Kỳ họp lần thứ 4, HĐND tỉnh khóa X: Thông qua các nghị quyết quan trọng tạo đột phá cho sự phát triển bền vững

Cập nhật: 26-04-2022 | 08:12:58

Hôm qua (25-4), HĐND tỉnh khóa X đã tổ chức kỳ họp thứ 4 (chuyên đề), thông qua 9 nghị quyết quan trọng tạo đột phá cho Bình Dương phát triển bền vững. Tham dự kỳ họp có ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Văn Chánh, Ủy viên Thường vụ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh khóa X và lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố.

TX.Tân Uyên sẽ lên thành phố

Tại kỳ họp lần thứ 4, HĐND tỉnh khóa X đã trình bày nhiều tờ trình, báo cáo quan trọng nhằm thông qua 9 nghị quyết, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh trong giai đoạn phát triển mới, như: Quyết định điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng đường phân khu ĐX144, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một. Thống nhất việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2021 sang năm 2022. Thống nhất việc đầu tư và cam kết bảo đảm cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương). Quy định nội dung chi, mức chi cho các kỳ thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; mức chi tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết trên máy tính bảng

Một nội dung quan trọng được kỳ họp thông qua lần này đó là tán thành việc thành lập TP.Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, cho biết việc thành lập TP.Tân Uyên phù hợp các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền quyết định, cụ thể là phù hợp Quyết định 893/QĐ- TTg ngày 11-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025; Quyết định số 1886/ QĐ-UBND ngày 13-7-2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Nam Tân Uyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 9-2- 2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TX.Tân Uyên đến năm 2025 và chủ trương thành lập TP.Tân Uyên của Bộ Nội vụ.

Về cơ sở thực tiễn, nếu như năm 2018, TX.Tân Uyên được công nhận làđô thịloại III, đến nay TX.Tân Uyên đã phấn đấu đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực như: Kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại và đồng bộ; an ninh quốc phòng được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Việc thành lập TP.Tân Uyên trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng đô thị hiện tại của thị xã, không làm tăng đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy và biên chế có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, phù hợp với nguyện vọng của người dân, sẽ góp phần nâng cao vị thế, tạo cơ hội cho Tân Uyên phát huy tiềm năng, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Đồng thời, căn cứ quy định tại khoản 2 điều 1 Nghị quyết 1210/2016/ UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành lập TP.Tân Uyên là điều kiện cần để Tân Uyên đạt đô thị loại II trước năm 2025 như Nghị quyết tại Đại hội đại biểu TX.Tân Uyên lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thông qua.

Đầu tư dự án  đường vành đai liên kết vùng

Tại kỳ họp lần thứ 4, một nội dung được nhiều đại biểu và cử tri tỉnh nhà quan tâm là kỳ họp đã thông qua nghị quyết thống nhất việc đầu tư và cam kết bảo đảm cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, TP.Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương).

Theo Tờ trình số 1663/ TTr-UBND ngày 13-4-2022 của UBND tỉnh, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh thuộc dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tổng chiều dài đầu tư khoảng 76,34km đi qua địa bàn các tỉnh, thành phố: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 10,76km đi qua địa bàn TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một và TP.Thuận An. Về nguồn vốn đầu tư, ngân sách Trung ương 38.740 tỷ đồng (TP.Hồ Chí Minh: 24.010 tỷ đồng; tỉnh Đồng Nai: 1.934 tỷ đồng; tỉnh Bình Dương: 9.640 tỷ đồng; tỉnh Long An: 3.156 tỷ đồng); ngân sách địa phương 36.637 tỷ đồng (TP.Hồ Chí Minh: 24.010 tỷ đồng; tỉnh Đồng Nai: 1.934 tỷ đồng; tỉnh Bình Dương: 9.640 tỷ đồng; tỉnh Long An: 1.052 tỷ đồng).

Căn cứ ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 63/TB-VPCP ngày 2-3-2022 của Văn phòng Chính phủ và Báo cáo số 1575/BC-HĐTĐNN ngày 11- 3-2022 của Hội đồng thẩm định Nhà nước, HĐND tỉnh về thống nhất chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh và cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đủ 50% trong tổng mức đầu tư dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Bình Dương (khoảng 9.640 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025: 7.808 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030: 1.832 tỷ đồng). Trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư, tỉnh Bình Dương cam kết sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đối với nguồn vốn tăng thêm theo đúng quy định. Tại kỳ họp, các đại biểu đã thống nhất cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đủ 50% trong tổng mức đầu tư dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Bình Dương, bảo đảm phù hợp theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Quốc hội thông qua. Trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư, tỉnh Bình Dương cam kết sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đối với nguồn vốn tăng thêm theo đúng quy định. Đồng thời, Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo một số nội dung như: Đề nghị UBND TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một tập trung khẩn trương thực hiện việc tuyên truyền, khảo sát, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo hướng thực hiện công tác bồi thường một lần cho toàn dự án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; quan tâm bảo đảm cuộc sống cho người dân sau tái định cư, bảo đảm nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; quan tâm các giải pháp phương án thu hút đầu tư dự án và khai thác quỹ đất dọc tuyến đường kết hợp chỉnh trang đô thị để thu hồi, hoàn trả phần vốn ngân sách tỉnh…

Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Phạm Văn Chánh, Ủy viên Thường vụ, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết trên cơ sở nội dung được UBND tỉnh chuẩn bị chu đáo, chất lượng và ý kiến thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã nhất trí cao thông qua 9 nghị quyết. Các nghị quyết vừa được thông qua đều có vai trò quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, nhất là các dự án đầu tư công bảo đảm theo quy định, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới và những năm tiếp theo.

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã được thông qua. Các ngành, các cấp phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn theo chủ đề điều hành năm 2022 của Chính phủ “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Qua đó, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 của HĐND tỉnh.

Tại kỳ họp lần thứ 4, một nội dung được nhiều đại biểu và cử tri tỉnh nhà quan tâm là kỳ họp đã thông qua nghị quyết thống nhất việc đầu tư và cam kết bảo đảm cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, TP.Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương).

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=789
Quay lên trên