Hành trình tìm liệt sĩ: Ai là tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”?

Cập nhật: 07-11-2012 | 00:00:00

Bài 1:Nghĩa tình đồng đội

Bài 2: Chị ấy từng dạy tôi học!

Bài 3: Hẹn gặp ở Tây Ninh

Từ mờ sáng, đoàn hành trình tìm liệt sĩ của chúng tôi bắt đầu khởi hành sang Tây Ninh - địa danh nổi tiếng thời đánh Mỹ vì nơi đây tập trung nhiều căn cứ cách mạng. Quả là đúng với lời của một câu hát… “Tây Ninh nắng cháy da người…”; những tia nắng vào mùa hanh hao đổ xuống khiến mọi người trong đoàn cảm thấy cái nóng hầm hập. Song, với niềm tin mãnh liệt, chúng tôi hướng đến cuộc gặp gỡ của cả ngàn người, nguyên là cán bộ giáo dục, tuyên huấn thời kháng chiến đang tụ họp tại vùng đất giàu truyền thống cách mạng này… để dò tìm đầu mối.

 Gặp nhau sau nửa thế kỷ

Trước lúc lên Tây Ninh, chúng tôi tranh thủ ghé qua Củ Chi theo lời của ông Dương Văn Nhàn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An, Dầu Tiếng là “hình này có ở Bảo tàng Củ Chi mà”? Quả thật, tại đây có một bức hình khá giống với người trong ảnh, song nhìn kỹ thì cũng chỉ là giống thôi, chứ không phải.   Gặp gỡ các nhà giáo kháng chiến

Phải nói trên bước đường tìm liệt sĩ, chúng tôi đã chứng kiến nhiều tình tiết, sự việc rất bất ngờ và lắm ngạc nhiên, nếu không muốn nói là có yếu tố tâm linh. Ông Nguyễn Nam Ngữ, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Biên Hòa, sau khi không thể nhớ nổi người trong ảnh, lúc chia tay lại giới thiệu chúng tôi gặp bà Yến Thu. Bà Thu nguyên là Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM, trước đây là cán bộ giáo dục công tác ở Tiểu ban giáo dục Trung ương Cục miền Nam. Qua bà Thu mà chúng tôi biết được: ngày 10, 11, 12-10-2012, Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức lễ kỷ niệm “50 năm giáo dục thời kỳ chống Mỹ cứu nước”. Khách mời tham dự gồm toàn bộ các chiến sĩ trong cả nước, nguyên là cán bộ, học viên công tác trên mặt trận giáo dục, tuyên huấn thời kháng chiến. Vậy là sẽ có đông đảo đội ngũgiáo viên thời chiến “trùng phùng hội ngộ” về đây; mà chị ấy - tác giả quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, người chúng tôi đang tìm cũng là giáo viên cùng thời; giờ đã giúp nhen nhóm tia hy vọng: biết đâu sẽ dò ra chút gì manh mối!

Ngày đầu tiên, cuộc gặp gỡ sau gần 50 năm diễn ra thật nhiều cảm xúc. Niềm vui hội ngộ vỡ òa đối với nhiều người đã đi qua cuộc chiến và may mắn được trở về với gia đình. Họ gặp nhau, tay bắt mặt mừng! Trong niềm vui gặp lại cũng có không ít nỗi buồn khi họ tưởng nhớ đến các đồng đội đã mãi mãi đi xa, ngã xuống trước bom đạn quân thù khi tuổi đời còn xuân trẻ. 15 giờ chiều ngày 11-10, gần 1.000 các cựu binh này đã “hành quân” vào căn cứ Lò Gò - Xa Mát dự lễ khánh thành Bia lưu niệm Căn cứ Tiểu ban Giáo dục miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Trên đường đi, chúng tôi đã nhìn thấy Bia tưởng niệm trường Hội họa thời chiến mà có lần trong trang nhật ký chị đã viết: “Ngày 15-2-1965, mấy ngày qua (13 - 14) được học tập, xem triển lãm về hội họa của trường Hội họa Trung ương Cục tổ chức. Chỉ còn mấy ngày nữa là kết thúc lớp học nên mình phải tập trung cao độ, không nghĩ sai lệch để rồi tự khó chịu với bản thân mình…”. Cuối giờ chiều, đoàn người đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ giáo dục. Tại nghĩa trang này, có 13 liệt sĩ là nhà giáo quê ở Bình Dương.

Ngỡ ngàng!

Ngày thứ hai ở Tây Ninh, theo chương trình của ban tổ chức, đúng 9 giờ sáng sẽ có cuộc mít tinh kỷ niệm 50 năm Giáo dục giải phóng. Chúng tôi tranh thủ liên hệ với ông Mạnh, Phó Chánh văn phòng Bộ Giáo dục - Đào tạo, qua đó nhờ ban tổ chức sắp xếp cho đoàn có thời gian tham dự chương trình. Sau khi nghe chúng tôi trình bày, ông Mạnh đã rất nhiệt tình hỗ trợ, thể hiện rõsự quan tâm sâu sắc với một công việc mang nhiều ý nghĩa. Ông Mạnh nói: “Việc làm của các anh hôm nay càng làm tăng thêm ý nghĩa cho buổi lễ của chúng tôi”. Lễ mít tinh khai mạc, ông Mạnh trân trọng giới thiệu về sự kiện và lý do mà Báo Bình Dương có mặt ở đây hôm nay. Ngay từ những lời nói đầu tiên của ông, cả hội trường bỗng im phăng phắc, mặt mọi người lặng lẽ, đăm chiêu và tràn đầy xúc động. Rồi chẳng ai nói lời nào, họ đứng lên tiến về phía trước nơi đang bày biện trang trọng số hình ảnh các liệt sĩ cần tìm. Nhiều đôi mắt đỏ hoe. Họ cẩn trọng nâng niu các kỷ vật, hình ảnh của đồng đội mà như đang hồi ức về quá khứ, về một thời binh lửa tàn khốc nhưng rất đỗi hào hùng. Sau khi được chúng tôi giới thiệu về quyển nhật ký, hầu hết mọi người đều khẳng định: tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” này phải là đồng nghiệp, đồng đội của họ. Cụ thể, chị ấy là học viên trường Giáo dục tháng 8, khóa 2 tại Trung ương Cục từ năm 1964-1965. Lớp học được khai giảng vào ngày 30-5-1964 và bế giảng ngày 27-2-1965.  Hai ảnh này được xác định là chị em ruột và họ đã hy sinh

Trở lại nhật ký của chị, chúng ta càng thấy rõnét về thời gian chị đi học, chị viết: “Tháng 5-1964, được tin chuẩn bị đi dự lớp sư phạm ở R (tức Trung ương cục - P.V) họp ngày 30-5 mình rất phấn khởi…”. Và đây là những dòng nhật ký chị viết sau khi tốt nghiệp: “Ngày 27-2- 1965 lễ bế giảng với không khí tưng bừng, nhộn nhịp, với biết bao phấn khởi, vui tươi. Đến dự có đại diện BT, đại diện Đảng, Trung ương, Mặt trận… mình mãi mãi ghi sâu. Số kiến thức mà mình có được chỉ là bước đầu, phải luôn luôn trau dồi nghiệp vụ, trình độ văn hóa, trình độ chính trị. “Chính trị là thống soái, nghiệp vụ là trung tâm, văn hóa là cơ sở”. Phải là người học trò nhỏ của quần chúng. Tin tưởng hoàn toàn và bồi dưỡng văn hóa cho họ…”.

Từ thông tin tại buổi họp mặt của các đồng đội, nhà giáo cách mạng, đối chiếu với nội dung chị viết trong nhật ký quả là trùng khớp đến lạ kỳ! Đến đây, đã giúp chúng tôi khẳng định: Liệt sĩ - tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” từ tháng 5-1964 đến ngày 27-2-1965 là học viên trường Giáo dục tháng 8, khóa 2 tại Trung ương Cục (Tây Ninh). Theo mốc thời gian thì lớp học diễn ra 9 tháng; sau đó chị trở lại chiến trường công tác và 18 tháng sau thì chị đã hy sinh vào ngày 10-10-1966 (âm lịch). Trang viết cuối cùng của chị còn đang dang dở trong nhật ký ghi ngày 20-10-1966 (dương lịch). Thế là hoàn toàn hợp lý!   Tìm người trong ảnh!

50 năm, giờ đây khi gặp lại đồng đội của mình chỉ bằng hình ảnh và tập nhật ký nay đã nhạt màu, vì đã vùi sâu trong lòng đất lạnh khiến cho mọi người trào dâng thêm nỗi xót xa! Ai cũng ngỡ ngàng trước những thông tin mà báo Bình Dương đưa đến. Hàng trăm ánh mắt nhìn về chúng tôi với cái nhìn đầy thiện cảm, đủ để hiểu rằng: họ đang biểu lộ sự đồng cảm và trân trọng đối với công việc mà chúng tôi đang làm. Thật là cảm động xiết bao! Chúng tôi cũng thoáng chút băn khoăn khi mọi người đều không nhớ rõhọ tên của chị. Ai cũng bảo gương mặt này “quen lắm”; “nó đây rồi” nhưng để nhớ ra cái tên thì các cô, các chú đều hẹn “để trả lời sau”! Âu đó cũng là điều dễ hiểu! Nửa thế kỷ qua rồi còn gì! Lúc ra đi, các anh, các chị đang độ tuổi 20, sục sôi lý tưởng… mà nay mái đầu họ giờ bạc trắng. Buổi gặp mặt diễn ra đầy ấm áp, nghĩa tình. Chia tay Tây Ninh, tuy không đạt kết quả như ý nhưng chúng tôi ai nấy cũng cảm thấy lòng rộn rã niềm vui khi sự việc đang dần sáng tỏ. Chúng tôi tin rằng, chắc chắn những ngày sau, các nhà giáo kháng chiến sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin cụ thể. Quả đúng như vậy! Mới sáng sớm, một thầy giáo quê ở Phú Yên, nguyên là giáo viên trực tiếp dạy môn triết học tại trường Giáo dục tháng 8, khóa 2 đã gọi “A lô, có phải số máy Báo Bình Dương đây không? Cô ấy là học trò của tôi…”!

Bài 4: Ký ức của một nhà giáo

  KIẾN GIANG - NHÂN QUANG

* Nhật ký Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh

- Bài 1: Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh

- Bài 2: Sống như anh

- Bài 3: Những bức ảnh sống mãi với thời gian

- Bài 4: Nỗi lòng người lính già

- Bài 5: Tiếng gọi từ lòng đất

- Bài cuối: Ai đã gây cảnh đau lòng!

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=261
Quay lên trên