Từ đầu tháng 7-2015 Bình Dương chính thức thực hiện liên thông các thủ tục hành chính (TTHC) trong đăng ký khai sinh, thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi. Để người dân nắm bắt được thông tin khi đăng ký các TTHC này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Anh Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh xung quanh việc thực hiện liên thông các TTHC.
Sở Tư pháp tỉnh tổ chức hội nghị triển khai liên thông các TTHC đăng ký khai sinh, thường trú và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi cho các xã, phường, thị trấn, huyện, thị, thành phố. Ảnh: H.VĂN
- Xin bà cho biết, việc liên thông các TTHC đăng ký khai sinh, thường trú và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ tạo thuận lợi như thế nào đối với người dân?
- Theo quy định hiện hành, việc đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi do 3 cơ quan thực hiện là UBND cấp xã, cơ quan công an và bảo hiểm xã hội (BHXH) cấp huyện thực hiện. Thông thường, khi làm 3 thủ tục trên, người đi đăng ký phải tới các cơ quan chức năng ít nhất 6 lần và phải nộp 3 bộ hồ sơ để có thể hoàn tất các thủ tục (nếu hồ sơ không đầy đủ thì số lần đi lại sẽ nhiều hơn). Tuy nhiên, khi thực hiện liên thông các TTHC trên, người đi đăng ký chỉ nộp 1 bộ hồ sơ và nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã, phường, thị trấn. Trong trường hợp hồ sơ chưa đúng, chưa đủ theo quy định, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phải hướng dẫn cụ thể cho người dân. UBND cấp xã, cơ quan công an, BHXH cấp huyện theo thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết từng TTHC thuộc thẩm quyền cơ quan; đồng thời phối hợp giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục liên thông.
Khi chưa thực hiện liên thông, thời hạn xử lý hồ sơ đối với việc đăng ký đầy đủ 3 thủ tục trên là 26 ngày. Khi thực hiện liên thông, thời hạn giải quyết sẽ chỉ còn không quá 15 ngày, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định. Riêng thời hạn giải quyết trường hợp hồ sơ đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT còn không quá 10 ngày làm việc. Như vậy, khi thực hiện liên thông các TTHC sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại cho người dân; đồng thời giảm bớt số lượng hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC trên.
- Ngành tư pháp tỉnh đã tham mưu và triển khai thực hiện việc liên thông các TTHC như thế nào, thưa bà?
Để tiện việc liên hệ cũng như trả lời những kiến nghị của người dân liên quan cụ thể đến các thủ tục, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương đề nghị người dân khi gửi đơn kiến nghị cần ghi rõ địa chỉ nơi ở, số điện thoại liên lạc và tóm tắt ngắn gọn nội dung cần kiến nghị. Mọi phản ánh, kiến nghị về quy định, thủ tục hành chính xin liên hệ theo địa chỉ: Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương; ĐT: (0650) 3.835029; địa chỉ email: kiemsoat.tthc@binhduong.gov.vn |
- Để việc thực hiện tốt việc liên thông các TTHC trên, bà có khuyến nghị gì đối với người dân?
- Trước tiên, người dân phải đến đúng cơ quan thẩm quyền để đăng ký khai sinh cho trẻ em. Theo quy định, UBND cấp xã nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ thì UBND cấp xã nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha thì UBND cấp xã nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.
Người dân có quyền lựa chọn đăng ký cả 3 thủ tục (khai sinh, thường trú, cấp thẻ BHYT) hoặc 2 thủ tục (khai sinh, cấp thẻ BHYT) hoặc từng thủ tục riêng lẻ. Điều quan trọng là người dân cần phải xác định rõ nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu khi đăng ký cấp thẻ BHYT cho trẻ, tránh tình trạng phải sửa lại. Trường hợp, cá nhân có yêu cầu thực hiện các TTHC trên nhưng không có điều kiện trực tiếp đến UBND cấp xã để nộp hồ sơ thì có thể ủy quyền cho người khác. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ. Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì không cần phải có văn bản ủy quyền, nhưng phải có giấy tờ chứng minh về mối quan hệ nêu trên.
- Xin cảm ơn bà!
MAI XUÂN - HUỲNH THỦY (thực hiện)