Bài 2: Chị ấy từng dạy tôi học!
Bài 3: Hẹn gặp ở Tây Ninh
Bài 4: Ký ức của một nhà giáo
Bài 5: Các nhà giáo kháng chiến cùng vào cuộc!
Bài 6: Xuôi về miềnTây
Bài cuối: Vỡ òa tại Cai Lậy…!
“Trời, con nhỏ T. đây chứ ai! Chính tôi là người tổ chức cho chúng nó lên đường tòng quân mà”! Vừa xem bức ảnh, ông Mai Văn Nghiêm thốt lên như vậy khiến mọi người vô cùng sửng sốt và vỡ òa trong niềm vui khôn tả. Sau gần 2 tháng hành trình xuôi ngược, đi tìm tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” tưởng chừng như vô vọng thì giờ đây chúng tôi rất bất ngờ khi tìm được họ tên của chị - người con của quê hương Cai Lậy anh hùng. Theo chân ông Nghiêm, chúng tôi cùng đi bộ chừng non cây số, dọc theo con kênh Kháng Chiến tìm đến nhà người thân của chị mà lòng ai cũng ngập tràn cảm xúc… Liệt sĩ Lê Thị Thiên - tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” và em gái Lê Thị Nhiên
Ấp Bà Bèo “dậy sóng”!
Ấp Bà Bèo, làng quê khá trù phú nằm giữa hai dòng kênh Bang Xang và kênh Kháng Chiến hôm nay trở nên náo nức khác thường. Trên đường vào nhà chị, hình như đoán trước được sự việc nên bà con trong làng đổ ra đón chúng tôi rất nhiệt tình và gần gũi. Tranh thủ lúc đi đường, chúng tôi mang hình ảnh của chị cho mọi người xem nhằm khẳng định thêm về thông tin bất ngờ này. Bà Huỳnh Thị Đông và bà Lê Thị Vân Anh là anh em con chú, bác với liệt sĩ, nói ngay: “Chị T. con bác tôi đây mà! Sao các anh tìm được, hài cốt chị ấy giờ ở đâu?”. Tất cả họ đều vui mừng xen lẫn tự hào và xúc động, cùng tiến nhanh về ngôi nhà mà cách đây đúng 50 năm, chị đã rời xa để lên đường kháng chiến nhưng rồi chị đã ra đi và mãi mãi không về! Người dân ấp Bà Bèo (Cai Lậy) đón đoàn
Tiếp chúng tôi trong căn nhà ngói khang trang, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Văn - cháu gọi liệt sĩ bằng dì ruột ngỡ ngàng và xúc động không nói nên lời. Các cụ cao niên, bạn bè và đồng đội năm xưa của chị cũng tề tựu về ngôi nhà này để xem các bức ảnh kèm trong kỷ vật đã bị chôn vùi dưới lòng đất gần 50 năm qua. Chúng tôi bày ra 6 bức ảnh để mọi người cùng xác định và chỉ trong chốc lát ai cũng đồng thanh: “Hình cô gái đội mũ tai bèo chính là liệt sĩ L.T.T”. Riêng vợ chồng ông Văn thì loay hoay lục tìm giấy báo tử của chị đưa cho chúng tôi xem. Đến đây thì sự việc càng thêm sáng tỏ. Giấy báo tử ghi rõ: “Đồng chí Lê Thị Thiên, sinh năm 1945 tại ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, Tiền Giang; nhập ngũ ngày 8-2-1962, hy sinh ngày 10-10-1966. Đồng chí đã được tặng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng ba và truy tặng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng nhì”. Như vậy, từ thông tin trong giấy báo tử, đối chiếu với những trang nhật ký của chị về mốc thời gian là hoàn toàn trùng khớp. Tháng 2-1962, chị vào bộ đội và được đi học văn hóa hình như là lớp sơ cấp, tháng 12 trở lại đơn vị ở một địa phương thuộc miền Đông tiếp tục công tác và lúc này chị bắt đầu viết nhật ký. Đến tháng 5-1964, chị lên Trung ương Cục học lớp sư phạm tại trường Giáo dục Tháng Tám, khóa 2. Tháng 2-1965 tốt nghiệp, trở lại chiến trường hoạt động và đến ngày 10-10-1966 (âm lịch) thì hy sinh. Trong làn khói hương bảng lảng, mọi người ngồi quanh bàn thờ ở gia đình ông Văn mà tưởng nhớ đến hương hồn của chị. Từ đây, những câu chuyện về tuổi thơ của chị Thiên đã hiện về trong ký ức của những người bạn cùng trang lứa mà giờ đây, mái đầu của họ nhiều người bạc trắng.
Ra đi trọn một lời thề
Nâng niu tấm hình của chị trên tay, bà Nguyễn Thị Sáu năm nay đã 66 tuổi, bồi hồi kể về những năm tháng sống chung với bạn mình, bà nói: “Thiên rất đẹp, nó có cái răng khểnh bên phải. Hồi đi học, tôi từng khuyên nó “cưa” đi, bịt vàng vào nhưng nó không chịu, chỉ bẽn lẽn cười. Ba má của Thiên thường đào hầm cho bộ đội trú ẩn nên có hôm bọn địch nghi ngờ “giúp Việt Cộng” nên đã hành hung ông bà một trận rất dã man. Hai đứa tôi đi học về đã chứng kiến tụi Mỹ - ngụy tung những cú đá như trời giáng vào bụng của ông bà, làm máu Vỡ òa niềm vui tìm ra nhân thân liệt sĩ
Chứng kiến cảnh này đã khiến chúng tôi lòng sôi sục lửa căm thù. Tối đó, tôi và Thiên cùng anh trai của Thiên là Lê Văn Tính rủ nhau ra gốc dừa sau hè mà thề: Lớn lên sẽ vào bộ đội, giết giặc trả thù cho nhân dân và gia đình. Thế rồi, năm 1962 hai chị em Thiên đã thực hiện được lời thề này. Thiên lúc đó 17 tuổi, cậu Tính 20 tuổi đã xung phong lên đường đánh giặc; riêng tôi đã không thực hiện được vì trong gia đình đã có nhiều anh em đi bộ đội nên tôi phải ở nhà chăm sóc ba má. Ngày tòng quân, thấy Thiên gầy yếu tôi thương bạn lắm, cứ níu áo kéo Thiên ở lại không cho đi. Tôi khóc và nói với nó: “Hay là mày ở nhà tham gia du kích xã cũng được mà, lên miền Đông xa lắm!”. Tôi thương bạn thân gái dặm trường nên nói vậy nhưng nó quyết tâm dứt áo, chỉ trả lời tôi có đúng một câu: “Thôi mày ở lại mạnh giỏi!”. Đó cũng là lần chúng tôi chia tay mãi mãi”. Bà Sáu nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Thiên ơi! Sáu đây nè, mày đi son sắt một lời thề!...”.
Gia đình liệt sĩ Lê Thị Thiên gồm có: cha mẹ là ông Lê Văn Như và bà Nguyễn Thị Hò, hai người đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba, vì đã có công lao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chị Thiên là con thứ sáu, trước chị là cậu Tính, người cũng đã đi theo lời thề hôm nào và đã hy sinh, cho đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Sau chị Thiên là người em gái út, đã chết năm 16 tuổi ở tại quê nhà vì bom đạn của quân thù. Các hình ảnh kèm trong kỷ vật có cả bức ảnh của cô này, tên là Lê Thị Nhiên, thông tin này cũng đã được mọi người ở đây xác nhận. Chị Thiên còn có người chú ruột tên là Lê Văn Phẩm, tự Chính Hải, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang. Với truyền thống gia đình cách mạng nên chị sớm giác ngộ và được cách mạng quan tâm đào tạo, trở thành một cán bộ trên mặt trận văn hóa.
Hiện nay, cha mẹ và các anh em của chị Thiên đã qua đời (trong đó có 2 liệt sĩ), người thờ cúng hàng năm tại quê nhà là vợ chồng ông Nguyễn Thanh Văn. Ông Văn bùi ngùi, xúc động: “Ông bà ngoại tôi (tức ba mẹ của chị Thiên) cũng mới qua đời cách đây vài năm, nếu như được các anh tìm về sớm hơn thì an ủi cho ông bà nhiều lắm. Ông bà đã sống gần được trăm tuổi và ngày nào cũng ngóng trông tin tức chị Thiên và cậu Tính. Lúc ngoại tôi mất, cũng vì thương nhớ dì, cậu chưa tìm được hài cốt nên lòng rất quặn đau, ra đi mà chưa thanh thản!
Các số báo tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin thêm về gia đình, quê hương của chị Thiên. Kính mời quý độc giả đón xem
KIẾN GIANG - NHÂN QUANG
* Nhật ký Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh
- Bài 1: Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh
- Bài 2: Sống như anh
- Bài 3: Những bức ảnh sống mãi với thời gian
- Bài 4: Nỗi lòng người lính già
- Bài 5: Tiếng gọi từ lòng đất
- Bài cuối: Ai đã gây cảnh đau lòng!