Thời gian qua, khối lượng công việc của ngành hải quan Bình Dương ngày càng tăng do chỉ tiêu kế hoạch mỗi năm đều tăng, cùng với đó lượng doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư và kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhưng biên chế, nhân sự của ngành từ năm 2012 đến nay không được tăng. Đó là những khó khăn, trở ngại mà Cục Hải quan Bình Dương khó có thể vượt qua nếu không có sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện cải cách, hiện đại hóa.
Nỗ lực lớn
Thống kê trong 5 năm gần đây cho thấy, số thu thuế do Cục Hải quan Bình Dương thực hiện tăng từ 4 - 20%/ năm. Nếu như năm 2013, Hải quan Bình Dương thu 10.034 tỷ đồng tiền thuế thì đến năm 2017 đạt 13.450 tỷ đồng, tăng 20,33%. Số lượng DN, số tờ khai, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng tăng tương ứng qua các năm, cụ thể: Năm 2013 có 3.680 DN đến làm thủ tục hải quan tại Hải quan Bình Dương với 750.200 tờ khai, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 286,13 triệu USD, đến đầu năm 2018 số lượng DN đến đăng ký làm thủ tục hải quan tại đơn vị là 5.695 DN, tăng trên 50%; số tờ khai hải quan là trên 1,35 triệu tờ khai, tăng trên 80%; kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 đạt hơn 41,756 tỷ USD, tăng khoảng 30 lần...
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng gia Campuchia Khun Nhem (bìa phải) theo dõi công chức Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I thao tác nghiệp vụ qua VNACCS/VCIS. Ảnh: DUY CHÍ
Trong khi đó, số lượng biên chế phục vụ công việc tại Hải quan Bình Dương từ năm 2013 đến nay vẫn ổn định ở mức 321 - 324 người. Ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết, với khối lượng công việc, số tờ khai, số thu tăng cao nhưng từ năm 2013 đến nay, biên chế của Hải quan Bình Dương vẫn không tăng. Quan trọng hơn, cũng từ thời gian đó đến nay, tại Hải quan Bình Dương đã không xảy ra tiêu cực, không có cán bộ công chức vi phạm kỷ luật phải bị xử lý.
“Để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong điều kiện con người không tăng, ngoài việc tăng cường cải cách và hiện đại hóa hoạt động, ứng dụng công nghệ cao vào trong vận hành quản lý, tập thể cán bộ, công nhân viên của Hải quan Bình Dương đã đoàn kết, nhất trí cao, cùng với đó là sự ủng hộ, giúp đỡ của các đơn vị hữu quan”, ông Dũng nói.
Luôn đồng hành cùng DN
Thời gian qua, Hải quan Bình Dương đã áp dụng Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) giúp DN chuyển đổi nhanh từ việc kê khai hồ sơ giấy truyền thống rồi mang đến cơ quan hải quan để làm thủ tục sang kê khai qua mạng với thời gian thông quan ngắn, giảm chi phí đi lại cho DN. Phát huy thành công và những tiện ích từ việc áp dụng VNACCS/VCIS, Hải quan Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai chương trình Dịch vụ công trực tuyến trên website của Cục Hải quan Bình Dương và phần mềm DVC của Tổng cục Hải quan.
Theo lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương, nhờ hệ thống thông quan một cửa quốc gia, đơn vị đã phát huy tinh thần chủ động sáng tạo và đồng hành cùng DN thông qua những việc làm rất cụ thể, chẳng hạn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các sản phẩm nông nghiệp khi nhập khẩu phải có giấy chứng nhận an toàn, nếu chờ DN bổ sung giấy này vào hồ sơ sẽ mất nhiều thời gian, công sức đi lại. Thông qua phần mềm DVC và hệ thống một cửa quốc gia, cán bộ, nhân viên hải quan sẽ vào ngay website của bộ để cập nhật thông tin, nếu đã có giấy chứng nhận an toàn thì đưa vào hồ sơ và thông quan cho DN. Ngoài ra, Cục Hải quan Bình Dương còn phối hợp với các ngân hàng thực hiện thu thuế qua ngân hàng trên hệ thống VCIS rất thuận lợi.
Những nỗ lực tự vượt qua khó khăn, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương làm tốt các nhiệm vụ được giao đã giúp Hải quan Bình Dương đứng vững ở vị trí tốp 5 đơn vị hải quan dẫn đầu cả nước và góp phần xây dựng hình ảnh Bình Dương năng động, thân thiện và phát triển bền vững.
DUY CHÍ