Sau đại dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn. Theo giới phân tích, GDP năm 2020 của một số nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ sụt giảm mạnh. Trong xu thế toàn cầu, sự khó khăn trong thời gian tới là điều tất yếu đối với DN Việt. Trước mắt, DN Việt đối mặt với sự sụt giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu. Hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu bị sụt giảm, dẫn đến tình trạng khó khăn, thua lỗ. Tại Bình Dương, một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay được phản ánh là tình trạng thiếu vốn để duy trì sản xuất, đặc biệt là vốn lưu động khi mà nhiều DN có doanh số bán hàng bằng 0. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều DN buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.
Và trong khó khăn đó, nhiều DN địa phương duy trì hoạt động bằng nỗ lực và trách nhiệm với niềm tin sắt đá rằng khó khăn rồi sẽ đi qua, cơ hội đang dần đến. Thương trường có lúc hanh thông, có lúc gian khó là điều khó tránh khỏi, song với người lao động, DN cần tinh thần “có trước có sau”. Trên tinh thần thấu hiểu, sẻ chia những khó khăn mà DN gặp phải, Chính phủ, bộ ngành cũng liên tục đưa ra những gói hỗ trợ tiền mặt cùng những cơ chế chính sách giúp DN giải tỏa phần nào những khó khăn trước mắt. Và số tiền hỗ trợ sẽ đến trước với những… DN đang khó khăn nhất trên tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, lúc này đây, cộng đồng DN cũng không nên quá trông chờ, bám víu khó khăn để được hỗ trợ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng đây không phải là dịp “bàn lùi, than nghèo, kể khổ, than vãn khó khăn”, mà DN phải tính đến việc lớn hơn là giải pháp nào thúc đẩy khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo ra sức bật của lò xo sau đại dịch. Chính phủ không trực tiếp giúp DN, nhưng sẽ hỗ trợ DN tăng năng suất, là nguồn gốc cho phát triển mạnh mẽ, bảo đảm thực thi công bằng, bình đẳng, cạnh tranh và hiệu quả.
Một điều hết sức phấn khởi là tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch (Mỹ) dự báo đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại vào năm 2021 với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3%. Cùng với đó, xu hướng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư và thị trường trên thế giới cũng được kỳ vọng đem đến cho DN Việt những cơ hội rộng mở... Điều quan trọng trước mắt, DN cần chủ động, nâng cao nhuệ khí, vượt qua thách thức để đón “ánh mặt trời”.
TIỂU MY