Hiện toàn tỉnh có 212 hợp tác xã (HTX), trong đó lĩnh vực nông nghiệp dẫn đầu về số lượng với 68 HTX. Mô hình HTX nông nghiệp ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế địa phương.
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long thành công trong tập hợp liên kết sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Trong ảnh: Anh Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX giới thiệu sản phẩm dưa lưới được sản xuất theo tiêu chuẩn Global.GAP
Phát huy vai trò
Thời gian qua, hoạt động hiệu quả của mô hình HTX nông nghiệp đã góp phần thực hiện tốt tiêu chí đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các địa phương. Hình thức tổ chức sản xuất là tiêu chí bắt buộc trong xây dựng NTM nhằm hướng tới nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân nông thôn.
Thực tế, huyện Bắc Tân Uyên nổi tiếng với cam, quýt, bưởi chất lượng nhờ có sự đóng góp tích cực của các HTX nông nghiệp thông qua việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Các HTX nông nghiệp đã đưa thương hiệu cây ăn trái có múi Bắc Tân Uyên vươn xa trên thị trường, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Đến nay huyện Bắc Tân Uyên có 7/8 xã đạt 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao (Đất Cuốc, Lạc An, Tân Định, Hiếu Liêm, Thường Tân, Tân Mỹ và Bình Mỹ). Để việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM đạt hiệu quả, ngay từ bước đầu, huyện xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình phấn đấu thực hiện theo từng nội dung gắn với chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng xã. Trên tinh thần đó, các địa phương đã phát huy lợi thế để thực hiện các tiêu chí, trong đó có tiêu chí tổ chức sản xuất.
Với sản phẩm chủ lực là các sản phẩm về nông nghiệp, cụ thể là cây ăn trái có múi và thịt gia súc gia cầm. Những năm qua xã Hiếu Liêm luôn nỗ lực tuyên truyền vận động nông dân tập hợp, liên kết để phát triển mô hình kinh tế tập thể. Hiện xã có 2 HTX (HTX Nhân Đức và HTX Ngọc Quang Thanh). Trong xây dựng NTM, các HTX đã cùng chính quyền xã triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phân vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho các hộ tổ chức sản xuất bảo đảm quy hoạch. Đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác ngày càng tăng cao, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Nhờ hoạt động hiệu quả, hàng năm mỗi HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động tại địa phương, tạo ra thu nhập hàng tỷ đồng cho xã viên.
Huyện Dầu Tiếng là huyện NTM đầu tiên của tỉnh, có thế mạnh về nông nghiệp, hiện nay huyện có 14 HTX nông nghiệp với 124 thành viên, tổng doanh thu đạt gần 14 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 2,7 tỷ đồng. Các HTX nông nghiệp như: Minh Hòa Phát, Tâm Phát (xã Minh Hòa)... hoạt động ổn định, đã chuyển đổi, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng chủng loại cây trồng, cung ứng cây con giống, vật tư nông nghiệp… đóng góp tích cực cho việc thực hiện xây dựng NTM ở địa bàn đứng chân. Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể (KTTT) huyện Dầu Tiếng, để thúc đẩy phát triển KTTT nói chung và lĩnh vực HTX nông nghiệp nói riêng, thời gian tới huyện tiếp tục hỗ trợ mở rộng các ngành nghề người dân có nhu cầu, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vận tải...
Đổi mới để phát triển bền vững
Có thể nhận thấy, người nông dân trước đây chưa quen với mô hình KTTT, diện tích canh tác manh mún, “mạnh ai, nấy làm”, tiêu thụ nông sản chỉ thông qua các thương lái dẫn tới tình trạng được mùa mất giá. Việc đổi mới đầu tiên chính là tư duy của nông dân, giúp nông dân hiểu được liên kết sản xuất sẽ tạo nên sức mạnh. Vì vậy để nông nghiệp phát triển bền vững, liên kết sản xuất là câu chuyện chưa bao giờ cũ. Đặc biệt, trong cách mạng công nghiệp 4.0, muốn sản xuất hàng hóa lớn tất yếu phải liên kết hợp tác, sản xuất theo tiêu chuẩn, sản phẩm mới có chỗ đứng trên thị trường.
HTX nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo là một minh chứng sinh động, cần nhân rộng. HTX Kim Long đã thành công trong việc tập hợp những người sản xuất nhỏ trong một tổ chức chung tạo nên sức mạnh, đủ sức cạnh tranh với thị trường, bảo đảm được lợi ích của xã viên trong điều kiện của kinh tế thị trường và hội nhập. Anh Phạm Văn Hiên, xã viên HTX cho biết: “Khi chưa tham gia HTX, gia đình canh tác và chờ đợi thương lái đến thu mua, được giá cao thì mừng, giá thấp phải chịu vì không nắm bắt được tình hình thị trường. Tham gia HTX, được hướng dẫn tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào và được ký hợp đồng tiêu thụ. Ngoài ra, tham gia vào HTX còn giúp xã viên nắm bắt được thị trường, từ đó có kế hoạch sản xuất rải vụ, tránh được tình trạng sản xuất ồ ạt cùng một thời điểm dẫn đến được mùa rớt giá”.
Để hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển bền vững, Liên minh HTX tỉnh đã ban hành nhiều chính sách như hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học góp phần giảm chi phí sản xuất. Tăng cường đầu tư, nâng cấp về cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, trẻ hóa. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động hỗ trợ tài chính, tín dụng để gia tăng sức mạnh kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trên địa bàn tỉnh hiện có HTX cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) và HTX ổi Thanh Kiên (huyện Phú Giáo) tham gia Đề án hỗ trợ xây dựng HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị do Liên Minh HTX Việt Nam thực hiện với tổng số tiền 444,7 triệu đồng. Hiệu quả bước đầu giảm chi phí đầu vào của HTX từ 18 - 22%, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho thành viên và người lao động.
TIẾN HẠNH