(BDO) Sáng 14-10, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo trực tuyến toàn quốc 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao giải cuộc thi viết về “Dân vận khéo” năm 2019. Tham dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị là thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị Trung ương. Tham dự hội thảo tại điểm cầu Bình Dương có đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu Bình Dương
Ngày 15-10-1949, tác phẩm “Dân vận” của Bác đã đăng trên báo Sự Thật với bút danh XYZ, gồm 4 nội dung lớn: Nước ta là nước dân chủ. Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào? Có thể nói, tác phẩm “Dân vận” là Cương lĩnh dân vận của Đảng, thể hiện tư tưởng tin dân, trọng dân, coi trọng sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tiếp nối truyền thống của cha ông ta về vai trò của nhân dân “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên; hàng năm tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác dân vận của tập thể cấp ủy, đảng viên; tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận.
Tham gia hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận xoay quanh một số chủ đề: Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị lý luận và thực tiễn cho công tác dân vận hiện nay; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bài báo “Dân vận” trong việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân; Quân đội Nhân dân Việt Nam - 70 năm thực hiện lời dạy trong bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Đồng thời, các đại biểu cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm hay và cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác dân vận ở địa phương, cơ quan, đơn vị công tác.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, nhấn mạnh thực tiễn 70 năm qua cho thấy để có được niềm tin của nhân dân, mọi quyết định của Đảng phải xuất phát từ cuộc sống của nhân dân, đặt lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân lên hàng đầu. Công tác vận động các tầng lớp nhân dân không thể tách rời công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do vậy, cần quan tâm hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” phù hợp thực tiễn; cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân làm trọng tâm.
Dịp này, Ban Tổ chức cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” đã công nhận và tiến hành trao thưởng 50 tác phẩm được chọn vào chung khảo giai đoạn 2017-2020 của năm 2019.
CAO SƠN