Từ một đô thị nhỏ chưa được quy hoạch, hạ tầng thiếu thốn, đời sống người dân còn khó khăn, Thủ Dầu Một đã vươn mình mạnh mẽ qua thời gian. Bằng nỗ lực vượt khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Thủ Dầu Một ngày ngày vun đắp cho một đô thị văn minh, hiện đại xứng tầm.
Một thời gian khó
Với phong thái minh mẫn, hoạt bát, ông Phan Văn Đương, Nguyên Bí thư Thị ủy Thủ Dầu Một giai đoạn 1983-1996 tiếp chúng tôi trong căn nhà tại phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một bằng câu chuyện của hơn 32 năm về trước. Đôi mắt xa xa, ông kể lại câu chuyện những ngày đầu bắt tay vào công cuộc xây dựng kiến thiết quê hương.
“Thủ Dầu Một là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Sông Bé trước kia và tỉnh Bình Dương ngày nay. Với bề dày truyền thống lịch sử 300 năm xây dựng và phát triển, từ một đô thị nhỏ chưa được quy hoạch, hạ tầng thiếu thốn, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân còn khó khăn, nhưng bằng những nỗ lực vượt khó, Thủ Dầu Một liên tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và hiện trở thành một thành phố trực thuộc tỉnh. Tôi còn nhớ trong những năm 1985-1986, tình hình kinh tế của tỉnh còn rất khó khăn nhất là vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng. Nỗi trăn trở lớn nhất đó đòi hỏi người cán bộ luôn đổi mới tư duy và năng động để đáp ứng yêu cầu phát triển. Và chủ trương khai thác cánh đồng Bà Bèo với việc trồng hàng ngàn ha đậu vẫn là mơ ước của người dân nơi đây.
Đường sá, hệ thống cơ sở hạ tầng ở TP.Thủ Dầu Một phát triển vượt bậc.
Ảnh: K.HÀ
Biến ước mơ của người dân thành sự thật, tôi đã cùng với một số đồng chí trong Ban Thường vụ Thị ủy bỏra hàng tháng trời đi cơ sở khảo sát và lấy ý kiến của người dân, làm sao tìm cách đào giếng đưa nước lên cánh đồng, phục vụ nước tưới cho hàng ngàn ha đậu, hoa màu. Thực tế diễn ra không hề đơn giản, bởi đào được giếng nước có đường kính 1m, chúng tôi phải lặn xuống vài chục mét để đưa nước lên cánh đồng. Tuy nhiên với tinh thần phát huy nội lực, chỉ sau một tháng, không ngờ cánh đồng Bà Bèo đã đáp ứng đầy đủ nước cho các cánh đồng và những luống đậu, luống rau xanh mướt, luôn cho năng suất cao. Quả thực năm ấy, bà con nông dân trúng lớn. Ai cũng vui mừng, phấn khởi sau vụ mùa bội thu”, ông nhớ như in từng chi tiết một.
Giải quyết xong vấn đề nước ở cánh đồng Bà Bèo, các hợp tác xã Mỹ Hảo (Chánh Mỹ), Tập đoàn sản xuất ở Tân An, Tương Bình Hiệp lại đối mặt với vấn đề không có điện để sản xuất phát triển ngành nghề truyền thống như chạm, trổ, sơn mài... Tiếp tục vượt qua thử thách, ông đích thân xuống Sài Gòn liên hệ Công ty Điện lực 2 xin chủ trương kéo điện về. Có chủ trương, nhưng vật tư phải mua ở đâu và tiền ở đâu mà có để đầu tư? Ông suy nghĩ “mình phải huy động sức dân”, thế là một lần nữa, ông đã vận động người dân đầu tư ứng trước kinh phí để làm. Hiệu quả cứ vậy liên tục mang đến cho từng bà con nông dân. Sau mỗi vụ thu hoạch, ông lại sử dụng tiền đầu tư ứng trước của người dân đi các tỉnh, thành mua dây điện, cầu dao điện và đặt bình hạ thế kéo điện về. Chỉ trong một thời gian ngắn, dây điện được kéo về các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất... Từ đây, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, kinh tế công nghiệp ởTX.Thủ Dầu Một bắt đầu phát triển.
Không dừng lại ở chuyện phát triển kinh tế, chủ trương xóa trường học 3 ca cũng được nghĩ đến. Bởi ngày đó, thị xã là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh Sông Bé, nếu còn tình trạng học sinh học 3 ca là không nên. Thế là chủ trương dần dần thành hiện thực. Bắt đầu từ việc phối hợp vận động 4 bang người Hoa và người dân xây dựng trường THPT Võ Minh Đức và tích cực vận động Mạnh Thường Quân xin vật liệu xây dựng, mượn đất người dân đểxây trường, chỉ trong 3 tháng, trường VõMinh Đức được xây dựng khang trang với 16 phòng học, giải quyết khoảng 1.000 học sinh đến học.
Vững vàng tiến lên
Nhờ biết phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, huy động sức dân, chủ trương, chính sách của Đảng bộ, chính quyền TX.Thủ Dầu Một đề ra đều phù hợp với lòng dân. Thành quả đó đã thúc đẩy tiến trình đổi mới vươn xa không ngừng. Đại hội Đảng bộ TX.Thủ Dầu Một lần thứ IV có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển, khẳng định đường lối đổi mới kinh tế đã mang lại nguồn sức mạnh lớn để thị xã tiến lên.
Với mục tiêu mà đại hội đề ra là “Ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất, giải quyết tốt nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; phát triển cơ sở vật chất làm thay đổi căn bản bộmặt của thị xã, xứng đáng là trung tâm của tỉnh về mọi mặt”. Quả thực, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, các nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy, Đảng bộ TX.Thủ Dầu Một đã vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, lãnh đạo chính quyền và nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực, góp phần ổn định đời sống nhân dân, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, cùng cả nước tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới…
Thực tế đã chứng minh bước vào thực hiện công cuộc kiến thiết quê hương và đổi mới tư duy kinh tế, giờ đây, kinh tế của TP.Thủ Dầu Một không ngừng phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Giá trị ngành sản xuất công nghiệp đạt 80.000 tỷ đồng/năm. Đời sống của người dân luôn được cải thiện và từng bước ổn định, thu nhập bình quân năm 2011 đạt 49 triệu đồng/người; hạ tầng kỹ thuật xã hội được đầu tư tương đối đồng bộ, tạo sự thay đổi to lớn về diện mạo đô thị.
Chỉ tính từ giữa năm 2010 đến cuối năm 2014, TP.Thủ Dầu Một đã đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng để nâng cấp và phát triển hạ tầng đô thị. Các hoạt động trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, chăm lo các đối tượng chính sách, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Sự nghiệp giáo dục luôn phát triển. Trên địa bàn thành phố hiện có 7 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, mỗi năm đào tạo hàng chục ngàn sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Niềm vui ngày càng nhân lên khi ông Phạm Văn Minh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thủ Dầu Một trao đổi với chúng tôi, ông khẳng định: “Từkhi được công nhận là đô thị loại III cho đến nay, TP.Thủ Dầu Một đã thực sự chuyển mình. Bằng chứng là tháng 7-2014, Thủ tướng Chính phủ công nhận TP.Thủ Dầu Một là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương. Đây là bước đệm để Thủ Dầu Một tiến lên xây dựng, phát triển đô thị văn minh, hiện đại, phấn đấu trở thành đô thị loại I trong tương lai không xa”.
KIM HÀ