- Luật sư ĐOÀN XUÂN HỘI, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh:
Về cơ bản, phần “đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX” được viết một cách đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc. Phần bối cảnh tình hình nêu khái quát như dự thảo là vừa phải. Tuy nhiên, các phần sau cần cân nhắc thêm về mức độ sao cho phù hợp với nội dung báo cáo và sát thực tiễn. Ở phần này tôi cho rằng:
Không nên dùng cụm từ “thành tựu” mà chỉ nên dùng “những kết quả đạt được” là phù hợp với hầu hết chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng chưa đạt theo Nghị quyết Đại hội IX đề ra. Mặt khác sử dụng cụm từ “thành tựu” không phù hợp với “Phần hạn chế và yếu kém” như trong dự thảo. Theo tôi nhận định: “Kinh tế phát triển nhanh nhưng chưa thật bền vững; chất lượng tăng trưởng còn thấp” chưa phù hợp vì còn mâu thuẫn; nên đánh giá là: “Kinh tế có phát triển nhưng chưa thật bền vững...”.
Dự thảo đưa ra 4 bài học kinh nghiệm nhưng theo tôi còn thiếu bài học kinh nghiệm thứ 5 là: “Đội ngũ cán bộ - nhất là cán bộ cấp chiến lược năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
- Thầy thuốc ưu tú LÊ HƯNG, nguyên Chủ tịch Hội Laser Bình Dương:
Sau khi xem kỹ “Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X”, tôi hoàn toàn nhất trí với phần đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX vì tôi cho rằng phần này được viết rất đầy đủ, khách quan và có tính khái quát cao.
Ở phần 2.1 (Dự báo tình hình) thuộc phần Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ X (2015-2020) nếu có thể và cũng dễ dàng so sánh, tôi nghĩ nên trình bày cân đối hơn bằng cách đối chiếu, so sánh những dự án phát triển mới hơn được thể hiện trong văn kiện Đại hội IX và Đại hội X. Trong Phần 2.2 (Phần kinh tế - văn hóa - xã hội) nên bố cục mục “Định hướng phát triển” trước rồi mới đến mục “Mục tiêu tổng quát và 3 mục tiêu cụ thể” đã được nhấn mạnh để người dân có thể theo dõi và dễ ghi nhớ.
Phần “Xác định” (Bình Dương đến năm 2020 là trung tâm công nghiệp lớn, có trình độ sản xuất ở tầm quốc gia và tầm khu vực Đông Nam Á) tôi thấy sẽ khả thi hơn nếu như trong văn kiện quan tâm nhấn mạnh hơn cái “cốt tủy” của sự phát triển đặc thù của tỉnh nhà gồm: Người lao động Bình Dương đã có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao (do bề dày tiếp cận, làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh), từ đội ngũ công nhân tại các khu công nghiệp cho đến đội ngũ quản lý ở các địa phương. Các khu công nghiệp ở Bình Dương đã phân bố đồng đều ở các huyện, thị, thành phố, không có hiện tượng chênh lệch nhiều về mức sống dân cư cũng như sinh sống, làm việc, giao lưu chan hòa, kỷ luật cao trong các lĩnh vực sản xuất công, nông nghiệp.
Bình Dương luôn là tỉnh “đầu tư ưu tiên” cho các dịch vụ phát triển văn hóa - giáo dục - y tế. Thời gian tới vẫn nên quan tâm xây dựng và triển khai các chính sách thiết thực để người lao động có thể thụ hưởng nhiều hơn từ những thành tựu của tỉnh nhà.
TÂM TRANG (thực hiện)