Hội thảo đầu tư Hàn Quốc: Đối thoại, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn…

Cập nhật: 28-09-2012 | 00:00:00

Nhiều kiến nghị với tinh thần xây dựng

Mở đầu cho những kiến nghị của DN tại hội thảo, ông Paik  In Ki, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Bình Dương, cho biết  trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, cộng đồng DN  Hàn Quốc tại Bình Dương cũng gặp phải rất nhiều khó khăn.  Vì vậy, cộng đồng DN Hàn Quốc tại Bình Dương mong muốn  chính quyền trong khả năng và thẩm quyền có thể xem xét,  tháo gỡ những khó khăn để DN Hàn Quốc hoạt động tốt hơn,  từ đó góp phần cùng Bình Dương đẩy mạnh quá trình công  nghiệp hóa địa phương.  

Công ty TNHH Semi Vina, KCN VSIP 2 mang đến diễn đàn nỗi băn khoăn về thời gian hoàn thuế hiện còn khá chậm. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghiệp phụ trợ tại Bình Dương chưa phát triển cũng là bất lợi đối với DN khi có nhu cầu mua sắm vật tư, thiết bị trong quá trình sản xuất. Do vậy, công ty này kiến nghị Bình Dương cần phát triển các trung tâm vật liệu phụ trợ nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN. Ngoài ra, cũng theo Công ty TNHH Semi Vina, hiện nay mỗi khi nhận các văn bản hành chính từ chính quyền thường chỉ sử dụng một ngôn ngữ là tiếng Việt nên rất khó khăn cho lãnh đạo DN trong việc nắm bắt chính xác thông tin và mất thời gian dịch thuật. Vì vậy, trong thời gian tới, Bình Dương cần sử dụng song ngữ Việt - Anh trong quá trình ban hành các văn bản này đến DN, giúp DN tiếp cận các văn bản hướng dẫn từ chính quyền chính xác và nhanh hơn.

Công ty TNHH Ace Machinery Vina (KCN VSIP 2) bày tỏ mối băn khoăn làm sao để đào tạo, giữ chân người lao động có tay nghề, am tường công nghệ cao trong bối cảnh hiện nay, khi mà nhiều địa phương tại Việt Nam cũng phát triển nhiều KCN. Theo công ty này, do đặc thù hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, nên khi tuyển lao động vào làm việc, phải tiến hành đào tạo. Tuy nhiên, khi đã có công nhân lành nghề, DN cũng phải lo giữ chân công nhân bằng mức lương và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, vì với tay nghề sẵn có đã được công ty đào tạo, lao động sẽ có những cơ hội tìm việc làm với mức thu nhập cao ở những công ty khác. Tuy vậy, khi công ty tiến hành đào tạo tay nghề hay thực hiện các chuyến du lịch cho công nhân, các khoản phí này không được tính vào chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh để tính thuế TNDN, nên không khuyến khích được chủ DN chăm lo đời sống cho người lao động. Mặt khác, Công ty TNHH Ace Machinery cũng cho rằng, câu chuyện giữ chân người lao động không chỉ thiết thực với DN mà còn rất quan trong đối với cả chính quyền vì với những công nhân có tay nghề, am hiểu công nghệ, khi chuyển đi các địa phương khác làm việc, cũng là một hiện tượng chảy máu chất xám nguồn lao động của Bình Dương. Thực tế, theo lãnh đạo đơn vị này, thời gian qua khi các tỉnh miền Bắc phát triển công nghiêp mạnh mẽ, nhiều công nhân có gốc miền Bắc sau khi về nghỉ lễ, tết đã không quay lại làm việc.

Cùng kiến nghị với tinh thần xây dựng về chất lượng nguồn lao động, đại diện Công ty TNHH Kumho Tires (KCN Mỹ Phước), cho biết trong môi trường sản xuất tự động hóa hiện nay, người lao động cần phải nắm bắt được kỹ thuật và công nghệ. Tại một số quốc gia đều có những trung tâm đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề nhưng với công ty này khi đầu tư tại Bình Dương, phải tự đào tạo tay nghề cho công nhân. Do vậy, Bình Dương cần phát triển mạnh hơn nữa các trung tâm đào tạo nghề, đồng thời phía DN cũng mong muốn hợp tác với chính quyền trong vấn đề này.

Còn Công ty TNHH Orion Vina (KCN Mỹ Phước) thì bày tỏ mối quan ngại về nguồn điện năng thiếu hụt, đặc biệt là việc cắt điện đột xuất, làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh; hạ tầng xã hội phát triển chưa đồng bộ, nên thiếu trường học, nhà trẻ cho con em công nhân lao động cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến DN… Công ty TNHH Sung Hyung Vina (KCN Bình Đường) kiến nghị chính quyền chung tay giải quyết tình trạng đình lãn công do các đối tượng xấu kích động. Theo đại diện công ty này, những chính sách pháp luật liên quan đến người lao động, chính quyền đứng ra giải thích sẽ tốt hơn phía DN…

Chính quyền sẵn sàng “đồng hành” cùng DN

Với kiến nghị hoàn thuế chậm của Công ty TNHH Semi Vina, ông Hàn Anh Vũ, Cục trưởng Cục Hải quan, giải thích có 2 thời hạn hoàn thuế là 30 và 60 ngày với 2 loại hình DN hoàn thuế trước, kiểm tra sau và kiểm tra trước hoàn thuế sau. Với trường hợp của Công ty TNHH Semi Vina, do mới hoạt động 1 năm nên thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau với thời gian là 60 ngày. Vì vậy, nếu quá trình hoàn thuế chậm hơn so với quy định này, Hải quan Bình Dương xin tiếp thu và chấn chỉnh, rút kinh nghiệm để thực hiện hoàn thuế kịp thời cho DN. Đối với việc ban hành các văn bản hành chính chỉ với tiếng Việt, theo ông Vũ đây là việc nhỏ nhưng lại không hề nhỏ và để thực hiện song ngữ cũng không phải là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, bên cạnh ban hành văn bản giấy, Hải quan Bình Dương đồng thời cũng công bố các thông tin trên website của đơn vị với 2 thứ tiếng. Do đó, nếu DN gặp khó khăn khi tiếp xúc với văn bản giấy, có thể truy cập vào website của hải quan để nắm chính xác hơn nguồn thông tin. Trong tương lai (sau năm 2014), khi Hải quan Bình Dương hoàn thành hệ thống dữ liệu thông quan điện tử, việc bất đồng ngôn ngữ này sẽ được giải quyết.

Về mối băn khoăn các khoản phí không được tính vào chi phí khi tính thuế TNDN, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Võ Thanh Bình, giải đáp về nguyên tắc, các khoản chi được tính vào chi phí khi có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Vì vậy, khoản phí đào tạo sẽ được tính vào chi phí nếu DN chứng minh được đầy đủ 2 yếu tố trên. Riêng thắc mắc về khoản chi cho công nhân đi du lịch, theo ông Bình, khoản này không liên quan đến sản xuất, kinh doanh và chính sách hiện hành không cho phép được hạch toán vào chi phí khi tính thuế.

Đối với những kiến nghị về đào tạo, chất lượng nguồn lao động, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cũng có những giải đáp ngay tại diễn đàn, giúp cho cộng đồng DN Hàn Quốc nắm rõ hơn về chính sách hệ thống, hạ tầng đào tạo lao động hiện nay của Bình Dương. Theo đó, với 47 cơ sở đào tạo nghề từ trung cấp đến cao đẳng, các trung tâm này có đủ khả năng để đào tạo, cung cấp nguồn lao động có tay nghề kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của DN. Trong quá trình sản xuất, khi DN có nhu cầu đào tạo nghề cho công nhân, có thể liên hệ với sở hoặc trực tiếp tới các trung tâm đào tạo để cùng phối hợp giải quyết. Nhấn mạnh thêm sự quan tâm của chính quyền với việc đào tạo lao động cho DN, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã chỉ đạo, yêu cầu Trưởng ban Quản lý các KCN Bình Dương sẽ trực tiếp cùng DN đến các trung tâm đào tạo nghề để phối hợp thực hiện, vì “nếu để một mình DN đi thì sẽ khó khăn hơn”…

Chốt lại diễn đàn hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung khẳng định, chính quyền Bình Dương luôn sẵn lòng tháo gỡ khó khăn cho các DN. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các DN Hàn Quốc, Bình Dương luôn coi họ như các DN của địa phương. Ông Cung cũng cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, giao thông, y tế, giáo dục đào tạo… nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê  Thanh Cung:  Chúng tôi luôn quan  tâm và lắng nghe ý kiến  của DN

Quan điểm của lãnh đạo  tỉnh Bình Dương là luôn xem  DN nước ngoài, trong đó có  DN Hàn Quốc như chính các  nhà đầu tư của tỉnh. Chúng tôi  luôn quan tâm và lắng nghe  ý kiến của DN, nếu có những  khó khăn vướng mắc thì DN  làm việc trực tiếp với các ngành  hữu quan của tỉnh hoặc UBND  tỉnh, chúng tôi sẽ giải quyết  kịp thời và đến nơi, đến chốn  những vấn đề DN kiến nghị.  Để tạo điều kiện thuận lợi cho  các nhà đầu tư hoạt động lâu  dài, hiện Bình Dương đang đầu  tư mạnh từ nguồn vốn của tỉnh  và các thành phần kinh tế vào  phát triển hạ tầng, như đô thị,  giao thông công cộng, trường  học, bệnh viện, nhà trẻ…; đồng  thời có giải pháp tốt nhằm bảo  đảm an ninh trật tự cho các  nhà đầu tư hoạt động hiệu quả. 

Ông OH JAE HACK,  Tổng lãnh sự Hàn Quốc  tại TP.Hồ Chí Minh:  Các nhà đầu tư Hàn  Quốc sẽ tiếp tục chọn đầu  tư vào Bình Dương 

Hàn Quốc đánh giá rất cao  về tiềm năng phát triển kinh  tế của Việt Nam nói chung và  Bình Dương nói riêng. Nhìn  vào Bình Dương, tôi thấy nơi  đây có cơ sở hạ tầng rất tốt và  thu nhập của người dân cũng  khá cao. Hiện nay, Hàn Quốc  có khoảng 500 DN đã đầu tư  vào Bình Dương và đa số đều  đạt kết quả tốt. Điều này chứng  minh môi trường đầu tư của  Bình Dương rất tốt, lãnh đạo  tỉnh Bình Dương tạo nhiều điều  kiện thuận lợi cho DN. Tôi nghĩ  rằng trong tương lai các nhà  đầu tư nước ngoài và các nhà  đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục  chọn đầu tư vào Bình Dương. 

Ông PAIK IN KI, Chủ  tịch Hiệp hội DN Hàn  Quốc tại Bình Dương:  Tiếp tục phát huy vai  trò là cầu nối... 

Ưu điểm của Bình Dương là  các cơ quan hữu quan rất thân  mật và tích cực hỗ trợ các nhà  đầu tư nói chung và nhà đầu  tư Hàn Quốc nói riêng. Cùng  với hạ tầng công nghiệp tốt, sự  quan tâm của tỉnh đã tạo tâm  lý an tâm để DN bỏ vốn đầu tư.  Đây là những yếu tố quan trọng  giúp DN thành công. Hiệp hội  DN Hàn Quốc tại Bình Dương  sẽ tiếp tục phát huy vai trò là  cầu nối để các DN Hàn Quốc  hiểu rõ hơn về Bình Dương  cũng như nâng cao nguồn vốn  đầu tư vào Bình Dương. 

T.SƠN - T.BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=299
Quay lên trên