Tuy có tốc độ phát triển công nghiệp cao, đã trở thành đô thị loại 3 và là thị xã duy nhất trong tỉnh có 100% đơn vị hành chính là phường, nhưng tại TX.Dĩ An vẫn còn nhiều khu vực đường biến “thành sông” và khu phố trở “thành lòng hồ” chứa nước khi mưa xuống! Nguyên nhân chính của vấn đề này vẫn là do hạ tầng đường sá, cầu cống chưa được xây dựng và đấu nối đồng bộ hoặc dòng chảy bị lấn chiếm, san lấp...
Bàu Ông Cuộn hiện trở thành “rốn lũ” của TX.Dĩ An với diện tích ảnh hưởng lên đến 50.000m2
Thực trạng ngập úng
Theo Phòng Quản lý đô thị TX.Dĩ An, ngoài phường Tân Bình đã giải quyết xong tình trạng ngập úng, các phường còn lại đều có “điểm đen” ngập úng. Toàn TX.Dĩ An hiện có đến 17 điểm ngập với diện tích tương đương 58.810m2. Các phường có diện tích ngập nhiều nhất là Dĩ An 51.050m2, Bình Thắng 2.400m2, An Bình 2.380m2, Tân Đông Hiệp 1.550m2...
Về nguyên nhân, một số điểm ở Đông Hòa, Bình An bị ngập là do không có cống thoát nước. Riêng đoạn đường Đoàn Thị Kìa (phường Tân Đông Hiệp) bị ngập thường xuyên là do nơi đây không có cống thoát nước, lòng lề đường thì bị người dân lấn chiếm làm chợ và những hộ kinh doanh này thường xuyên đổ nước ra đường! Những khi mưa lớn, có nơi trên đoạn đường này ngập sâu tới gần nửa thước nước và có khi kéo dài đến 10 ngày mới khô ráo trở lại. Tại phường Đông Hòa, có nơi bị ngập chỉ vì chưa đấu nối thành công chỉ vì hạ tầng không đồng bộ! Đơn cử như trường hợp cống thoát nước ngang đường quốc lộ 1K có cao độ đáy thoát nước cao hơn và khẩu độ thoát lại nhỏ hơn kênh T6 nên chưa đấu nối được với con kênh này. Còn đoạn đường từ chợ Dĩ An 2 đến ngã ba Bình Đường ra cầu Bà Giang, đoạn cống thoát hướng cầu Bà Giang lại thuộc Thủ Đức (TP.HCM) thì bị ngập chỉ vì tình trạng... “cha chung không ai lo”!
Tại phường trung tâm của TX.Dĩ An, ngay trong khu trung tâm hành chính, đoạn từ cà phê Phố Xanh đến trường Võ Trường Toản, khu tái định cư Sóng Thần, đường số 16 đến đường số 18... cũng bị ngập mà nguyên nhân là do hệ thống thoát nước bị đất cát bồi lắng và rác thải làm tắc dòng chảy không được khơi thông. Điểm ngập nghiêm trọng nhất ở phường Dĩ An là bàu Ông Cuộn có diện tích ảnh hưởng lên tới 50.000m2. Do kênh T6 chưa thi công xong, hệ thống mương thu nước mặt thoát qua đường sắt đổ về suối Nhum có khẩu độ nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu thoát nước, gây ngập khu dân cư xung quanh bàu Ông Cuộn mỗi khi trời đổ mưa lớn. Phường Dĩ An và Đông Hòa bị ngập cục bộ trên diện rộng khi mưa lớn cũng do kênh T6 chưa thi công xong!
Đường Đoàn Thị Kìa (phường Tân Đông Hiệp)
không có hệ thống thoát nước nên ngay cả
khi nắng ráo cũng ngập!
Ngoài các điểm ngập do hệ thống hạ tầng chưa được xây dựng hoặc đấu nối đồng bộ, có nhiều điểm ngập là do chính con người gây ra, dễ thấy nhất vẫn là lấn chiếm lòng suối, lấp mương, lấn chiếm hành lang an toàn thoát nước... Tại điểm “rốn lũ” từng xảy ra chết người nằm trên đường 30-4 (đường Bình Thắng cũ), nguyên nhân gây ngập là do hành lang an toàn hai bên suối thoát nước bị lấn chiếm, trong khi khẩu độ cống thoát nước ngang đường lại nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu thoát một lượng nước lớn từ các nơi dồn về khi mưa lớn. Còn các điểm đen ngập úng trên QL.1A (thuộc phường Bình Thắng, giáp ranh quận 9, TP.HCM) là do khẩu độ mương nhỏ, lại bị rác bít dòng chảy; trong khi thành mương thì bị người dân lấn chiếm làm hạn chế dòng chảy, nên phạm vi ngập rộng, mức độ ảnh hưởng lớn. Khu vực suối Lồ Ồ (phường Bình An) cũng chỉ vì bị người dân san lấp làm tắc dòng chảy gây ngập cục bộ. Cũng do hệ thống thoát nước cũ bị san lấp mà đoạn đường ĐT743B từ ngã ba vào Công ty American Home đến hào chống tăng của Quân đoàn 4 (Tân Đông Hiệp), chiều dài bị ngập lên đến 400m, độ sâu từ 0,3 - 0,5m và thời gian ngập kéo dài từ 3 - 10 ngày!
Cần những giải pháp đồng bộ
Về giải pháp chống ngập cho địa bàn TX.Dĩ An, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An, cho biết hiện TX.Dĩ An đã có kế hoạch chống ngập cho toàn địa bàn. Trước mắt, ngay trong tháng này, các phường phải tiến hành nạo vét, khai thông dòng chảy các kênh mương trên địa bàn phường, thay thế các đoạn cống xuống cấp. Riêng các điểm ngập nước với độ sâu lớn và thời gian dài thì cần có biện pháp khẩn cấp. Tại khu vực bàu Ông Cuộn, trước mắt phường Dĩ An phải tiến hành nạo vét và hạ thấp miệng thu nước hệ thống mương thoát nước mặt qua đường sắt, đổ về suối Nhum. Tại phường Tân Đông Hiệp, địa bàn ngập nặng với thời gian kéo dài cần nạo vét, khai thông dòng chảy và hệ thống cống đường ĐT743a.
Đó là các biện pháp tình thế trước mắt, còn về lâu dài cần xã hội hóa công tác phòng chống ngập úng. Hiện tại, TX.Dĩ An đã có kế hoạch kiên cố hóa kênh mương các tuyến QL.1A (tổ 15 Ngãi Thắng, Bình Thắng); riêng đường Ngôi Sao, Ban Quản lý dự án TX.Dĩ An đã có dự án đầu tư hệ thống đường, thoát nước đồng bộ trong năm 2012-2013. Tại nơi có dòng chảy xiết đã từng cuốn chết người, Sở Xây dựng đã có kế hoạch xây dựng công trình kiên cố hóa suối Bình Thắng và suối Lồ Ồ với khẩu độ lớn, tăng khẩu độ cống ngang đường, đồng thời tiến hành giải tỏa, khôi phục lòng suối và hành lang an toàn mương thoát nước. TX.Dĩ An cũng đề nghị Sở Xây dựng đầu tư hệ thống thoát nước trục thoát ra hào chống tăng của Quân đoàn 4 thoát ra kênh Ba Bò và sẽ hoàn thành vào năm 2014. Riêng đoạn QL.1A thuộc khu vực giáp ranh quận 9 (TP.HCM), về lâu dài kiến nghị Khu Quản lý đường bộ thực hiện kiên cố hóa mương bằng kè đá hộc hoặc cống hộp có khẩu độ lớn, kết hợp khai thông dòng chảy phía hạ lưu quận 9.
Để giải quyết dứt điểm tình hình ngập úng tại bàu Ông Cuộn, đặc biệt là điểm kênh T6 thoát qua QL.1K, ngày 17-5-2012, UBND TX.Dĩ An đã đề nghị Sở NN-PTNT kết hợp Công ty BOT QL.1K hạ độ cao đáy thoát nước và tăng khẩu độ cống ngang đường QL.1K tại vị trí đấu nối. Ngoài ra, UBND thị xã cũng đề nghị các Công ty VLXD M&C, chủ đầu tư BOT đường ĐT743 xây dựng hệ thống thu nước mặt đường ĐT743, lắp đặt cống dẫn về hạ lưu với khẩu độ lớn. Còn tại khu trung tâm hành chính và khu tái định cư Sóng Thần, chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là Công ty Cổ phần Đại Nam phải thực hiện việc chống ngập úng.
Mặc dù đã được UBND TX.Dĩ An chỉ đạo sát sao như vậy, nhưng đến nay việc thực thi thì chỉ mới có phường Bình Thắng là cơ bản thực hiện xong việc phòng chống ngập úng. Các phường còn lại chưa báo cáo tiến độ thực hiện. Ông Nguyễn Công Danh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch phường Bình Thắng, cho biết: “Do trước đây chỉ vì ngập úng mà đã có tai nạn nghiêm trọng chết người xảy ra nên phường rất quan tâm thực hiện công tác này. Để khai thông kênh mương trên địa bàn, phường đã huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ thực hiện nạo vét dòng chảy 5 công trình kênh mương, với tổng chi phí hơn 100 triệu đồng”.
Theo kế hoạch của TX.Dĩ An, việc giải quyết các điểm nóng ngập úng là trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đơn vị và cần có lộ trình. Theo kế hoạch đã đề ra thì phải đến năm 2014, các công trình tiêu thoát nước trên địa bàn mới được các đơn vị đầu tư thi công hoàn chỉnh, do vậy việc nạo vét, khai thông kênh mương là việc làm thường xuyên nhằm giảm ngập phải được các phường lưu ý. Đây vừa là biện pháp tình thế, vừa là “cái phao cứu sinh” giúp dân hạn chế thiệt hại trong mùa mưa lũ này.
Đã có người chết vì... ngập nước!
Theo báo cáo thì tại TX.Dĩ An đã có người chết vì... ngập nước! Anh Nguyễn Văn Hùng vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại chuyện cũ: “Chuyện xảy ra cách đây đã 10 năm, nhưng người dân ở đây ai cũng còn nhớ cái chết của anh Trần Văn Nho, công nhân Nhà máy Giấy Bình An. Anh Nho chết đuối chỉ vì bị nước mưa làm ngập đường kéo rớt xuống suối. Nhiều người chứng kiến anh Nho bị nước cuốn trôi nhưng sức nước quá hung hãn, không ai cứu được!”.
Ngoài trường hợp chết người nói trên, cũng chỉ vì ngập úng mà nhiều gia đình rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Chị Huỳnh Thị Kim Cúc, có nhà ở sát bàu Ông Cuộn thì nghẹn ngào, kể: “Đó là một ngày kinh hoàng đối với gia đình tôi. Chập tối một chiều tháng 8-2011, lúc gia đình dọn cơm chuẩn bị ăn tối thì nước từ bàu Ông Cuộn bắt đầu tràn vào nhà. Sức nước mạnh đến mức làm tường nhà đổ sập, tất cả đồ đạc trong nhà trôi theo dòng nước dữ! Chúng tôi phải đổ đất làm đường chắn nước và xây lại nhà với số tiền hơn 1 tỷ đồng”!
BẢO ANH