Sau gần 15 năm về Bình Dương lập nghiệp, anh Lê Văn Tân, thương binh hạng 2/4 đã có khối tài sản nhiều tỷ đồng khi sở hữu 2 căn nhà lầu cùng 20 phòng trọ ở khu dân cư Mỹ Phước 1, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát. Đó là thành quả lao động miệt mài sau nhiều năm nỗ lực của người lính mất 1 chân trở về từ chiến trường K.
Anh Tân giới thiệu với P.V về khu nhà trọ ở khu dân cư Mỹ Phước 1, đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình Ký ức khó quên nơi núi rừng biên ải
Chúng tôi gặp anh Tân vào những ngày cuối tháng 8, khi anh đang gấp rút hoàn thiện căn nhà thứ 2 (1 trệt 2 lầu) ở mặt tiền đường khu dân cư có vị trí đắc địa mà bao người mơ ước. Gương mặt hiền hậu cùng với bản tính thật thà, anh Lê Văn Tân kể lại những khó khăn mà một người lính chiến trường K phải vượt qua, cũng như bao khó khăn trong cuộc sống ngày trở về quê hương với đôi chân không còn lành lặn. Nếu như ai từng nghe những dòng tâm sự của anh thì như được tiếp thêm động lực để có nghị lực vượt qua các khó khăn, vươn lên thoát nghèo.
Sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em ở tỉnh Kiên Giang, năm 1988, anh Tân lên đường nhập ngũ như bao người con đất Việt ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Sau 3 tháng quân trường ở Đồng Tâm (tỉnh Long An), anh được điều đến Đại đội 9, Tiểu đoàn Trinh sát thuộc Sư đoàn 3, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia.
Anh Tân cho biết, vốn là người sinh ra ở vùng sông nước, quen với nhiều thú vui dân dã đời thường nên những ngày chiến đấu ở núi rừng Battambang (Campuchia) anh rất buồn và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Sau gần 1 năm anh mới quen dần với hoàn cảnh chiến trường và có đủ nghị lực để chống chọi được với căn bệnh sốt rét mà hầu như người lính nào cũng phải trải qua. “Tôi không thể quên những chuyến hành quân đường rừng suốt ngày đêm với chiều dài cả trăm cây số; băng rừng, lội suối để tránh những bãi mìn mà quân địch cài sẵn trên những lối mòn. Nhìn thấy cảnh nhiều đồng đội hy sinh khi vướng mìn, không ai không lo sợ”, anh Tân nhớ lại.
Ngày 1-5-1989, trên đường hành quân, 2 đồng đội của anh vướng phải mìn, 1 người hy sinh và người còn lại bị thương nặng. Trong lúc tìm chặt cây làm cáng cứu thương đưa đồng đội về căn cứ, anh rơi vào bãi mìn thứ 2. “Lúc không cẩn thận, tôi trượt chân khỏi lối mòn thì vướng phải mìn. Một tiếng nổ lớn vang lên và hất bổng cả người tôi lên khỏi mặt đất cả mét. Vừa định thần lại, tôi cứ tưởng bị địch bắn, liền sờ vào bụng thấy bình thường, không bị thương. Nhưng khi nhìn xuống chân, tôi thấy mất một ống quần, nên biết đã dính phải mìn. Lúc ấy mặt mũi lòa nhòa, tôi thấy đồng đội kéo đến gọi tên. Người khác la lớn nhanh chóng lấy dây garô cho tôi và sau đó tôi không còn biết gì nữa…”, anh Tân nhớ lại.
Anh Tân được đồng đội đưa lên cáng vượt đường rừng 1 ngày đêm mới về được bệnh viện của sư đoàn đóng ở bìa rừng. Một tháng sau, khi vết thương tạm lành, anh được chuyển về quê hương. Đó cũng là thời điểm bắt đầu những ngày buồn, phải đấu tranh với bao suy nghĩ trong đầu về cuộc sống, tương lai của những ngày còn lại. “Mình ở chốn sông nước nên còn 1 chân làm sao lội ruộng, mò cua, bắt ốc như bạn bè. Hơn nữa, dù vết thương đã lành, được cấp chân giả, nhưng rất khó đi lại vì chưa quen. Cứ ướm vào chân giả là thốn vô cùng.
Những ngày đó buồn lắm, chỉ biết ăn, nằm, suy nghĩ. 3 năm sau, khi đi lại được bằng chân giả thuần thục, tôi bắt đầu những công việc mới. Không lội ruộng được thì đi phụ chặt dừa, đắp đê… nói chung việc gì kiếm được tiền là làm”, anh Tân nói.
Cứ thế, cuộc sống của anh ngày càng khá hơn. Nhìn thấy tương lai rộng mở phía trước, anh càng kham công việc, trở thành lao động chính trong gia đình. Sau nhiều năm lao động miệt mài như thế, anh dần tích lũy được số tiền kha khá. Năm 2006, qua giới thiệu của người quen, anh quyết định về Mỹ Phước mua 150m2 đất xây nhà trọ.
Ở vùng đất mới, tuy không có ruộng đồng, nhưng cơ hội công việc rộng mở. Với bản tính cần cù vốn có, anh Tân nhanh chóng hòa nhập, tìm được nhiều công việc phù hợp để kiếm tiền.
Lập nghiệp nơi vùng đất mới
Từ nguồn thu những căn nhà trọ lúc đầu, anh dần tích lũy vốn và bước vào kinh doanh. Nhà ở gần chợ, nên mỗi ngày anh chạy xe máy đến các nhà vườn ở Bến Cát mua rau, củ, quả về bán cho công nhân lao động. Khi nguồn hàng này càng khan hiếm, anh nhanh nhạy chuyển sang kinh doanh bún, chả, nem cho các quán ăn. Bún thì lấy tại lò ở địa phương, còn nem, chả thì tìm những nguồn hàng ngon khắp nơi để cung cấp. Có một số nguồn hàng anh tìm nhập từ quê hương Kiên Giang. Công việc kinh doanh đa dạng nhiều nguồn hàng, trung bình mỗi tháng mang về cho anh Tân hàng chục triệu đồng tiền lãi. Cứ thế, anh lại lao vào công việc cả ngày lẫn đêm, tích lũy tiền mua thêm đất xây nhà trọ, cất nhà lầu.
Khi sự nghiệp đã có, anh bắt đầu nghĩ đến việc lập gia đình, tìm kiếm hạnh phúc riêng tư. Anh Tân ngậm ngùi tâm sự: “Khi mình nghĩ đến chuyện cưới vợ, sinh con thì tuổi đã cao. Thời gian đầu mình không dám nghĩ đến, vì bản thân tật nguyền, không có công việc và tài sản, không khéo khi cưới vợ lại làm khổ vợ con… Tôi tìm hiểu nhiều người nhưng không ai chấp nhận, nhiều đêm cũng thao thức không ngủ được. Thôi thì chuyện vợ con là duyên trời định. Trời không thương thì mình ở vậy”. Và trời đã không phụ lòng người, đặc biệt là người tốt như anh Tân, một thương binh đã có nhiều cống hiến cho Tổ quốc, trách nhiệm với gia đình. Cái duyên chồng vợ của anh đã được “ông tơ, bà nguyệt” nhìn thấu. Cách đây không lâu, trong một lần sang Đồng Nai dự đám cưới người thân, anh đã phải lòng khi bắt gặp ánh nhìn của một cô gái trẻ nhỏ hơn anh 14 tuổi, đó là chị Nguyễn Thị Nguyệt. “Tôi thấy Nguyệt nhìn tôi với ánh mắt khác thường so với những người tôi từng gặp, nhưng không biết phải tỏ lòng làm sao. Sau đó tôi nhờ bà mợ của mình bên ấy ngỏ lời giúp, mai mối. Đặc biệt là việc tôi đã mất 1 chân, không được giấu. Thông qua mợ của tôi, Nguyệt cho biết cảm nhận tôi là người thật thà, hiền lành, là người bạn đời mà Nguyệt mong muốn. Nghe vậy tôi quá mừng vui nên “băng đèo, lội suối” hàng tuần sang Đồng Nai. Không bao lâu thì chúng tôi làm đám cưới”, với ánh mắt long lanh đầy hạnh phúc anh Tân kể lại mối lương duyên của mình.
Từ chỗ thuận vợ thuận chồng, cả 2 chịu khó làm ăn, mở shop kinh doanh, anh Tân và chị Nguyệt nhanh chóng phát triển sự nghiệp với khối tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng cùng 3 đứa con mạnh khỏe, hạnh phúc. Khi đã có tiền trong tay, anh Tân tiếp tục nghĩ đến chuyện giúp những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Đó là những món quà ngày tết cho công nhân ở trọ, giảm giá thuê trọ trong mùa dịch bệnh như hiện nay…
Với quá trình phấn đấu vượt khó vươn lên và với những việc làm của mình, anh Tân là tấm gương sáng về những người thương binh “tàn nhưng không phế”, tiếp tục làm lan tỏa tình yêu thương con người trong cuộc sống hôm nay.
QUANG TÁM