Khóa họp 52 Hội đồng Nhân quyền ghi nhận dấu ấn nổi bật của Việt Nam

Cập nhật: 05-04-2023 | 07:06:32

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự Khóa họp lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 4/4 tại trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã kết thúc, hoàn thành chương trình đề ra từ đầu Khóa họp, với 43 nghị quyết được thông qua, trong đó có Nghị quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna do Việt Nam đề xuất, soạn thảo.

Hội đồng Nhân quyền hoàn thành chương trình Khóa họp 52 với khối lượng công việc nhiều và thời gian họp dài kỷ lục.

Khóa họp diễn ra chủ yếu theo hình thức trực tiếp trong hơn 1 tháng - từ ngày 27/2 đến 4/4 - với những nội dung như phiên họp cấp cao (từ 27/2-2/3); 9 phiên thảo luận chuyên đề (đánh giá 5 năm triển khai Chiến lược của Liên hợp quốc về thanh niên và phương hướng cho thời gian tới, án tử hình, kỷ niệm 35 năm Tuyên ngôn về quyền phát triển, Quỹ tự nguyện nhằm triển khai các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR), quyền trẻ em trong môi trường số); hàng loạt phiên thảo luận, đối thoại với khoảng 45 Thủ tục đặc biệt và các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc; các phiên thảo luận, đối thoại về tình hình nhân quyền tại Afghanistan, Myanmar, Triều Tiên, Syria, Ethiopia, Venezuela...

Tại Khóa họp, Hội đồng Nhân quyền cũng đã xem xét, thảo luận hơn khoảng 80 báo cáo; tham vấn, xem xét thông qua 43 dự thảo nghị quyết chuyên đề; thông qua các báo cáo UPR của 14 quốc gia; và thông qua quyết định bổ nhiệm 10 nhân sự cho các Thủ tục đặc biệt.

Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu đã tham dự Khóa họp 52 Hội đồng Nhân quyền trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Bên cạnh việc nêu bật các thành tựu của Việt Nam trong phát triển đất nước và bảo đảm quyền con người, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đưa ra sáng kiến kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna bằng một văn kiện của Hội đồng Nhân quyền.

Triển khai sáng kiến này, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng Nhóm nòng cốt với thành phần đa dạng đại diện cho tất cả các khu vực trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh thương lượng, đàm phán liên quan đến dự thảo Nghị quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna.

Ngày 3/4, Nghị quyết đã được Hội đồng Nhân quyền thông qua theo hình thức đồng thuận, với 102 quốc gia (tính đến cuối giờ chiều 4/4/2023, giờ Geneva) tham gia đồng bảo trợ, trong đó có 14 nước đồng tác giả (gồm Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Rumani, Nam Phi và Tây Ban Nha).

Kết quả này cho thấy các nước ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và thiện chí của Việt Nam trong thương lượng, đồng thời chứng tỏ nội dung Nghị quyết cân bằng, kịp thời đáp ứng sự quan tâm và ưu tiên chung của tất cả các nhóm nước về lễ kỷ niệm, cũng như đề cao tầm quan trọng của Tuyên ngôn và Tuyên bố nêu trên.

Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam còn tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp, thảo luận về đảm bảo các quyền cụ thể như quyền nhà ở; quyền lương thực; quyền văn hóa; quyền phát triển; quyền trẻ em; quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng, kịp thời, với giá cả hợp lý đối với vaccine ngừa COVID-19...

Trong các phát biểu, Đoàn Việt Nam đề cao chủ trương nhất quán, nỗ lực và thành tựu trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; khẳng định Việt Nam cam kết phát triển bền vững vì lợi ích của nhân dân; nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng, bảo vệ những người dễ bị tổn thương; kêu gọi giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu; khẳng định cam kết của Việt Nam tăng cường hợp tác một cách xây dựng với các quốc gia, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế của Hội đồng Nhân quyền nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cho tất cả mọi người trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, các điều ước quốc tế về quyền con người, bảo đảm chủ quyền quốc gia và các nguyên tắc khách quan, công bằng, đối thoại xây dựng và hợp tác.

Cùng với các nước ASEAN, Đoàn Việt Nam đã có một số phát biểu chung về những chủ đề được các nước ASEAN cùng quan tâm, chia sẻ như quyền phát triển, hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực về quyền con người, UPR.

Liên quan đến chủ đề biến đổi khí hậu và quyền con người thuộc ưu tiên của nước ta và các quốc gia khác, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines - thuộc Nhóm nòng cốt về biến đổi khí hậu và quyền con người tại Hội đồng Nhân quyền trong nhiều năm qua - đã soạn thảo và đưa ra Phát biểu chung về biến đổi khí hậu và quyền con người tại Khóa họp lần này, thu hút đông đảo các nước tham gia đồng bảo trợ.

Ngoài ra, đoàn Việt Nam đã tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với những đoàn đại biểu của các nước khác, đồng bảo trợ một số sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác; thực hiện nhiệm vụ của thành viên Hội đồng Nhân quyền trong tiến trình tham vấn, bỏ phiếu thông qua 43 dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền.

Sự tham gia tích cực của đoàn Việt Nam tại Khóa họp 52 của Hội đồng Nhân quyền thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025; đồng thời truyển tải thông điệp mạnh mẽ về quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam và quan điểm, thành tựu chung của ASEAN trong công tác thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người; qua đó góp phần cùng các nước đảm bảo hoạt động của Hội đồng Nhân quyền phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, các công ước quốc tế về quyền con người./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=676
Quay lên trên