Giữa đôi bờ yêu thương

Cập nhật: 04-10-2019 | 09:02:12

Câu chuyện của gia đình anh Phạm Minh Ngọc (xã An Linh, huyện Phú Giáo) khiến chúng tôi hoài nghi kinh nghiệm đúc kết cuộc sống của người xưa “Mồ côi cha ăn cơm với cá/ Mồ côi mẹ lót lá mà nằm”. Anh Ngọc, người đàn ông bị bệnh động kinh, một mình “gà trống nuôi con” đã khiến tôi luôn suy ngẫm nhiều về tình yêu thương không bờ bến của phận làm cha.


Anh Phạm Minh Ngọc và hai đứa con của mình

Vỡ vụn... tình cha

Một chiều mây giăng khắp lối, gió “chạy” loạt xoạt trong những tán cây cao su xanh biếc dẫn vào căn nhà vắng lạnh của ba cha con anh Phạm Minh Ngọc. Em Phạm Ngọc Hân với vẻ mặt gân guốc chạy từ đầu làng về nhà, trên tay cầm cục đá cuội lạnh lùng, vô hồn. Nó ném cục đá xuống nền nhà lởm chởm lỗ thủng, miệng làu bàu “Cha khùng thì sao” rồi nép mình vào góc tường, ôm mặt khóc nấc. Từ ngày vợ bỏ đi, ba cha con anh Ngọc sống chơi vơi trong căn nhà một thời tràn trề hạnh phúc. Những ngày sau đó, Ngọc Hân rơi vào khủng hoảng và sống với những cơn ác mộng vào ban đêm. Nhiều lần em bật dậy giữa đêm khuya và hét lớn “Mẹ ơi!”. Những lúc ấy anh Ngọc chỉ biết ôm con vào lòng và hai cha con cùng khóc trong màn đêm tịch mịch.

Chị Nguyễn Thị Cúc, cán bộ thương binh - xã hội xã An Linh, cho biết: “Anh Ngọc đã từng có vợ, vợ bỏ đi đã 5 năm nay nhưng anh vẫn một mình cặm cụi làm lụng, chăm lo cho hai con. Ngoài những lúc động kinh, lên cơn co giật, anh Ngọc chăm con chẳng khác nào một người mẹ thương yêu lo lắng cho các con từng li từng tí. Tấm gương làm cha của anh cần được giới thiệu rộng rãi để mọi người cùng suy ngẫm”.

Trăm lần như một, mỗi khi con bé bị bạn trêu ghẹo “cha mày bị khùng” thì nó lại chạy về đứng đó khóc. “Thấy nó vậy mà lòng tôi đau như cắt”, anh Phạm Minh Ngọc nói và đưa mắt buồn buồn dõi theo Ngọc Hân trong căn phòng nhập nhoạng ánh điện mà những vệt sáng yếu ớt không thể chiếu tới. Sự cứng rắn của người đàn ông cộng với áp lực bệnh tật khiến cho tình cảm của anh Ngọc với con gái trở nên vụng về, xa cách.

Ngọc Hân sinh năm 2010, anh Ngọc đưa 5 đầu ngón tay thô ráp rồi lẩm nhẩm tính: “Năm nay 9 tuổi, con nhỏ lớn trước tuổi”. Như muốn khẳng định, anh Ngọc đưa cho chúng tôi xem chiếc áo bằng vải nylon với 2 màu loang lổ, một màu hồng nhạt của chiếc áo đã cũ mèm và màu kia là màu máu mà anh cất cẩn thận trong tủ quần áo của gia đình. Nhẹ nhàng cầm chiếc áo nhuốm máu, khô cứng, anh Ngọc như sợ rằng nó sẽ bay đi theo những cơn gió của những hàng cao su ngút ngàn. “5 năm rồi, tôi không muốn mang chiếc áo đi giặt bởi mỗi khi lên cơn động kinh, lý trí tôi không cho phép mình trở thành kẻ điên dại trước mặt các con”, anh Ngọc giải thích.

Rồi anh kể cho chúng tôi nghe về sự tích chiếc áo nhuốm máu. Đó là một buổi sáng, vườn cao su đang trong thời kỳ thay lá, trên đường đi thổi lá về, anh bắt gặp con bé với khuôn mặt nổi rằn ri mang hình thù móng tay nhọn hoắt còn rướm máu. “Con nhỏ cộc cằn buông lời: “Tui vừa đánh nhau với thằng Xén con bà Tư Cuối vì nó nói ba khùng. Khùng là sao? Động kinh là sao hả ba”. Nó nhảy bổ lên ôm cổ tui, hai bàn tay bé nhỏ đập liên hồi vào mặt tui đau rát. Nó gào khóc, giãy giụa. Tôi trấn an: “Thi thoảng ba có cơn”. Ấy vậy mà nó khóc, nó bảo: “Nếu ba không khùng, không động kinh thì mẹ sẽ không bỏ đi, con không muốn ba là ba của con”.

Ngọc Hân khóc lóc thảm thiết như đứa bé đói sữa khóc đòi mẹ. Anh Ngọc cũng khóc, nước mắt của người đàn ông động kinh như báo trước một viễn cảnh thê thảm. Toàn thân anh Ngọc như có một luồng điện chạy khắp cơ thể, dây thần kinh trung ương rần rật, căng như dây đàn. Trong giây lát anh đứng trơ trơ như trời trồng, hai mắt trợn ngược, răng nghiến ken két, miệng sùi bọt. Hình ảnh “tên tướng cầm chùy” bửa tới tấp vào đầu anh với những nhát “phầm phập” chắc nịch vẫn đang nhảy múa nhập nhòe. Không kìm được cảm xúc, sẵn cầm chiếc cưa trong tay, anh Ngọc lạnh lùng cắt xoẹt một đường trên cánh tay lực lưỡng của mình. “Trời ơi, ba!”. Ngọc Hân kêu lên trong tiếng khóc hoảng loạn và ôm chặt ba trong cánh tay nhỏ bé của mình. Máu nhuộm vào chiếc áo mà em đang mặc trên người…

Câu chuyện về bi kịch gia đình được tái hiện qua lời kể lan man, không đầu không đuôi của anh Ngọc nhưng cũng đủ để chúng tôi hình dung thảm cảnh ảm đạm. Tôi hỏi anh: “Một mình anh có thể nuôi hai con khôn lớn?”. Trả lời câu hỏi chúng tôi, anh nhoẻn miệng cười và khẳng định chắc như “đinh đóng cột”: “Được. Tôi cố gắng nuôi con trưởng thành”.

Trọn đời vì con

Kể từ ngày chiếc áo hồng nhuốm máu được anh Ngọc cất biệt trong tủ, Ngọc Hân quen dần với những cơn động kinh của ba và gần như vô cảm trước sự thiếu thốn tình yêu thương của mẹ. Em tỏ ra lầm lì, gân guốc nhưng trong sâu thẳm lòng, một nỗi đau vẫn âm ỉ cháy. Mỗi ngày trôi đi, Ngọc Hân lại cảm nhận rõ nỗi đau của ba trước sự bỏ đi của mẹ cũng như sự khó nhọc trong việc nuôi dạy hai chị em khôn lớn.

Ngọc Hân đưa ánh mắt tròn xoe nhìn tôi như người bạn thân rồi thì thầm thổ lộ: “Con thương ba lắm! Ba cha con sẽ luôn ở đây chờ mẹ có ngày sẽ trở về”. Tôi lặng người trước ước mơ mong manh của em và gặm nhấm lời anh Ngọc từng nói “Mẹ nó đã đi lấy chồng”. Ngọc Hân dường như không để ý đến tôi, em hồn nhiên kể về chuyện ba mình chiến đấu với bệnh tật như một chiến binh dũng mãnh. Em say sưa với câu chuyện về “người hùng” của mình: “Năm ngoái, ba chở hai chị em trên chiếc xe máy cà tàng xuống chợ Thủ Dầu Một xem múa cù. Trời đứng bóng, nắng chói chang. Bỗng nghe tiếng “kít” thắng gấp, hai chị em ngã nhoài về phía trước. Ba vội vã vật chiếc xe nằm xuống đường, lấy dây ràng cột hai chị em vào thân xe. “Đợi ba, không được khóc!”. Ba nói rồi chạy thình thịch xuống rừng cao su bên đường. Em nhìn thằng út, thằng út nhìn em. Hai chị em nhìn nhau rồi ngó theo bóng ba. Ba nằm xuống dưới những gốc cây cao su đang cạo đục, giãy giụa vật vã với cơn động kinh co giật. Bóng ba hòa vào bóng cây dưới những thớ đất đỏ au…”.

Một ngày nán lại với bà con trong ấp 6, chúng tôi lại được nghe câu chuyện về tình cha của anh Ngọc. Bà con trong ấp gọi anh là “Tèo khùng” nhưng lại hết lời khen ngợi “Tèo khùng nhưng làm cha thì không khùng”. Hàng ngày, ngoài công việc cạo mủ cao su lấy tiền nuôi hai con, anh Ngọc còn đảm nhiệm vai trò của người mẹ, chăm sóc yêu thương các con. Ngày ngày nhìn cảnh người đàn ông động kinh chăm sóc hai đứa trẻ từ việc đi chợ, nấu nướng, giặt giũ, quét dọn đến tối lại ngồi bên Ngọc Hân xem con học bài mới cảm động làm sao. Anh Ngọc cho biết: “Tui nào đâu biết chữ, nhìn sách là mắt nổi đom đóm, ngồi kế bên cho con bé học đó mà”.

Chúng tôi đã nhiều lần đến nhà anh Ngọc, hôm nay rời căn nhà nhỏ ấy tôi nghe lòng trăn trở nỗi niềm. Hình ảnh 3.800 trẻ mồ côi đang sống trong các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh cứ ẩn hiện trong tôi với muôn vàn nỗi đau, nước mắt đầm đẫm gối. Cha mẹ của các em đang ở nơi nào giữa đôi bờ yêu thương. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng tấm gương làm cha của anh Ngọc đáng để mọi người phải suy ngẫm. Hai bên đường, những hàng cao su vẫn xanh mướt, chứa đầy nhựa sống. Tôi nghe lòng ấm lại, vẻ mặt lầm lì, gân guốc của Ngọc Hân vẫn luôn được sưởi ấm bằng tình yêu không bờ bến của anh Ngọc dù rằng ở anh vẫn còn khiếm khuyết lắm.

Thời gian qua, địa phương đặc biệt quan tâm đến hoàn cảnh, gia đình anh Phạm Minh Ngọc. Cụ thể các ban ngành, đoàn thể xã An Linh thường xuyên đến thăm, tặng quà cho gia đình, giúp đỡ em Phạm Ngọc Hân trong học tập. Sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền địa phương đối với gia đình anh Ngọc cả về vật chất lẫn tinh thần là việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực nhằm động viên cha con anh vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội ổn định.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1776
Quay lên trên