DN cũng không phải tuyển thêm lao động. Các DN này cho rằng giảm thời gian làm việc không chỉ bảo đảm quyền lợi cho NLĐ mà còn tăng lợi thế cạnh tranh của DN trong tuyển dụng lao động có tay nghề, NLĐ yên tâm, gắn bó và nỗ lực hơn trong công việc, thúc đẩy DN cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng khoa học, công nghệ để tăng năng suất lao động”, bà Hạnh nói.

Mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ

Cùng với quy định giảm thời giờ làm việc trong tuần không quá 44 giờ, theo đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, BLLĐ nên cho phép mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong năm lên 400 giờ nhằm tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận làm thêm khi có nhu cầu trên cơ sở tự nguyện. Điều quan trọng là cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm để việc thỏa thuận làm thêm thật sự là sự tự nguyện của NLĐ, không để tình trạng DN tổ chức thời giờ làm thêm giờ vượt quá quy định như thời gian vừa qua.

Cũng theo đại biểu, điều băn khoăn lớn nhất đối với vấn đề giảm giờ làm, đó là sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của cả DN và đất nước. Tuy nhiên, theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 cho thấy, tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đang có bước cải thiện vượt bậc ( tăng 10 bậc so với năm 2018). Hơn nữa, trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh yếu tố sức lao động và thời giờ làm việc, yếu tố tác động nhiều nhất đến năng suất lao động chính là máy móc, công nghệ và năng lực quản trị của DN.

Trong báo cáo 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy, 80% DN có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ ở mức trung bình, 14% sử dụng công nghệ ở mức thấp và lạc hậu, chỉ có 5 - 6% là sử dụng công nghệ cao, nhưng vẫn chủ yếu ở ngành gia công, lắp ráp. Đây mới chính là nguyên nhân năng suất lao động của lao động Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. “Theo tôi, đã đến lúc cần quy định giảm giờ làm trong tuần nhằm thúc đẩy các yếu tố tăng năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Nghị quyết số 20-NQ/ TW về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đó là xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa NLĐ, người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội”, bà Hạnh nói.

THU THẢO (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=518
Quay lên trên