Hàng ngoại “đổ bộ”
Dạo quanh các trung tâm thương mại, siêu thị tại Bình Dương nhiều người dễ dàng thấy hàng ngoại nhập có mặt khắp các kệ hàng. Ngoài việc các tập đoàn Thái Lan đang thâu tóm chuỗi siêu thị Metro, Big C…, chuỗi siêu thị AEON (Nhật Bản), Lotte Mart (Hàn Quốc) cũng tràn ngập mặt hàng từ các quốc gia này.
Ông Đường Bảo Khương, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương, tỏ ra lo lắng bởi các mặt hàng ngoại nhập có mặt hầu hết các siêu thị, chợ truyền thống. Không riêng gì tại Bình Dương, hệ thống Co.opmart trên cả nước cũng đang nỗ lực hết sức mình để bảo vệ hàng Việt. Tuy nhiên, trước sự có mặt của nhiều tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới, các mặt hàng thời trang, nước giải khát, bánh kẹo… trên thị trường trong nước, thị phần đang bị “chia năm xẻ bảy”. Chia sẻ mối lo này, ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Bình Dương, nhìn nhận rồi đây các mặt hàng nông sản cũng sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt. Đây là nỗi lo chung của DN nội đối với tất cả mặt hàng tiêu dùng hàng ngày. Nói thẳng ra, chúng ta buộc phải chấp nhận cạnh tranh từ cái ăn, cái mặc đến các nhu cầu vui chơi giải trí… vì đều đã nằm trong guồng xoay của hội nhập kinh tế toàn cầu.
Về nông sản, cho dù nhiều loại rau củ quả từ các nước Canada, Úc, Mỹ chủ yếu vào Việt Nam bằng con đường tiểu ngạch, nhưng trong tương lai hàng rào thuế quan nông sản được dỡ bỏ, nếu chúng ta không chuẩn bị tốt thì ngay cả thế mạnh của nền nông nghiệp nước nhà cũng sẽ chịu cảnh mất dần thị phần. Thực tế cho thấy trong vài năm gần đây, các loại trái cây của Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã có mặt nhiều ở siêu thị lẫn các chợ truyền thống trong cả nước.
Cần sự liên kết chặt chẽ
Ông Nguyễn Thành Kiên, Giám đốc Công ty Rau sạch Bình Dương, là người có tâm huyết với nền nông nghiệp sạch tại tỉnh nhà. Theo ông Kiên, sản xuất rau sạch không còn là bài toán khó đối với người nông dân, tuy nhiên để tìm đầu ra cho sản phẩm là cả một chặng đường vất vả. Bản thân DN của ông đã phải tự xây dựng nên chuỗi cửa hàng để giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Còn ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty Giày da Nam Bình (TX.Thuận An), cho hay Nam Bình đã phải tự xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ của mình qua nhiều kênh. Thương hiệu giày ProWin của DN được đánh giá chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập, nhưng các nhà phân phối trong nước lại có xu hướng lựa chọn hàng ngoại nhập để cung cấp cho thị trường.
Tương tự, các DN chuyên sản xuất gỗ của Bình Dương cũng đang tự xây dựng hệ thống bán lẻ của mình bằng cách tự mở chuỗi cửa hàng, showroom để tìm kiếm thêm khách hàng ở thị trường bán lẻ. Hầu như tất cả công đoạn từ sản xuất cho đến phân phối sản phẩm, các DN phải tự thân vận động. Qua đó cho thấy sự liên kết trong chuỗi sản xuất, phân phối sản phẩm tại thị trường nội hiện nay rất rời rạc và yếu kém.
Theo quan điểm của ông Vũ, các DN sẵn sàng hợp tác, chia sẻ lợi ích nhưng sự liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối còn quá lạc lỏng, khiến cho các DN sản xuất hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân phối sản phẩm ra thị trường. Nhiều mặt hàng, sản phẩm nội địa có chất lượng hơn hẳn hàng ngoại nhập nhưng lại khó khăn tìm chỗ đứng ngay tại “sân nhà” là điều các DN trong nước cần tính tới để tìm ra tiếng nói chung.
Theo các chuyên gia, ngoài sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất tới kênh phân phối, các DN trong nước cần tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, uy tín và mức độ hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm và dịch vụ của DN. Cùng với đó, cần tập trung phát triển mạnh một số ngành sản xuất ưu tiên và công nghiệp phụ trợ để cải thiện, nâng cao trình độ phát triển một số ngành có khả năng lan tỏa nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho các ngành khác cùng phát triển.
Tổng cục Thống kê cho biết năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam ước đạt 3.242,9 ngàn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2014. Với dân số gần 90 triệu người, thị trường bán lẻ tại Việt Nam chính là mảnh đất màu mỡ cho các DN.
XUÂN VĨ