Làm sao để thoát nghèo bền vững?

Cập nhật: 04-10-2012 | 00:00:00

Ban Chủ nhiệm Chương trình giảm nghèo và việc làm tỉnh vừa tổ chức đợt tiếp xúc hộ nghèo ở một số xã của 7 huyện, thị, thành phố trong tỉnh để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của người nghèo trên địa bàn, từ đó có cơ sở chỉ đạo để đề ra những giải pháp thực hiện chương trình giảm nghèo. Tại những buổi tiếp xúc, hộ nghèo đã nêu lên những nguyện vọng của mình…

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị trao học bổng P&G cho các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn học giỏi Tâm tư hộ nghèo

Kết thúc năm 2011 là năm đầu tiên Bình Dương thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2011-2015. Thời gian qua, nhiều hộ nghèo đã được thụ hưởng từ các chủ trương chính sách mới của tỉnh và sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội, đặc biệt sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo. Đây là một bước đột phá mới để Bình Dương tiếp tục thực hiện tốt chương trình giảm nghèo trong những năm tiếp theo. Thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu giảm nghèo trong những năm đầu tiên của giai đoạn mới 2011-2015 vừa kết thúc, Bình Dương có hơn 3.439 hộ nghèo được công nhận thoát nghèo. Để đạt được kết quả đó, Bình Dương đã tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho người nghèo và các đối tượng xã hội. Một trong những giải pháp hữu hiệu mà Bình Dương thực hiện trong thời gian gần đây là quan tâm, gần gũi và lắng nghe, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư của các hộ nghèo trong tỉnh. Vừa qua, tỉnh đã tiếp tục tổ chức tiếp xúc, đối thoại hộ nghèo ở các xã, phường, thị trấn. Tại thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng), bác Đỗ Văn Thạnh, hộ nghèo ở khu phố 5 mong muốn: “Những người tàn tật luôn yếu thế nên Nhà nước cần có chính sách ưu tiên để tạo việc làm cho họ”. “Trong những năm qua, Bình Dương thực hiện khá tốt các chính sách giúp đỡ hộ nghèo. Hôm nay được đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị về tiếp xúc, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và cùng bà con nghèo tháo gỡ khó khăn, chúng tôi vui lắm. Nhân đây, tôi xin đề nghị thực tế gia đình có đông con cháu, trong số đó có cháu bị mồ côi nên chính quyền cần xem xét cấp học bổng để tạo điều kiện cho các cháu được đến trường”, bác Nguyễn Thị Hạnh đề đạt nguyện vọng. Qua những đợt tiếp xúc với hộ nghèo vừa qua, các ý kiến của người nghèo đề nghị được vay vốn hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ về nhà ở, xin được trợ cấp xã hội hàng tháng, miễn giảm học phí cho con em hộ nghèo, cận nghèo… Ngay sau đó, đại diện các ngành liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến và giải đáp những thắc mắc theo thẩm quyền của mình. Các ý kiến này đều được Sở LĐ-TB&XH tổng hợp và báo cáo về UBND tỉnh để có cơ chế chính sách chỉ đạo, điều hành công tác giảm nghèo.

Những khó khăn đang dần được giải quyết

Đầu năm 2012, toàn tỉnh có 6.549 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,58% và 7.580 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,99%. 6 tháng đầu năm 2012, số hộ nghèo toàn tỉnh còn 6.424 hộ, chiếm tỷ lệ 2,53%.

Chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương đã đi vào giai đoạn mới, nhiều giải pháp được đặt ra phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tuy nhiên, theo tìm hiểu chương trình giảm nghèo và việc làm tỉnh vẫn còn gặp những hạn chế. Tại xã Phước Hòa (huyện Phú Giáo) phần lớn nhân dân sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Trong những năm qua, Phước Hòa luôn chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo và việc làm nên tỷ lệ hộ nghèo của xã ngày càng giảm, tỷ lệ khá, giàu tăng nhanh. Tuy nhiên, Phước Hòa hiện vẫn gặp khó khăn do xã có địa bàn rộng, khu dân cư sống không tập trung có những ấp nằm ở vùng sâu, vùng xa như ấp Suối Con, Bàu Cỏ rất khó khăn trong việc triển khai và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi. Trên địa bàn, hộ nghèo đa số không có đất sản xuất, các hộ nhà tạm không có đất xây nhà, thực trạng địa phương không có quỹ đất công cấp cho các hộ nhà tạm nên việc xây dựng nhà đại đoàn kết cho các hộ trên còn gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa Phan Minh Quang kiến nghị: Cần tạo mọi điều kiện để cán bộ làm công tác giảm nghèo có thể tham gia các lớp đào tạo, các buổi tập huấn do cấp trên tổ chức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác này. Đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho những hộ đã thoát nghèo được tiếp tục vay vốn để hộ thoát nghèo bền vững.

Tại xã Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo) đầu năm 2012, xã có 268 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 8,69% và 203 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 6,58%, ấp có số hộ nghèo nhiều nhất là ấp Vĩnh Tiến và ấp có số hộ nghèo ít nhất là ấp Vĩnh An. Thực tế hiện nay, Vĩnh Hòa vẫn đang gặp những khó khăn là xã có nhiều dân di cư từ nơi khác đến lập nghiệp, phần đông thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, gia đình đông con. Công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực giảm nghèo mặc dù có thực hiện nhưng chưa mang lại hiệu quả thiết thực dẫn đến một số hộ có tâm lý muốn là hộ nghèo để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, một số hộ chưa phấn đấu vươn lên thoát nghèo còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chương trình. Xã Long Hòa (huyện Dầu Tiếng), đầu năm 2012 có 73 hộ nghèo và 37 hộ cận nghèo. Nguyên nhân dẫn đến hộ nghèo và cận nghèo là do chưa có việc làm ổn định. Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu giảm nghèo của xã thường xuyên quan tâm đến tình hình đời sống cho hộ nghèo bằng các chính sách như: cho vay vốn, vận động các gia đình khá giúp gia đình gặp khó khăn bằng các hình thức không tính lãi như hỗ trợ heo giống, cám thực phẩm, tiền mặt để làm kinh tế nhằm giúp hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh HUỲNH VĂN NHỊ: Giảm nghèo và việc làm là chính sách an sinh xã hội đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã được các cấp, các ngành rất quan tâm. Thời gian qua Bình Dương đã đạt được những kết quả rất khả quan: Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh hàng năm giảm hơn 2%. Các hộ nghèo đã cố gắng vươn lên và tỉnh cũng mong muốn giảm nghèo một cách bền vững. Vì vậy, việc đẩy mạnh tạo việc làm và dạy nghề cho lao động nông thôn là một công việc mà tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện.

Cuối năm 2012, tỉnh sẽ tổ chức sơ kết đánh giá về chính sách giảm nghèo và việc làm của tỉnh. Qua đó nêu ra những mặt làm được và những hạn chế để trên cơ sở đó điều chỉnh lại tiêu chí hộ nghèo của tỉnh vì trong điều kiện hiện nay, điều kiện sinh hoạt và nâng cao mức sống về điều kiện vật chất cũng như tinh thần của người dân được nâng cao. Thời gian tới tỉnh tiếp tục triển khai 10 chính sách như: Hỗ trợ từ nguồn vốn vay để cải thiện nhà ở, vệ sinh môi trường nước sạch, tạo việc làm cho lao động nông thôn, chính sách hỗ trợ nhà ở, bảo hiểm y tế và đặc biệt chính sách về bảo trợ xã hội thường xuyên…

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội NINH QUỐC BÌNH: Chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh đã đạt các kết quả vượt kế hoạch đề ra. Các huyện phía nam cơ bản thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn rất thấp (1%). Nguyên nhân đạt được là do cả hệ thống chính trị vào cuộc, được xã hội hóa mạnh mẽ. Hướng tới, tỉnh chỉ đạo tổng rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo từng xã, phường; tập huấn các chính sách mới ban hành cho cán bộ cơ sở xã, ấp về chương trình giảm nghèo; đẩy mạnh chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; thực hiện tốt các chính sách mới về BHYT, giáo dục và trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn. Để thực hiện chương trình giảm nghèo và việc làm trong giai đoạn mới 2013-2015 đạt kết quả, sở đề xuất tỉnh nâng tiêu chí hộ nghèo mới để phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=401
Quay lên trên