Chiều 7-6, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã chủ trì họp UBND tỉnh thông qua Quy hoạch tổng thể chất thải rắn (CTR) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn là Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và quản lý môi trường (CENTEMA), hiện nay CTR trên địa bàn Bình Dương gồm CTR sinh hoạt, CTR công nghiệp và CTR y tế nguy hại. Trong đó, khối lượng CTR sinh hoạt thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý khoảng 600 tấn/ngày, đạt 60 - 70% khối lượng CTR sinh hoạt toàn tỉnh. Tổng lượng CTR công nghiệp thu gom được trên địa bàn tỉnh khoảng 1.052 tấn/ngày. CTR y tế nguy hại trung bình 612kg/ngày, trong đó khối lượng rác y tế phát sinh từ các trung tâm và phòng khám tư nhân là 147,6kg/ngày. Số lượng rác thải nguy hại hiện nay mới chỉ xử lý được 2/3 lượng CTR nguy hại trên địa bàn tỉnh. Dự báo cho thấy lượng CTR của Bình Dương đến năm 2015 là 3.600 tấn/năm và đến năm 2020 sẽ là 6.800 tấn/năm. Một số mục tiêu cụ thể được đặt ra là đến năm 2020 có 90% tổng lượng CTR công nghiệp thông thường phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó có 75% được thu hồi để tái sử dụng và tái chế; 100% lượng CTR y tế không nguy hại và nguy hại được thu gom và xử lý; 70% lượng CTR phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 80% tại các làng nghề được thu gom và xử lý. Các đại biểu trong cuộc họp thống nhất rằng hệ thống thu gom chất thải có nhiều điểm chưa đồng bộ, chưa bao phủ rộng khắp, hiệu quả chưa cao; công nghệ xử lý chất thải trong thời gian tới cần phải được cải tiến trong đó ưu tiên công nghệ tái chế và hạn chế công nghệ chôn, lấp; cần xây dựng thêm các khu liên hợp xử lý CTR mới nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế trong tương lai...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung nhấn mạnh quy hoạch tổng thể CTR trên địa bàn tỉnh là hết sức quan trọng và yêu cầu lãnh đạo các cấp địa phương cần nhận thức sâu sắc vấn đề này để thực hiện cho tốt; Chủ tịch Lê Thanh Cung cho rằng tất cả các khu công nghiệp, khu dân cư đô thị đều phải có địa điểm phân loại rác thải trước khi đem đi xử lý; xử lý rác thải thông thường và rác thải nguy hại phải tách bạch để bảo đảm an toàn; hạn chế bớt công nghệ chôn lấp, đẩy mạnh hơn công nghệ tái chế, công nghệ đốt hiện đại...
CAO SƠN