Anh Nguyễn Văn H. và chị Nguyễn Thị Y. kết hôn do mai mối. Cuộc hôn nhân không tình yêu khiến họ phải khổ tâm từ lúc cưới nhau cho đến lúc ra tòa ly hôn…!
Năm đầu sau khi kết hôn thì đôi bên đã bắt đầu tồn tại nhiều mâu thuẫn. Đến khi con tròn 2 tuổi thì anh H. bắt đầu nhận thấy vợ có nhiều thay đổi. Chị chưng diện và kiếm cớ đi làm về trễ nhiều hơn, con thì thường xuyên được đưa sang gửi nhà ngoại, cho dù đó là ngày chủ nhật. Sinh nghi nên anh theo dõi và phát hiện chị Y. có người đàn ông khác. Từ đó trở đi, cuộc sống hai vợ chồng liên tục xảy ra tranh cãi. Đến một ngày, chị lên tiếng ly hôn vì hôn nhân giữa hai người không hề có tình yêu, giờ chị đã tìm được tình yêu của đời mình nên yêu cầu được giải thoát. Anh H. không đồng ý, anh một mực níu kéo cuộc hôn nhân này vì thương con còn quá nhỏ!
Dù vậy, chị Y. vẫn quyết tâm gửi đơn lên tòa. Tại bản án sơ thẩm, tòa không chấp nhận yêu cầu ly hôn của chị Y. nên không giải quyết về con chung. Không được ly hôn, chị kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Bản án của tòa phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu ly hôn của chị nhưng về con chung, tài sản chung, nợ chung thì không giải quyết!?
Anh H. bức xúc cho rằng, từ khi làm đơn xin ly hôn thì chị Y đưa con về nhà cha mẹ ruột sinh sống và một mực ngăn cản không cho anh gặp con, mỗi lần đến nhà chị Y. để thăm con thì anh bị gia đình chị Y. chửi mắng và có hành động xúc phạm, xua đuổi, không cho vào nhà thăm con. Anh H. cho rằng việc ngăn cản không cho được thăm con đã tước đoạt quyền làm cha và chia cắt tình cảm cha con của anh. Do đó, anh H. đã làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết cho anh được trực tiếp nuôi dưỡng, không yêu cầu chị Y. cấp dưỡng. Anh H. sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của con và tạo điều kiện cho chị Y. thăm nom, chăm sóc con chung. Một lần nữa… đôi bên lại đưa nhau ra tòa!
Về phía chị Y. thì nhất quyết không đồng ý giao con. Chị nói, kể từ thời điểm sống ly thân trước khi ly hôn, con trai do chị trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục. Hiện nay, con được chị chăm sóc rất chu đáo và phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần. Sau khi ly hôn, anh H. không quan tâm, chăm sóc con và hoàn toàn không biết cháu được sinh sống trong điều kiện như thế nào, phát triển ra sao. Việc anh H. cho rằng chị Y. và gia đình cản trở không cho anh H. thăm nom, chăm sóc con là không đúng, vì chị Y. ý thức được rằng mặc dù vợ chồng đã ly hôn nhưng con là con chung nên luôn tạo điều kiện để anh H. được thăm nom chăm sóc. Do đó, chị Y. không đồng ý với yêu cầu của anh H. vì anh H. không có đủ khả năng và điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc con.
Tại bản án sơ thẩm về “Tranh chấp nuôi con”, tòa đã chấp nhận khởi kiện của anh H., giao con cho anh H. nuôi dưỡng, giáo dục, không ai được quyền cản trở chị Y. trong việc thăm nom, chăm sóc, giáo dục cháu. Về cấp dưỡng, anh H. không yêu cầu chị Y. cấp dưỡng nuôi con chung nên không xem xét giải quyết.
Sau khi xét xử sơ thẩm, chị Y. bỗng dưng bị tước quyền nuôi con trong khi con chưa đầy 3 tuổi. Chị không đồng tình với bản án trên và bắt đầu cuộc chiến tranh giành con đến cùng. Chị Y. tiếp tục kháng cáo vì chị có đầy đủ điều kiện nuôi dưỡng hơn anh H. Từ trước đến nay, con do chị trực tiếp nuôi dưỡng, phát triển tốt. Chị Y. kháng cáo yêu cầu xét xử phúc thẩm giao lại cháu cho chị Y. tiếp tục nuôi dưỡng. Khi xem xét tất cả các khía cạnh thì tòa phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm, lại giao con cho chị Y. nuôi dưỡng. Anh H. một lần nữa lại thua! Việc kiện tụng, tranh giành con khiến hai bên vô cùng mệt mỏi. Chỉ thương đứa trẻ vô tội, không biết cha mẹ vì mình mà thưa kiện nhau từ năm này qua năm khác đến mất ăn, mất ngủ…!
Việc kiện tụng, tranh giành con khiến hai bên vô cùng mệt mỏi. Chỉ thương đứa trẻ vô tội, không biết cha mẹ vì mình mà thưa kiện nhau từ năm này qua năm khác đến mất ăn, mất ngủ…! |
THỦY TRINH