Rốt cuộc, đúng như kỳ vọng của thị trường và các nhà đầu tư, sau nhiều tuần căng thẳng trong cuộc đấu giành thị phần, Saudi Arabia và Nga, hai thành viên chủ chốt của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là nhóm OPEC+ đã bước đầu thỏa hiệp về cắt giảm sản lượng dầu mỏ, qua đó mở ra hy vọng giá dầu thế giới sẽ sớm tăng trở lại.
Sẽ không quá lời khi nói rằng việc Riyadh và Moskva tạm gạt bỏ được bất đồng và những toan tính riêng để đạt được đồng thuận trong việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ có ý nghĩa “sống còn” đối với nhiều bên liên quan cả trong và ngoài OPEC.
Động thái trên được kỳ vọng sẽ góp phần tái cân bằng thị trường dầu thô vốn đang bị rơi vào vòng xoáy khủng hoảng về giá, khi có lúc đã rơi xuống mức dưới 30 USD/thùng, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng trên toàn cầu sụt giảm mạnh do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ảnh (tư liệu): Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khaled al-Faleh (trái) và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak trong cuộc họp các nước thành viên OPEC và đối tác sản xuất dầu (OPEC+) tại Jeddah (Saudi Arabia) ngày 20/4/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Sau cuộc họp trực tuyến kéo dài nhiều giờ ngày 9/4, các thành viên nhóm OPEC+ đã nhất trí sơ bộ về kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô tới 10 triệu thùng/ngày trong 2 tháng 5 và 6, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5 tới.
Cụ thể, Saudi Arabia sẽ giảm 3,3 triệu thùng/ngày, Nga giảm 2 triệu thùng/ngày, các thành viên khác trong OPEC+ giảm 5 triệu thùng/ngày.
Iran, Libya và Venezuela sẽ được miễn cắt giảm sản lượng do lệnh trừng phạt hoặc các khó khăn nội tại.
Những chi tiết cuối cùng của thỏa thuận này hiện vẫn đang được các bên liên quan cân nhắc và dự kiến sẽ được công bố trong cuộc họp trực tuyến các bộ trưởng Năng lượng Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) do Saudi Arabia giữ chức Chủ tịch luân phiên, được tổ chức trong ngày 10/4.
Dù sao thì thỏa thuận trên cũng được đánh giá là giúp “cài đặt” lại liên minh OPEC+, trong bối cảnh Saudi Arabia và Nga bất đồng về cắt giảm sản lượng trong cuộc họp hồi đầu tháng trước, dẫn đến cuộc chiến giá dầu và gần đây nhất là cuộc đấu khẩu giữa hai bên khi giá dầu giảm sâu.
Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư quốc gia Nga, thành viên đoàn đàm phán của Nga, ông Kirill Dmitriev khẳng định Moskva và Riyadh có thể mang lại sự ổn định cho các thị trường năng lượng toàn cầu.
Như đánh giá của ông Dmitriev : “Đây là thời điểm quan trọng và lịch sử, trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra, chúng tôi đã đồng ý gạt bỏ bất đồng và thúc đẩy thỏa thuận bao gồm các thành viên OPEC và các nước sản xuất dầu thô khác.”
Còn Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho rằng tất cả các nhà sản xuất dầu thô đều cần tham gia cắt giảm sản lượng để bình ổn thị trường.
Phát biểu của ông Novak được cho là nhắm đến Mỹ và một số nước khác, vốn không tham dự cuộc họp của OPEC mở rộng ngày 9/4.
Giới phân tích cho rằng Mỹ và một số nước xuất khẩu dầu thô khác, trong đó có cả Mexico, không thể đứng ngoài cuộc, khi tất cả các nước xuất khẩu dầu thô trên thế giới sẽ đều được hưởng lợi nếu giá dầu tăng cao.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman, thỏa thuận cuối cùng của OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày hiện còn phụ thuộc vào sự tham gia của Mexico.
Thực tế này cho thấy những nỗ lực của Moskva và Riyadh dường như chưa đủ mà còn cần có sự tham gia và ủng hộ của tất cả các thành viên liên quan thuộc nhóm OPEC+.
Một cơ sở khai thác dầu tại Al-Rawdhatain, Kuwait. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hay nói cách khác, để vực dậy giá dầu và bình ổn thị trường dầu mỏ thế giới cần có một thỏa thuận đa phương, với sự cam kết cụ thể của tất cả các bên liên quan, hơn là một thỏa thuận song phương.
Mỹ, quốc gia sản xuất dầu đá phiến lớn nhất thế giới, cũng đang được kêu gọi tham gia các nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Ngay sau cuộc họp của OPEC+, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Nga và Saudi Arabia và mô tả bầu không khí trong suốt cuộc điện đàm là “rất tốt.”
Tổng thống Mỹ cho rằng việc cắt giảm sản lượng dầu là cần thiết bởi “dầu thô đã thừa mứa tới mức không ai biết nên dùng vào việc gì” và các kho dự trữ đều đã đầy.
Giới quan sát hy vọng Mỹ sẽ có động thái cụ thể và rõ ràng trong cuộc họp của các bộ trưởng Năng lượng G20 mà Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette dự kiến cũng tham gia.
Theo các chuyên gia, các công ty dầu đá phiến, vốn đang ngập trong nợ nần của Mỹ, chính là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất sau cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga, bởi họ có chi phí sản xuất cao, đồng thời không ít doanh nghiệp dầu khí đứng trước nguy cơ phá sản nếu giá dầu thấp tiếp tục duy trì trong một thời gian dài.
Do đó, Washington không thể không can dự vào tiến trình này để góp phần thay đổi tình thế, giúp giá dầu đảo chiều.
Sự nhập cuộc của Mỹ chính là điều mà cả Nga và Saudi Arabia đang mong muốn và cũng để thỏa thuận của OPEC+ có thêm “sức nặng” đối với thị trường.
Dầu mỏ đang là vấn đề sẽ gây áp lực đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc bầu cử cuối năm này, vì rất nhiều công nhân ngành này sẽ mất việc, trong khi phần lớn trong số đó là người tại những bang của đảng Cộng hòa, ví dụ Texas.
Để hóa giải sức ép từ một số công ty dầu mỏ, ông Trump đã bắn tín hiệu làm trung gian cho cuộc chiến giá dầu Nga-Saudi Arabia, đồng thời cũng cảnh báo đồng minh Saudi Arabia rằng nước này có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt và đòn thuế quan về dầu mỏ nếu không cắt giảm lượng dầu đủ để cứu giúp ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ.
Với cương vị Chủ tịch luân phiên G20, dường như Saudi Arabia đang phải chịu áp lực trong việc phải đạt được một kết quả rõ ràng về vấn đề giảm sản lượng.
Con số được nêu ra theo thỏa thuận trên là 10 triệu thùng/ngày, nhưng không ai có thể chắc chắn nó sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới nếu cuộc khủng hoảng COVID-19 có tác động lâu dài.
Nhiều các nhà phân tích cho rằng con số cắt giảm cần thiết thậm chí có thể lên tới 20-25 triệu thùng/ngày. Điều này có nghĩa là động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ nếu được thực thi, cũng chỉ là “liều thuốc giảm đau” tạm thời cho giá dầu, và sẽ là không đủ khi xét tới sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu tiêu thụ.
Có điều chắc chắn rằng Nga và Saudi Arabia dù đều đã nhượng bộ lẫn nhau song không chấp nhận kiểu “kẻ khóc, người cười” như thế.
Saudi Arabia, vốn phải đối mặt với sức ép ngân sách, buộc phải thúc đẩy cắt giảm sản lượng để giữ ổn định thị trường. Trong khi đó, từ góc độ của Nga, nước này cho rằng việc cắt giảm là không cần thiết, bởi các biện pháp cắt giảm đã tạo điều kiện để ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tăng thị phần trên thị trường dầu mỏ.
Hơn nữa, chỉ OPEC và Nga thôi thì không đủ, cần thêm sự hợp tác của các nhà sản xuất khác. Mọi chuyện sẽ phụ thuộc rất nhiều vào toan tính của mỗi bên, cũng như vai trò của những nước ngoài OPEC, đặc biệt là Mỹ - quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới nhưng chưa bao giờ cắt giảm sản lượng.
Bởi vậy mà cuộc đấu trên thị trường dầu mỏ vẫn chưa ngã ngũ và có thể còn diễn biến khó lường.
Theo TTXVN