Các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ cho rằng họ đang gặp khó khăn rất lớn trước các quy định không thống nhất về nguồn gốc gỗ rừng trồng giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với các quy định về thủ tục xác minh nguồn gốc gỗ trước hoàn thuế VAT xuất khẩu của Bộ Tài chính. Cụ thể, cơ quan thuế yêu cầu xác minh nguồn gốc đến tận người trồng rừng, nguồn gốc gỗ được xem là hợp pháp khi doanh nghiệp hoàn thuế/cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cung cấp thông tin tới chủ rừng với các giấy tờ liên quan.
Các doanh nghiệp cho rằng các yêu cầu trên của cơ quan thuế hoàn toàn khác khi đối chiếu với quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ban hành ngày 16-11- 2018, về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản tại Điều 5 và Điều 15 đối với gỗ rừng trồng thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, Việt Nam có trên 1,5 triệu ha rừng trồng do 1,1 triệu hộ gia đình quản lý, hơn 60% chưa được cấp sổ đỏ, trong đó có không ít là diện tích đất xâm canh. Như vậy, sẽ không đủ cơ sở để cơ quan thuế xác minh và lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ không được hoàn thuế vì không rõ nguồn gốc.
Vấn đề thứ hai được doanh nghiệp đưa ra đó là trong quá trình xác minh cơ quan thuế yêu cầu rất nhiều thành viên cùng tham gia (bao gồm chủ phương tiện vận chuyển, biển số xe, chủ rừng, kiểm lâm, địa chính, công an xã, lãnh đạo xã, đại diện cơ quan thuế). Điều này gây ra sự bất cập rất lớn và kéo dài thời gian xác minh nguồn gốc gỗ, thủ tục hành chính.
Về vướng mắc hồ sơ hoàn thuế VAT của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ liên quan đến chế độ thuế trong quá trình khai thác gỗ và lâm sản. Đơn kiến nghị của Chi hội Gỗ dán gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay vướng mắc đều liên quan đến bảng kê lâm sản khi các bên không xác minh được, trong khi đó cơ quan thuế thì muốn xác minh đến tận F0 (tức là xác minh đến hộ dân có rừng trồng, chặt và khai thác). Việc này gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong thời gian đợi hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính, để hoàn thiện các hồ sơ hoàn thuế, doanh nghiệp kiến nghị, thay vì xác minh đến tận chủ rừng (hay còn gọi là đầu nguồn khai thác) như hiện nay, nên xác minh vào cuối nguồn (đơn vị xuất khẩu). Nghĩa là, trước khi lô hàng xuất khẩu, đơn vị thứ ba chịu trách nhiệm xác nhận nguồn gốc lô hàng là gỗ rừng trồng hợp pháp có sản lượng xuất khẩu đúng với tờ khai hải quan, số lượng và chất lượng đúng với xác nhận của đơn vị giám định, tiền thanh toán của đối tác nước ngoài về tài khoản.
KHẢI ANH