Để chọn ngành, chọn trường phù hợp, thí sinh không nên cố chấp mà phải biết lắng nghe. Tuy nhiên cũng không nên phó mặc số phận của mình cho người khác...
Một trong những băn khoăn của nhiều “thân chủ” trong các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp là làm sao giải tỏa sự căng thẳng giữa cha mẹ và con, giữa thầy cô với học trò và giữa bạn bè với nhau khi có sự khác biệt về nhận thức nghề nghiệp và lựa chọn trường thi.
Thi cho... cha mẹ
Nhiều học sinh không giấu vẻ giận dỗi bộc bạch rằng cha mẹ bắt em phải chọn nghề này và thi trường kia, trong lúc em lại chỉ thích một nghề khác và thi vào một trường khác. Có em khi đến bàn tư vấn cho biết đang học ĐH năm 1 với một ngành thuộc loại “không tệ” nhưng lại muốn được tư vấn để tiếp tục thi đại học. Khi trả lời câu hỏi tại sao không tiếp tục học đại học với ngành tốt như vậy, em vừa gãi đầu vừa ấp úng: “Năm ngoái em thi vào trường này là thi cho cha mẹ, năm nay em muốn thi... cho em”.
TS Đinh Phương Duy (bìa phải) tư vấn cho thí sinh về cách chọn ngành nghề trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do Tuổi Trẻ tổ chức tại Cần Thơ
Hình thành nhiều phương án
Trước khi có một quyết định quan trọng, hãy cố gắng hình thành một số phương án trong điều kiện có thể, xem xét tính khả thi của các phương án ấy với điều kiện chủ quan của mình, lắng nghe ý kiến từ nhiều phía một cách thiện chí và hạ quyết tâm lựa chọn phương án cuối cùng với sự tự tin cần thiết.
Câu trả lời khá bất ngờ nhưng cũng rất thật làm chuyên viên tư vấn ngỡ ngàng, nhưng đó lại là tình huống đắt giá cần được chia sẻ. Nhiều học sinh vì không muốn cha mẹ buồn nên bước đầu tìm cách hoãn binh bằng nhiều chiêu thức để sau đó lật ngược tình thế. Có thể cha mẹ không biết được những trăn trở thật của các em nên cứ thế tiếp tục tự hào về con mình, nhưng hệ quả sau đó là khi tốt nghiệp ra trường có khi con mình không thành thạo công việc mà còn trở nên trầm tư vì ước mơ bị “đánh cắp”.
Trong các ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, nhiều phụ huynh đến bàn tư vấn với con em và có khi tranh luận cùng con và chuyên viên tư vấn ngay tại hiện trường, sau đó thoải mái ủng hộ sự tự tin và sắc sảo của con. Một ông ngoại đưa cháu đến buổi tư vấn và đặt câu hỏi làm nhiều người phì cười sảng khoái: “Nhà tôi từ hai đời nay đã có thạc sĩ và tiến sĩ, ngày nay cháu tôi muốn thi làm bếp trưởng, thử hỏi điều đó có nên không?”. Thật vui là bạn học sinh ấy xin được phát biểu để bảo vệ quan điểm của mình, và thật hay là em được nhiều bạn cùng trang lứa vỗ tay tán thưởng vì sự mạnh mẽ và có lý của mình. Ông ngoại cũng hân hoan và mãn nguyện với màn trình diễn của đứa cháu yêu.
Hợp tác "cùng có lợi"
Có thể nói chuyện chọn ngành nghề và chọn trường rất hệ trọng, ảnh hưởng lâu dài đến suốt cuộc đời. Do vậy, các bạn học sinh rất cần được tham khảo ý kiến từ các chuyên gia tư vấn, cha mẹ và bè bạn. Tuy nhiên, nếu quá căng thẳng e rằng điều không tốt đầu tiên các bạn học sinh gặp phải là sự hoang mang. Đôi khi các bạn sẽ buồn chán nếu thấy mình không được thông cảm hoặc bị cho rằng mình đã bất hiếu không nghe theo lời cha mẹ. Sự việc bình thường đã trở nên bất thường chỉ vì sự thiện chí quá đáng từ một phía nào đó.
Những thông tin, những lời bảo ban của mẹ cha là kho tàng kiến thức và kinh nghiệm vô giá để các bạn học sinh tham khảo, so sánh, cân nhắc. Tuy nhiên, điều quan trọng để “chiến tranh lạnh” giữa cha mẹ và con không xảy ra là hai bên cố gắng phát huy thế mạnh và nội lực của chính mình. Cha mẹ quan tâm và mách bảo cho con những dicdăc của cuộc đời, những kinh nghiệm sống để thành công, những điều kiện tốt để con chọn lựa và khẳng định bản thân. Nhưng nếu cha mẹ chỉ muốn con làm theo điều mình nghĩ, có thể điều đó làm hạn chế những cơ hội của con khi con chỉ có một con đường để lựa chọn, một “món ăn” duy nhất trên bàn.
Đối với các bạn học sinh, hãy tận dụng tối đa vốn kinh nghiệm từ những người thân yêu, hãy suy nghĩ thật kỹ về điều cha mẹ và người thân mong đợi và hãy tin rằng lúc nào cha mẹ cũng yêu con và mong muốn con thành công. Nếu có điều gì đó chưa phù hợp với suy nghĩ của bản thân mình, đó cũng chỉ là những khác biệt hiển nhiên có thể điều chỉnh.
Điều quan trọng là chúng ta cần biết mình muốn trở thành người như thế nào, tự tin, tham khảo nhiều nguồn thông tin để có một quyết định phù hợp vì chỉ bản thân mới cảm thấy thoải mái về điều mình nghĩ, việc mình làm. Nếu có sự khác biệt căng thẳng với cha mẹ, hãy bình tâm, kiên trì bày tỏ chính kiến và quan trọng là cố gắng chứng minh hùng hồn để cha mẹ yên tâm bạn đã thật sự trưởng thành và bạn đã thật sự cân nhắc, thật sự xác tín và thật sự biết chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình.
TS ĐINH PHƯƠNG DUY
Theo Tuổi Trẻ