Xác định công tác chăm lo cho người nghèo là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài, thời gian qua, MTTQ xã Thạnh Hội đã có nhiều cách làm cụ thể, thiết thực. Nhờ đó cuộc vận động (CVĐ) “Vì người nghèo” đã đạt kết quả tích cực, từng bước góp phần ổn định cuộc sống cho người nghèo.
Ông Trần Kim Quan, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội trao quyết định tặng nhà đại đoàn kết cho bà Thái Thị Bảy
Xe bon bon qua cầu Thạnh Hội, một khung cảnh làng quê yên ả hiện ra. Với phong trào xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của xã đang thay đổi từng ngày. Hệ thống giao thông ngày càng hoàn hiện, trường học, Trung tâm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia… Ông Hồ Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hội, cho biết, cù lao Rùa đang nâng chất xã nông thôn mới, chất lượng cuộc sống của người dân vì thế mà tăng theo. Tuy nhiên như lời ông Hồ Thanh Bình, chia sẻ: “Thạnh Hội là xã thuần nông nên đời sống người dân gặp không ít khó khăn; mặc dù đã được sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm... nhưng về thu nhập và mức sống vẫn còn thấp. Vì vậy, nhiều CVĐ, nhiều phong trào rộng lớn vì người nghèo đã được khởi xướng, trong đó nổi bật là CVĐ “Ngày vì người nghèo”.
Bà Mai Đinh Thắm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thạnh Hội, cho biết: “Để CVĐ “Ngày vì người nghèo” đạt hiệu quả, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã đã tham mưu cho Đảng ủy xã xây dựng chương trình, kế hoạch các hoạt động vì người nghèo; trong đó chú trọng các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và toàn xã hội”.
Để phát huy truyền thống đoàn kết “Tương thân, tương ái”, “Thương người như thể thương thân”, MTTQ xã đã tích cực vận động cán bộ, công chức, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... đóng góp hưởng ứng CVĐ “Vì người nghèo” với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đồng thời việc quản lý nguồn quỹ luôn công khai, minh bạch đã tạo lòng tin trong nhân dân, những người đóng góp cho quỹ; đặc biệt là xác định đúng hộ nghèo, phân loại nguyên nhân nghèo để có hình thức hỗ trợ phù hợp; chẳng hạn hỗ trợ khám, chữa bệnh, xây nhà đại đoàn kết; giúp vốn sản xuất, kinh doanh... Từ đó CVĐ đã nhận được sự tham gia đóng góp bằng nhiều hình thức của cán bộ, công chức, cá nhân, hộ kinh doanh... dành cho người nghèo.
Trường hợp của bà Thái Thị Bảy, ấp Thạnh Hòa là một điển hình. Tuổi cao, sức yếu, xoay trở lo cái ăn hàng ngày còn khó, làm sao có đủ tiền xây nhà? Và căn nhà đại đoàn kết tổng kinh phí xây dựng là 65 triệu, trong đó Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Nam Bình Dương hỗ trợ 50 triệu, còn lại gia đình đóng góp đã được xây dựng. Bà Bảy nói: “Ngày nhận nhà, tôi mới xúc động không nói nên lời, vui đến độ nước mắt cứ rơm rớm”. Hay trường hợp của ông Nguyễn Văn Hùng ở ấp Nhựt Thạnh cũng vậy. Căn nhà tường mái tôn khang trang là mơ ước cả đời ông. Và đến hôm nay, mơ ước đã thành sự thật. Ngày nhận nhà mới, ông Nguyễn Văn Hùng, chia sẻ: “Nếu không có quan tâm của địa phương, sự hỗ trợ của nhà hảo tâm thì cả đời tôi không có được căn nhà này đâu. Ai cũng muốn vượt lên số phận, ai cũng muốn có cuộc sống ổn định, nhưng lực bất tòng tâm. Từ nay có nhà rồi, cuộc sống của gia đình tôi sẽ sang một trang mới”.
Bà Mai Đinh Thắm, cho biết đến nay, toàn xã chỉ còn 1 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo. Kết quả này đã khẳng định tính nhân văn sâu sắc của CVĐ “Vì người nghèo”; đồng thời khẳng định sự quan tâm sâu sắc của của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ đối với những mảnh đời khó khăn...”.
THU THẢO