Khó khăn vẫn vững niềm tin

Cập nhật: 29-08-2015 | 08:36:53

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ngành y tế Bình Dương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội, cứu chữa thương binh, bệnh binh, tham gia bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đạt được những kết quả đó phải nói đến nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần hết lòng cho cách mạng của đội ngũ y tá, y sĩ, bác sĩ không ngại khó khăn vững niềm tin, làm tròn nhiệm vụ của mình.

Hoàn thành nhiệm vụ

Theo lịch sử ngành y tế Bình Dương (tập II) giai đoạn 1975-2005, trong kháng chiến chống Pháp, ngành y tế cách mạng Bình Dương cũng được thành lập với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và lực lượng cách mạng. Trải qua 9 năm kháng chiến gian khổ, quân và dân Bình Dương cùng với nhân dân cả nước với quyết tâm sắt đá: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, nhân dân Bình Dương cùng cả nước lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta.

Ông Nguyễn Hồng Nguyên tự hào kể về những năm tháng phục vụ cứu thương trong kháng chiến

Sau đó, Việt Nam tiếp tục đấu tranh chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Bình Dương cũng là một tỉnh chịu nhiều sự đàn áp của Mỹ, chúng tập trung một lực lượng quân sự lớn với những đơn vị thiện chiến, sử dụng nhiều biện pháp chiến lược, thủ đoạn quân sự tàn bạo cùng những âm mưu thâm độc về chính trị và kinh tế... Đối đầu với cuộc chiến tranh hủy diệt này, nhân dân Bình Dương đã vững vàng bám trụ quyết tâm chống giặc đến cùng, dù phải hy sinh tính mạng và tài sản để giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Trong 2 cuộc kháng chiến, ngành y tế cách mạng Bình Dương đã hòa mình vào dòng thác đấu tranh của nhân dân, toàn tâm toàn ý phục vụ sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang, góp phần không nhỏ trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Vượt qua tất cả mọi thử thách gian lao nguy hiểm, những cán bộ y tế kháng chiến đã cùng với quân và dân trong tỉnh dũng cảm ngoan cường thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà nhân dân và Đảng giao phó, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe chiến sĩ, cán bộ và đồng bào. Ngành y tế Bình Dương có thể tự hào đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình, đóng góp một phần vào sự nghiệp cánh mạng giải phóng dân tộc chung của cả nước. Qua 30 năm kháng chiến chống xâm lược (1945-1975), ngành y tế Bình Dương đã có 152 liệt sĩ được Tổ quốc ghi công. Còn rất nhiều anh chị em là thương binh, bệnh binh đã cống hiến một phần cơ thể của mình cho đất nước.

Tự hào là cán bộ y tế

Chiến tranh đã lùi xa nhưng khi nhắc về những năm tháng phục vụ quân y trong chiến trường, những câu chuyện năm xưa như ùa về trong lời kể của ông Nguyễn Hồng Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh giai đoạn 1975-1997. Hiện nay, ông Nguyên đang sống tại hẻm 477, khu phố 1, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một.

Là cậu con trai duy nhất trong gia đình, ba mẹ không muốn con mình theo cách mạng quá sớm. Thế nhưng, 14 tuổi, cậu thanh niên Nguyễn Hồng Nguyên đã theo anh chị trong làng vào rừng sâu làm công tác cứu thương cho bộ đội tại quận Lái Thiêu (năm 1947). Ông nói, ngày Quốc kháng 2-9-1945, ông theo xe ngựa của người dân tại xã Tân Phước Khánh, quận Tân Uyên (nay là phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên) đến dự lễ mít tinh tại Nhà việc Phú Cường. Ở đây, mọi người tập trung đông lắm, nghe lời kêu gọi tham gia cách mạng của các chú đảng viên thời đó đã hun đúc tinh thần cách mạng cho ông. Bởi vậy, dù ba mẹ không đồng ý cho đi nhưng ông đã trốn nhà vào rừng ở. Thấy con trai tuy nhỏ nhưng đã có lòng yêu quê hương, đất nước, ba mẹ ông cũng vui lòng.

Trong suốt những năm tham gia công tác cứu thương, ông được các anh chị đi trước chỉ dẫn nhiều về cách chăm sóc sức khỏe cho bộ đội bị thương. Ông còn cùng mọi người vào tận rừng sâu khiêng chiến sĩ bị thương về chăm sóc. Ngày ấy, dụng cụ y tế còn thô sơ nên băng gạt cầm máu chỉ là những miếng vải mùng cắt sẵn, xếp vuông vắn; nẹp tay chân bị gãy bằng những thanh tre vót sẵn… Cực khổ là vậy nhưng đội ngũ y, bác sĩ luôn hết lòng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chiến sĩ bị thương.

Để trở thành một y sĩ, ông được cử đi học văn hóa, được học cứu thương. Năm 1954, sau khi tập kết ra Bắc ông còn được đi học thêm y tế và trở về phục vụ tại Chiến khu Đ. Ông kể, ở Chiến khu Đ ngày ấy, trạm xá chỉ là những mái nhà lợp tạm bợ. Bên trong bác sĩ, y sĩ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, bên ngoài luôn có người canh gác để không cho giặc đến gần, phát hiện trạm xá. Nhiều lần đang làm cứu thương, nghe tin giặc phát hiện, đang tiến đến trạm xá, mọi người lại phải di dời sang nơi khác. Cuộc sống ngày ấy khó khăn, gian khổ nhưng thấy bộ đội bị thương, phục hồi sức khỏe ai cũng cảm vui, quên đi mệt mỏi.

Hòa bình lập lại, ông không còn công tác trong ngành y tế nhưng những câu chuyện trong kháng chiến luôn ghi nhớ trong tâm trí ông. Ông nói, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền, hết lòng, hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội”. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc, ông cũng như cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành y tế đã thường xuyên bám sát bộ đội, bám sát chiến trường, luôn có mặt ở những nơi ác liệt nhất, kịp thời cấp cứu, điều trị cho hàng triệu lượt thương binh, bệnh binh và nhân dân, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=609
Quay lên trên