Hành trình lên đô thị loại I của Bình Dương 

Cập nhật: 15-12-2015 | 08:00:08

Giai đoạn 2016-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương sẽ nỗ lực đưa tỉnh nhà trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Hiện nay, những bước chuẩn bị để thực hiện hoàn thành mục tiêu này đã được Bình Dương tính toán kỹ càng.

 

 Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương nỗ lực trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Trong ảnh: Một góc đô thị Thủ Dầu Một. Ảnh: XUÂN THI

 

Định hình bộ mặt đô thị hiện đại

Theo Sở Xây dựng, hiện nay tỉnh Bình Dương có Thủ Dầu Một là đô thị loại II; Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên là đô thị loại IV; Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên là đô thị loại V. Bên cạnh đó, khu đô thị mới tại phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một - nơi có trụ sở hành chính tập trung của tỉnh, đang hình thành. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 76,8%; các đô thị từng bước phát triển, mở rộng về quy mô, cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ và hiện đại.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết có 6 tiêu chuẩn để phân loại đô thị, gồm: Chức năng đô thị; quy mô dân số toàn đô thị tối thiểu; mật độ dân số phù hợp với quy mô tính chất; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; hệ thống công trình hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị. Đô thị trực thuộc Trung ương có chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, hành chính, giáo dục - đào tạo, du lịch - dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế. Bình Dương phải có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng liên tỉnh hoặc của cả nước.

Bình Dương đang ngày càng chứng tỏ vai trò và tầm ảnh hưởng của mình đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp (KCN) với diện tích 9.431 ha, phân bổ chủ yếu trên địa bàn TX.Dĩ An, TX.Thuận An, TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên. Dự kiến trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương sẽ có thêm 11 KCN với 8.793 ha, nâng tổng số KCN của Bình Dương lên 39 KCN với tổng diện tích trên 18.220 ha.

Điều thuận lợi là, cơ sở hạ tầng giao thông đã được tỉnh Bình Dương đầu tư bài bản với quy mô lớn, bảo đảm sự kết nối xuyên suốt với các tỉnh, thành trong khu vực và quốc tế. Điển hình như tuyến TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Đồng Xoài được kết nối với đường vành đai 2, 3, 4. Bên cạnh đó, phải kể đến tuyến đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Cửa khẩu Hoa Lư đi Campuchia nối với các nước ASEAN. Trong khi đó, các KCN của Bình Dương còn được kết nối với cảng biển Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành qua đường Mỹ Phước - Tân Vạn.

Vai trò và vị thế của Bình Dương còn được khẳng định khi đây là một trong những tỉnh, thành thu hút vốn đầu tư lớn nhất của cả nước. Đến nay, nguồn đầu tư vào tỉnh nhà không những tăng về lượng mà ngày càng vượt trội về chất, với những tập đoàn kinh tế có thương hiệu toàn cầu đầu tư mạnh vào tỉnh như Tập đoàn Tokyu, Công ty Procter & Gamble, Công ty Uni-President…

Sớm hoàn thành mục tiêu

Trong 6 tiêu chuẩn để được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, hiện nay Bình Dương đã đạt được một số tiêu chuẩn quan trọng. Theo các chuyên gia, về chức năng đô thị Bình Dương ngày càng chứng tỏ vai trò trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn và tác động tích cực đến sự phát triển bền vững trong vùng. Bình Dương cũng là đô thị đi đầu trong quá trình phát triển với tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và mạnh. Về thu nhập bình quân đầu người tính theo GDP, Bình Dương có thể đạt 6.170 USD/người/năm trước năm 2020; năm 2025 có thể đạt mốc 12.000 USD/người.

Về quy mô dân số, Bình Dương hiện có gần 2 triệu người, dự đoán đến năm 2020 đạt 2,5 triệu người; trong khi đó tiêu chuẩn đô thị trực thuộc Trung ương là từ 1 triệu người trở lên. Về hệ thống các công trình đô thị, khu vực nội thành hiện đã được tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng đồng bộ và cơ bản hoàn thành, 100% cơ sở sản xuất được xây dựng theo quy hoạch tại các KCN tập trung.

Theo quy định, đô thị loại I trực thuộc Trung ương phải có tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành đạt tối thiểu 85%. Tiêu chuẩn này đã được tỉnh Bình Dương hoàn thành từ năm 2014, với tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành đạt 90%. Đối với tiêu chuẩn mật độ dân số đạt tỷ lệ 12.000 người/km2, theo các nhà chuyên môn, Bình Dương hoàn toàn có khả năng đạt được tỷ lệ này, vì nơi đây thu hút hàng ngàn lao động, chuyên gia, nhà nghiên cứu mỗi năm đến sinh sống, học tập, làm việc và nghiên cứu tại các đô thị trọng điểm trong tỉnh.

Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan đô thị cũng rất quan trọng trong lộ trình trở thành đô thị loại I của Bình Dương. Theo đó, việc thực hiện xây dựng phát triển đô thị theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị mới phải đạt tiêu chuẩn đô thị kiểu mẫu và trên 50% các trục tuyến chính đô thị phải đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh. Bên cạnh đó, để đạt tiêu chuẩn đô thị loại I, Bình Dương phải bảo đảm có không gian công cộng phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân và các tổ hợp kiến trúc hoặc công trình kiến trúc tiêu biểu mang ý nghĩa quốc gia.

Một số chỉ tiêu về phát triển đô thị tỉnh Bình Dương đã đạt được: Tỷ lệ đô thị hóa đạt 76,8%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành đạt 90%; tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 87%; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 97%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất xây dựng mới có trạm xử lý nước thải đạt 100%; tỷ lệ đất giao thông nội thị so với đất xây dựng khu vực nội thị đạt 22%...

PHÙNG HIẾU

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên