Khuyến khích, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển bền vững

Cập nhật: 13-09-2022 | 07:49:43

Bình Dương xác định việc thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển theo hướng bền vững, đi vào chiều sâu giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp nội địa, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

 

Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành may mặc đang là nhu cầu bức thiết. Trong ảnh: Sản xuất chỉ may tại Công ty DS VINA (Khu công nghiệp KSB, huyện Bắc Tân Uyên)

 Nhu cầu cấp thiết

Nhìn tổng thể, sau rất nhiều nỗ lực của các ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN), đến nay Bình Dương đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may (sợi, dệt vải, chỉ may, khuy nút, dây kéo, nhuộm...), da giày (thuộc da, đế giày, mũ giày...), cơ khí kim loại, sản xuất máy móc thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp ô tô, xe máy, chế biến gỗ, hàng tiêu dùng...

Tuy nhiên, theo Sở Công thương, CNHT trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất cả về số lượng lẫn chất lượng. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và CNHT của tỉnh chưa phát triển mạnh đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng các ngành công nghiệp trên địa bàn. Công nghệ của phần lớn các DN CNHT ở Bình Dương mới chỉ đạt ở mức trung bình, chỉ có sản phẩm của một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia vào lĩnh vực này là có trình độ tiên tiến. Chính điều này đã dẫn đến việc phải nhập khẩu những linh kiện, chi tiết cho sản xuất.

Về năng lực công nghệ kỹ thuật, ngoại trừ một số ít DN, đặc biệt là DN FDI được trang bị công nghệ, máy móc hiện đại và hoàn chỉnh, đa số vẫn sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu, chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của nhà lắp ráp. Các DN trong nước chủ yếu sản xuất các linh kiện, phụ tùng, máy móc đơn giản, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp. Mặc dù phát triển nhanh trong thời gian gần đây, ngành CNHT trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Các DN FDI gia công theo đơn đặt hàng hoặc sản xuất cho công ty mẹ, sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước làm nguyên liệu không lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Lương, Giám đốc Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Bình Dương hầu hết sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thành phẩm. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và CNHT chậm phát triển đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh các ngành công nghiệp. Cụ thể, qua đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, nhiều DN gặp khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất nhất là ngành điện tử, dệt may, da giày, hóa chất. Áp lực từ giá nguyên liệu, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao đãkhiến các DN FDI có nhu cầu tìm kiếm các DN cung ứng trong nước. Đây cũng là cơ hội để DN CNHT có nhiều cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng trong nước và thế giới.

Thiết thực hỗ trợ

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, các chính sách tạo điều kiện phát triển ngành CNHT luôn được tỉnh thường xuyên điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế như chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng, xây dựng nhà ở cho công nhân, hỗ trợ đào tạo nghề, khuyến công, xúc tiến thương mại…

Mới đây, HĐND tỉnh có Nghị quyết 16/NQ-HĐND về danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2026, trong đó có lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. Đến thời điểm hiện nay, các chủ trương, chính sách thu hút ngành CNHT đã được các sở, ban, ngành trong tỉnh triển khai thực hiện. Trong đó, Sở Công thương đã phối hợp với Bộ Công thương xem xét, xác nhận cho 2 DN trên địa bàn tỉnh được hưởng chính sách phát triển CNHT theo quy định (Công ty TNHH Yokohama Tyre Việt Nam sản xuất lốp xe và Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing sản xuất hàng dệt may).

Để phát triển bền vững, sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về phê duyệt “Đề án định hướng phát triển cụm CNHT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, thời gian tới đầu tư phát triển 4 cụm CNHT với diện tích mỗi cụm 75 ha, trong đó xây dựng 1 cụm CNHT chuyên ngành cơ khí. Ngoài ra, Sở Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển cụm CNHT phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện của địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào ngành CNHT. Trong đó, tập trung vào các ngành công nghiệp mà Bình Dương có lợi thế như sản xuất nguyên phụ ̣ liệu cho ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện ̣- điện tử.

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.277 DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành CNHT (dệt may 442 DN, da giày 172 DN, chế biến gỗ 953 DN, cơ khí 710 DN). CNHT trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung mặc dù đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng (đáp ứng được từ 40 - 45% cho ngành dệt may, da giày; 10 - 20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ, 15% cho điện tử, tin học, viễn thông, 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao…).

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=764
Quay lên trên