Kiên định với đường lối, hệ tư tưởng mà Đảng ta đã chọn – Bài 1

Cập nhật: 18-01-2016 | 06:40:50

 Bài 1: Sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc

Chủ thuyết chính trị Việt Nam thời đại ngày nay là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, được hình thành và phát triển từ hơn 80 năm qua. Hiện nay và mãi mãi, đó vẫn là đường hướng cơ bản trong đường lối và hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

 LTS: Thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhằm giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn, Báo Bình Dương xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài viết khẳng định cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Sau những biến động chính trị ở Đông Âu và Liên Xô cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, một chiến dịch công kích, phê phán, bôi nhọ, xuyên tạc chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác - Lênin dấy lên từ nhiều phía. Kẻ thù của chủ nghĩa Mác từng vu cáo, xuyên tạc, bác bỏ học thuyết cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động suốt một thế kỷ rưỡi nay, như có được cơ hội, chúng cùng ra sức xuyên tạc hòng chôn vùi nó vĩnh viễn. Trước tình hình đó nhiều người hoang mang dao động về lý tưởng, có người khuyên từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã chọn, bởi theo họ thời thế đã thay đổi. Cá biệt, có người cho rằng, sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội là sai lầm từ đầu, rằng giá như lúc đó (cuối những năm 20 của thế kỷ XX), đi con đường khác thì biết đâu nước ta vẫn giành được độc lập, kinh tế, văn hóa vẫn phát triển, lại tránh được mấy cuộc chiến trường kỳ hao tổn biết bao nhiêu xương máu. Vậy phải chăng lịch sử đang lặp lại: Đầu thế kỷ XXI, dân tộc ta phải làm lại cái việc “tìm đường”, “chọn đường” như đầu thế kỷ XX? Không thể chấp nhận cái thuyết “chọn sai đường” và “giá như…”. Vấn đề ở đây thật ra không phụ thuộc ý tưởng chủ quan của cá nhân ai, mà suy cho cùng là quyết định khách quan của lịch sử.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã làm nên thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và đại thắng mùa xuân 1975, thu giang sơn về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong ảnh: Lễ diễu binh kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015). Ảnh: P.V

Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào yêu nước chống Pháp xâm lược diễn ra sôi nổi, không ngừng khắp Bắc - Trung - Nam. Đó là các phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, cuộc vận động chống thuế Trung kỳ, cuộc vận động Duy Tân, Đông kinh nghĩa thục, các phong trào Đông Du… do các sĩ phu yêu nước khởi xướng. Các phong trào này đều sáng ngời tinh thần yêu nước, bất khuất song tất cả đều lâm vào bế tắc, thất bại. Đó là sự bế tắc về đường lối cứu nước. Và như vậy, tất cả các phương án chính trị của các giai cấp đều đã được đưa ra và được lịch sử khảo nghiệm - từ đường lối cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến, đến đường lối cứu nước theo lập trường nông dân, lập trường tiểu tư sản, lập trường tư sản. Đường lối của Việt Nam Quốc dân đảng theo hệ tư tưởng tư sản tưởng chừng có cái mới, tích cực nhất lúc bấy giờ, nhưng qua khởi nghĩa Yên Bái vừa vùng lên đã tắt ngấm vĩnh viễn, chỉ còn để lại dư âm câu nói vô vọng của Nguyễn Thái Học: “Sát thân thành nhân”. Rõ ràng, “Tình hình đen tối như không có đường ra”, như Bác Hồ đã nhận định.

Trong lúc đó cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phan Bội Châu nổi lên như một điển hình tiêu biểu, một tấm gương phản chiếu tập trung và cô đọng con đường cứu nước mà dân tộc ta trải qua ở đầu thế kỷ XX. Cụ đi từ chủ trương cứu nước thuần túy ban đầu đến quân chủ lập hiến, đến yêu cầu ngoại viện, đến ý tưởng dân chủ chung chung, cuối cùng đến cảm hứng Cách mạng tháng Mười Nga 1917. Phan Bội Châu đi vào lịch sử như một điểm giao thời, một nhịp cầu nối giữa hai thời đại của dân tộc ở chỗ, cụ là người phát ngôn cho nhu cầu lịch sử dân tộc phải chuyển sang thời đại mới của cuộc đấu tranh giải phóng. Phan Bội Châu dù chưa hiểu thật rõ bản chất chủ nghĩa xã hội và Cách mạng tháng Mười, nhưng khi nghe tiếng sấm Cách mạng tháng Mười, cụ đã có những cảm nghĩ thật xúc động, đáng quý: May thay! Đương giữa lúc khói đục, mây mù, thình lình mà có một luồng gió xuân thổi tới; đương giữa lúc trời khuya đất ngủ, thình lình mà có một tia thái dương mọc ra, luồng gió xuân ấy, tia thái dương ấy là chủ nghĩa xã hội vậy.

Nhưng con đường mà cụ Phan Bội Châu chỉ dự cảm được ở cuối đời, sau khi trải qua “một trăm thất bại không một thành công”, khi thân đã tàn, sức đã kiệt, thì chính Nguyễn Ái Quốc cùng thời không chỉ cảm thấy mà đã nhận thức một cách vững chắc, khoa học. Và, chính Nguyễn Ái Quốc đã đáp ứng đúng nhu cầu lịch sử dân tộc, đưa đất nước đi vào quỹ đạo thời đại mới. Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Người lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam với cương lĩnh độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - đường lối đã đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển đi lên, không thế lực nào cản nổi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng và nhân dân ta thiết tha mong muốn hòa bình để xây dựng đất nước, song bọn thực dân đế quốc đã đem quân xâm lược nước ta một lần nữa. Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhân dân đã phải tiến hành 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 20 năm chống đế quốc Mỹ. Chưa hết, 4 năm sau đó quân dân ta phải tiếp tục đổ máu từ chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Nam để bảo vệ Tổ quốc.

Với chiến thắng oanh liệt mùa xuân năm 1975, cả nước độc lập thống nhất bước vào thời kỳ xây dựng, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1975 đến năm 1985, sự nghiệp xây dựng đất nước đã đạt được những thành tựu nhất định song cũng trong thời gian này chúng ta đã phạm sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện, nguyên nhân là do thiếu kinh nghiệm, do chủ quan duy ý chí, vi phạm những quy luật khách quan, dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã tự phê bình nghiêm túc, rút ra những bài học sâu sắc, từ đó đề ra đường lối đổi mới. Đại hội VI là mốc lịch sử rất quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển Đảng ta, đất nước ta. Tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội Đảng lần thứ X năm 2006 đánh giá, công cuộc đổi mới đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.

Vậy, chỉ cần thực sự cầu thị, nhìn đúng sự thật lịch sử, thì chắc chắn không ai đặt lại vấn đề về con đường chủ nghĩa xã hội mà dân tộc ta đang đi. Cũng từ đó góp phần thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI để ngăn chặn, đẩy lùi mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. (còn tiếp)

(Theo GS, NGND Nguyễn Đức Bình - Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=672
Quay lên trên