Lấy phiếu tín nhiệm cần tránh lợi dụng “lợi ích nhóm”

Cập nhật: 10-11-2012 | 00:00:00

  Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Trần Minh Thống phát biểu ý kiến. Sáng 10-11, phiên thảo luận được truyền hình, truyền thanh trực tiếp của các đại biểu Quốc hội tại hội trường đã đề cập đến nhiều góc độ trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Đáng chú ý, khác với đề xuất trong dự thảo, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng cần quy định lại mức độ đánh giá tín nhiệm, bỏ điều khoản “không có ý kiến” với lý do, đại biểu của nhân dân phải luôn có chính kiến trước mỗi sự quan tâm của cử tri.

Ủng hộ việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, cũng như mục đích và yêu cầu đối với công tác này, các đại biểu cho rằng, Nghị quyết được ban hành sẽ giúp nâng cao hiệu quả giám sát đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, góp phần bảo đảm tính khả thi của quy định về việc bỏ phiếu tín nhiệm trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác.

Lấy phiếu tín nhiệm phải làm thường xuyên

Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến nguyên tắc lấy tổ chức phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh triệt để việc lợi dụng vào “lợi ích nhóm,” tư thù cá nhân và không để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất đoàn kết toàn dân.

Nêu quan điểm, việc lấy phiếu tín nhiệm phải đảm bảo việc đánh giá khách quan, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng mục đích lấy phiếu tín nhiệm phải duy trì tình đoàn kết với tinh thần cùng tiến bộ, không được trục lợi vào các mục tiêu cá nhân. Kết quả lấy phiếu phải công khai, minh bạch, thể hiện rõ sự lãnh đạo của Đảng và tính ổn định bộ máy Nhà nước. Ngoài trách nhiệm, người đươc lấy phiếu tín nhiệm phải chấp hành nhiệm vụ nơi cư trú.

Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng nhằm làm rõ thêm trách nhiệm cá nhân của người được lấy phiếu trước Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy Nhà nước.

“Lấy phiếu tín nhiệm phải xem như việc cần làm thường xuyên như cơm phải ăn, nước phải uống, áo phải mặc, không được làm cho xong việc, làm qua loa, đại khái” - đại biểu Khá nói.

Cùng quan điểm này, các đại biểu: Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang), Hà Sơn Nhin (Gia Lai), Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng, Nghị quyết ra đời sẽ góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân, vì dân đồng thời bám sát tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4. Nghị quyết cũng là sự cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội được cử tri và nhân dân giao phó.

Thể hiện rõ chính kiến của người đại biểu nhân dân

Dự thảo Nghị quyết quy định có 4 mức trên phiếu lấy tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là: “Tín nhiệm cao,” “tín nhiệm trung bình,” “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến.”

Tuy nhiên, bàn về nội dung này, đa số các ý kiến tại phiên thảo luận không đồng tình với quy định như trong dự thảo mà kiến nghị bỏ mức đánh giá “chưa có ý kiến.”

Các đại biểu lý giải, quy định như vậy chưa phù hợp, đại biểu nhân dân được nhân dân bầu ra, phải có trách nhiệm thể hiện chính kiến đối với những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Các đại biểu Nguyễn Thị Khá, Hà Sơn Nhin, Đinh Thị Phương Khanh (Long An), Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) và nhiều đại biểu khác lập luận, mỗi đại biểu được cử tri bầu ra phải thể hiện trách nhiệm dân chủ đại diện cho nhân dân, phải có chính kiến trước mỗi vấn đề được nhân dân quan tâm. Không nên để mục "đại biểu không có ý kiến" trên bảng điện tử, điều này sẽ khiến cử tri không hài lòng.

Các đại biểu kiến nghị chỉ nên quy định 3 mức độ đánh giá trong Nghị quyết bao gồm: Tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp. Cũng có ý kiến đề xuất chỉ nên để hai mức độ: tín nhiệm, không tín nhiệm để đỡ phức tạp cho khâu kiểm phiếu, đồng thời bổ sung mức tỷ lệ phần trăm trên tổng số phiếu để làm cơ sở đánh giá, vì quy định thế nào là mức tín nhiệm trung bình, cao, thấp khó kiểm định thực thi trên thực tế.Việc quy định mức độ tín nhiệm cũng cần phải đảm bảo tính thống nhất ở cả Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Thông tin đa chiều khi lấy phiếu tín nhiệm

Lập luận việc lấy phiếu tín nhiệm liên quan mật thiết đến sinh mệnh chính trị của đối tượng được lấy phiếu, các đại biểu cho rằng, cần tập hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, có sự kiểm định, kiểm chứng của các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền trước khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng, để có căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm của từng đối tượng cần có các nguồn thông tin như tập hợp ý kiến cử tri thông qua Mặt trận Tổ quốc; Báo cáo đánh giá công tác cá nhân; Báo cáo xác minh, kiểm tra của cơ quan có trách nhiệm về những vấn đề nổi cộm; Nhận xét đánh giá của Đoàn đại biểu, tổ đại biểu về người được lấy phiếu.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt đề nghị, Nghị quyết cần quy định rõ việc lấy phiếu tín nhiệm phải qua tổ chức điều tra dư luận xã hội hàng năm được thực hiện bởi các cơ quan như Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Khoa học xã hội để có thông tin chính xác.

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung phạm vi lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Nhiều ý kiến tán thành với quy định về phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm bao gồm toàn bộ những người do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn như trong dự thảo Nghị quyết. Quy định như vậy bảo đảm phù hợp với tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nên làm thí điểm, không nên tràn lan, tránh hình thức, vì vậy không nên mở rộng phạm vi người được lấy phiếu tín nhiệm ra tất cả những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bao gồm cả thành viên Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội…

Cũng liên quan đến nội dung này, các đại biểu: Trương Thị Thu Trang; Vi Thị Hương (Điện Biên); Trần Minh Thống (Kiên Giang); Đinh Thị Phương Khanh; Triệu Là Pham (Hà Giang) và nhiều đại biểu khác đề nghị không nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên kiêm nhiệm công tác tại các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội vì đa số những người này đều là người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của các địa phương, ngành nên không thể có nhiều thời gian dành cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Do đó, không có căn cứ để đánh giá hiệu quả hoạt động.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=279
Quay lên trên