Hiệu quả quản trị địa phương với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài

Cập nhật: 28-12-2017 | 08:15:35

Bình Dương là tỉnh có hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hàng đầu của cả nước. Với kết quả này, vai trò cũng như chức năng của quản trị địa phương (công tác quản lý) là rất quan trọng, thể hiện rõ ở chính sách “trải thảm đỏ thu hút đầu tư” của tỉnh.

Môi trường đầu tư hấp dẫn

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, ngoài việc có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng đồng bộ, với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã đưa các doanh nghiệp lớn của thế giới đến làm ăn tại Bình Dương. Tính đến nay, có 64 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Bình Dương, với 3.034 dự án, tổng vốn đăng ký 28,33 tỷ USD. Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương, Đài Loan có vốn đăng ký lớn nhất với 5,869 tỷ USD, thứ 2 là Nhật Bản với 5,253 tỷ USD, Singapore đứng thứ 3 với 2,764 tỷ USD, Hàn Quốc đứng thứ 4 với 2,756 tỷ USD.

 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Bình Dương và Tập đoàn Kolon Industries trong việc triển khai dự án sản xuất sợi bố vỏ xe ô tô, túi khí ô tô tại KCN - Đô thị Bàu Bàng mở rộng. Ảnh: HOÀNG PHẠM

Thành công của Bình Dương trong việc thu hút FDI, trước hết chính là tỉnh luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủtục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thực hiện linh hoạt các giải pháp nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp an tâm đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Bình Dương vừa qua, ông Park Noh Wan, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh đã đánh giá cao việc lãnh đạo tỉnh tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp. Việc làm này không những thúc đẩy sự hợp tác, mà còn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Bình Dương. Đây cũng là điều kiện để Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào Bình Dương trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN) tập trung trong thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, vì vậy phần lớn các dự án đều chọn đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Tsai Wen Jui, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Active International cho biết, môi trường đầu tư tại Bình Dương được các doanh nghiệp Đài Loan đánh giá rất cao. Do đó, công ty quyết định chọn KCN Bàu Bàng để triển khai dự án, bởi KCN này có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đáp ứng được những yêu cầu của công ty.

Cũng với quan điểm này, ông Park Dong Moon, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc điều hành Tập đoàn Kolon Industries (Hàn Quốc) cũng đánh giá, qua 2 năm tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam, Tập đoàn Kolon Industries đã khảo sát 27 KCN trên toàn quốc. Cuối cùng, KCN Bàu Bàng của tỉnh Bình Dương là nơi đáp ứng được những yêu cầu cần thiết của tập đoàn để phát triển dự án.

Tăng cường công tác quản lý

Những năm qua, UBND tỉnh đã thực hiện tốt vai trò quản lý đối với hoạt động FDI trên địa bàn tỉnh nhà. Vai trò đó trước hết thể hiện ở khả năng tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn. Có thể thấy, sự hấp dẫn của môi trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài chính là sự ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường pháp lý an toàn, các thủ tục hành chính đơn giản, cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội phát triển và có những định hướng đúng đắn khuyến khích các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả và an toàn.

Điều này thể hiện rõ qua Chương trình đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020, Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu thu hút 7 tỷ USD vốn FDI trong 5 năm.

Đến nay, toàn tỉnh có 29 KCN với tổng diện tích 12.798 ha, trong đócó26 KCN đang hoạt động, tỷ lệ cho thuê đất đạt 72,2% và12 cụm công nghiệp có diện tích 815 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt khoảng 64,8%. Theo Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Dương có 33 KCN với diện tích 14.790 ha. Các KCN làđộng lực quan trọng giúp Bình Dương thu hút vốn FDI hiệu quả.

Thực hiện các giải pháp của chương trình, chỉtrong thời gian ngắn đã có sự chuyển biến rõ nét, thể hiện qua việc tăng nhanh về chất lượng và số lượng nguồn vốn FDI. Chỉ trong 2 năm 2016-2017, Bình Dương đã thu hút được 4,597 tỷ USD vốn FDI, trong đó nhiều dự án có vốn đầu tư lớn như Dự án sản xuất các loại sợi tổng hợp của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) với tổng vốn đầu tư 760 triệu USD; Dự án sản xuất sợi bố vỏ xe ô tô, túi khí ô tô của Tập đoàn Kolon Industries với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 220 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm dạng lỏng của Công ty Cổ phần Tetra Pak Bình Dương (Singapore) với vốn đầu tư 124 triệu USD…

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, để Bình Dương tiếp tục là địa chỉ đáng tin cậy, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, trong thời gian tới lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách về phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; huy động mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản; đồng thời kịp thời giải quyết những kiến nghị, vướng mắc để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư.

 HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=483
Quay lên trên