Lạc quan với thị trường xuất khẩu - Kỳ 3

Cập nhật: 06-06-2020 | 07:54:40

Kỳ 3: Đón đầu cơ hội

 Xoay vòng vốn sản xuất, tái cơ cấu hoạt động, hoàn thiện chuỗi cung ứng trong nước… là những giải pháp mà các doanh nghiệp (DN) đang tích cực thực hiện để sắp xếp lại bộ máy, đón đầu cơ hội để phát triển.

 Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình chú trọng áp dụng công nghệ để vươn xa trên thị trường thế giới

 Cơ hội rộng mở

Tại hội nghị với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới đây ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đang dần được kiểm soát tốt hơn, việc tái khởi động nền kinh tế là điều đặc biệt cần thiết để sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các kịch bản phục hồi kinh tế hậu Covid-19 đang được xây dựng và xúc tiến triển khai ở cả cấp quốc gia, ngành và địa phương. Trong đó, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ như giãn nộp thuế, giảm phí, gói tín dụng, giảm giá điện, an sinh xã hội… với quy mô chưa từng có để hỗ trợ DN trước những khó khăn. Cùng với những quyết sách đúng đắn ở tầm vĩ mô, nhiều chuyên gia đều nhận định kinh tế Việt Nam hậu Covid-19 sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội với các diễn biến trên thị trường thế giới.

Tại Bình Dương, theo đánh giá của ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội của tỉnh đã từng bước phục hồi và chuyển biến tích cực. Các ngành công nghiệp chủ lực vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5-2020 ước tăng 5,63% so với tháng trước, tăng 4,05% so với cùng kỳ, lũy kế 5 tháng đầu năm, IIP tăng 4,84% so với cùng kỳ. Các ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, dự báo tín hiệu khả quan của kinh tế tỉnh nhà.

Với ngành gỗ, một ngành chủ lực, mức tăng trưởng đã trở lại là bước tái khởi động khả quan. Trong bối cảnh khó khăn, việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được DN ngành gỗ đánh giá cao bởi sẽ mang lại nhiều lợi thế cho xuất khẩu, giúp ngành có thêm trợ lực để bứt tốc sau dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), ngành gỗ mấy năm nay xuất khẩu vào EU gần như hưởng thuế 0% nên lợi ích từ hiệp định này chủ yếu là nhập khẩu. Ước tính, mỗi năm Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 1 triệu m3 gỗ nguyên liệu (tương đương 270 triệu USD) từ các nước EU, tập trung vào các loại gỗ tròn, gỗ xẻ, vernia và gỗ dán… Khi thuế nhập khẩu về 0% sẽ tạo lợi thế để DN gỗ chuyển mạnh qua thị trường EU, đưa các sản phẩm gỗ có chất lượng, gia tăng giá trị và đáp ứng các yêu cầu trong quy tắc xuất xứ của EVFTA.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương chủ trì triển khai đề án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Hiện sở đã và đang tích cực kết nối để đẩy nhanh từ việc ghi nhận nhu cầu, kết nối đến các DN CNHT theo đơn hàng, đánh giá năng lực của DN... Từ đó, giúp DN có thể đáp ứng đơn hàng tốt nhất, nhất là của DN FDI.

Ngoài lợi thế nguyên liệu, EVFTA còn tạo cơ hội cho DN Việt tiếp cận máy móc, thiết bị hiện đại cũng như các kênh phân phối của EU tốt hơn. Đặc biệt, thông qua những yêu cầu bắt buộc và tiêu chuẩn cao của hiệp định này, DN sẽ trưởng thành thêm, tự nâng cao quản trị kinh doanh, phát triển sản phẩm, quy trình sản xuất… tăng nội lực cho toàn ngành. Tuy nhiên, để hiệu quả của EVFTA được phát huy tối đa, cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành, hiệp hội và DN. Cụ thể, Nhà nước cần có giải pháp khẩn trương, thực tế về kinh phí để hỗ trợ DN đào tạo, tập huấn, cung cấp đầy đủ thông tin thuận lợi, khó khăn của EVFTA.

Để tận dụng lợi thế từ EVFTA, ngành giày da cũng đang tăng tốc đón cơ hội. Ông Nguyễn Đức Nhuần, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình, cho biết cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, tác động mạnh mẽ đến hoạt động đầu tư, sản xuất và thương mại của tất cả lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp thời trang. Cách mạng 4.0 sẽ tạo nên sự thay đổi lớn về phương thức sản xuất, làm thay đổi sâu rộng chuỗi giá trị sản phẩm từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất, dịch vụ logistics đến dịch vụ khách hàng. Thời gian qua, công ty đã chú trọng đẩy mạnh phát triển công nghệ đáp ứng nhu cầu của các đối tác lớn.

Hoàn thiện chuỗi cung ứng

Theo đánh giá của các DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT), dịch bệnh Covid-19 vẫn mang tới cho họ những cơ hội nhất định, bởi sau khi các thị trường cung cấp nguyên phụ liệu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có những biến động trong dịch bệnh thì DN FDI đang tính đến phương án tìm đối tác trong nước. Hiện DN CNHT nội địa đang tận dụng cơ hội này để “bước chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), đánh giá trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh và năng lực của DN CNHT trong nước còn thấp. Việc đổi mới trang thiết bị, công nghệ chậm, thiếu sự liên kết và cung ứng cho DN FDI còn rất hạn chế, phần lớn chỉ sản xuất theo hợp đồng nhỏ lẻ. Thực tế đó cũng chính là lý do trong nhiều năm qua, DN FDI thường hợp tác nhập khẩu nguyên phụ liệu, thiết bị từ đối tác nước ngoài. Để khắc phục, các DN phải nỗ lực tháo gỡ những điểm yếu như đổi mới công nghệ, tăng sự kết nối.

Theo kiến nghị của các DN, để đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ đi vào thực tiễn, các ngành, các cấp cần bảo đảm chính sách minh bạch, đơn giản, dễ áp dụng cho DN. Đồng thời, các quy định đưa ra bảo đảm tính đồng bộ, có khung giám sát để đánh giá hiệu quả; nhanh chóng có những giải pháp kết nối hiệu quả cho DN CNHT trong nước với các doanh nghiệp FDI.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=704
Quay lên trên