Bình Dương đặt ra mục tiêu duy trì, giữ vững kết quả của các xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn trước, đẩy mạnh phát triển NTM nâng cao, kiểu mẫu. Định hướng giai đoạn kế tiếp sẽ là phát triển ổn định, bền vững, hướng tới NTM giàu có, văn minh và hiện đại.
Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay 100% trường học đạt chuẩn. Trong ảnh: Trường Tiểu học An Bình A, xã An Bình, huyện Phú Giáo được đầu tư xây dựng khang trang
Sản xuất bền vững
Mục tiêu đến năm 2025, Bình Dương sẽ được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện nước, trường học, trạm y tế) bảo đảm tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu; chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục với mục đích chính là nâng cao đời sống cư dân nông thôn. Do đó, trên nền tảng kết quả đã đạt được, các địa phương cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí, phát huy những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện để chương trình xây dựng NTM mang lại hiệu quả thiết thực hơn, phục vụ tốt đời sống cư dân nông thôn, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn ở vùng nông thôn của tỉnh. |
Để đạt những mục tiêu quan trọng trên, các xã đạt chuẩn NTM trong tỉnh luôn chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững. Các địa phương đã đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng NTM. Trong đó, ưu tiên phát triển thế mạnh của các khu vực về cây ăn trái, rau, cây dược liệu, cây đặc sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, lâm nghiệp… Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ; chú trọng phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững; tăng cường triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM.
Hiện Bình Dương đã hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, những trang trại thực hành sản xuất tốt theo hướng VietGAP, hợp tác xã trồng rau an toàn và nhiều cơ sở chế biến nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh có trên 580 ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ đối với các loại cây trồng. Cây bưởi đạt diện tích trên 115 ha cho sản phẩm, năng suất bình quân đạt 15 - 20 tấn/ha/năm, thu nhập khoảng 600 triệu đồng/ha/năm; cây cam có diện tích 260 ha cho sản phẩm, năng suất bình quân đạt 40 - 60 tấn/ha/năm, thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng/ ha/năm. Ngoài ra, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao như sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới… cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngành chăn nuôi của tỉnh cũng đang tiếp tục phát triển và chuyển dịch theo hướng tăng dần các loại giống, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; nhiều mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao. Hiện hơn 70% tổng đàn heo, gà đều được đầu tư theo quy mô trang trại công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết nhờ đặt ra mục tiêu đúng hướng nên sản xuất trên các lĩnh vực của ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển theo đúng định hướng, quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường được nhân rộng. Nhiều nông hộ, trang trại đã chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Trên địa bàn tỉnh có 167 hợp tác xã, trong đó có nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hoạt động hiệu quả, được mở rộng đầu tư, kinh doanh góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Hướng tới nông thôn kiểu mẫu
Mục tiêu chung của chương trình xây dựng NTM là tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; dân trí ngày càng được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng nâng cao.
Xã Thanh An được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2013. Cấp ủy, chính quyền xã xác định “đạt chuẩn” không có nghĩa là dừng lại mà tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Được huyện Dầu Tiếng chọn làm thí điểm thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thời gian qua, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu quan điểm, mục tiêu, nội dung xây dựng NTM nâng cao, chủ động thực hiện lồng ghép nguồn hỗ trợ từ các chương trình, chính sách để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội, nhất là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng NTM nâng cao.
Ông Nguyễn Thành Dự, Chủ tịch UBND xã Thanh An, cho biết để phát huy những kết quả đạt được, địa phương sẽ tiếp tục phát triển nền nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân theo hướng văn minh, hiện đại. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, bảo vệ môi trường sinh thái với phát triển nông thôn.
Xây dựng NTM trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao - công nghệ sinh học hướng tới nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học để phát triển bền vững. Cơ sở hạ tầng phát triển kết nối đồng bộ trong vùng để khai thác bền vững các tiềm năng, lợi thế.
THOẠI PHƯƠNG