Hôm nay (6-12), kỳ họp lần thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX chính thức khai mạc. Kỳ họp lần này nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2017 và quyết định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2018. Kỳ họp cũng sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác của địa phương. Dịp này, phóng viên Báo Bình Dương đã có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Oanh (ảnh), Phó Chủ tịch HĐND tỉnh về một số nội dung trong kỳ họp.
- Thưa bà, kỳ họp lần này HĐND tỉnh sẽ tập trung thảo luận, thông qua những nội dung quan trọng nào?
- Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 6 đến 8-12, được Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương truyền hình trực tiếp phiên họp khai mạc, phiên họp chất vấn - trả lời chất vấn và phiên họp bế mạc. Đây là kỳ họp thường lệ cuối năm nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2017 và quyết định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2018. Kỳ họp sẽ thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo quy định của Luật Hoạt động Giám sát của Quốc hội và HĐND tỉnh; đồng thời xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác của địa phương.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến 20 báo cáo, 15 tờ trình, 16 dự thảo nghị quyết. Nhóm nghị quyết quy phạm pháp luật gồm 8 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về việc quy định mức hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2017- 2020 và một số nghị quyết quy định về chế độ chính sách như: Nghị quyết về việc quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về việc quy định số lượng nhân viên thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về việc quy định mức thù lao đối với thành viên của đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh…
Bên cạnh đó là Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Nghị quyết về kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2018 của HĐND tỉnh; Nghị quyết về phê chuẩn Tổng quyết toán ngân sách năm 2016; Nghị quyết về dự toán thu ngân sách Nhà nước, thu, chi và phân bổ ngân sách địa phương tỉnh Bình Dương năm 2018; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2018; Nghị quyết về danh mục công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh đến năm 2020 và bổ sung quy hoạch đến năm 2025…
Công tác đào tạo nghề, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp là một nội dung sẽ được nêu lên trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Trong ảnh: Sản xuất giày tại Công ty Giày Đông Hưng (TX.Dĩ An). Ảnh: X.THI
- Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, sở, ngành nào sẽ được lựa chọn để trả lời chất vấn, thưa bà?
- Trên cơ sở ý kiến cử tri, kết quả hoạt động giám sát của Thường trực và các ban HĐND tỉnh, phiếu chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh gửi đến Thường trực HĐND tỉnh, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh quyết định 5 nhóm vấn đề được đại biểu chất vấn liên quan đến Sở Giao thông Vận Tải, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, với các vấn đề khác được đại biểu quan tâm đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến các sở, ngành khác cũng sẽ được chủ tọa kỳ họp yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành liên quan trả lời tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
- Bà có thể cho biết cụ thể hơn những vấn đề nào sẽ được tập trung trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn?
- Qua đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp và qua kết quả giám sát của Thường trực và các ban HĐND tỉnh, thì nhóm vấn đề bức xúc nhất liên quan đến Sở Giao thông Vận Tải. Các đại biểu HĐND tỉnh sẽ tập trung chất vấn các vấn đề về tiến độ thi công các công trình giao thông, ùn tắc giao thông có chiều hướng tăng, tai nạn giao thông, ngập úng cục bộ trên các tuyến đường... Đối với lĩnh vực y tế sẽ tập trung vào công tác quản lý nhà nước về y tế dự phòng, giải pháp về nguồn nhân lực ngành y tế đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đối với ngành tài nguyên và môi trường sẽ tập trung các vấn đề quản lý nhà nước về môi trường, các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; việc giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm chỉnh trang đô thị; công tác quản lý các cơ sở sản xuất thuê nhà xưởng gây ô nhiễm môi trường...
Đối với ngành lao động - thương binh và xã hội sẽ tập trung vào các vấn đề quản lý nhà nước về lao động, việc làm và giảm nghèo bền vững đến năm 2020; công tác đào tạo nghề, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ tập trung chất vấn các vấn đề về giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản, quản lý nhà nước đối với cơ sở sản xuất phân bón; hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giải pháp bảo đảm cho người dân sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thời tiết bất thường; các giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao…
- Xin cảm ơn bà.
HỒ VĂN (thực hiện)