“Thường xuyên rà soát, sàng lọc, kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Thà ít mà tốt” là vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) càng cho thấy phải nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
“Thà ít mà tốt”
Công tác phát triển đảng viên (PTĐV) được Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI xác định là một trong 4 chương trình đột phá của tỉnh. Theo đó, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ phát triển được 9.500 đảng viên; phấn đấu hàng năm có từ 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Quan điểm của chương trình này là PTĐV là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; là một trong những yếu tố quyết định việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nhằm bổ sung lực lượng, bảo đảm tính kế thừa, tính phát triển của Đảng; đáp ứng yêu cầu trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên; hình thành lớp cán bộ, đảng viên mới có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, tiếp tục gánh vác sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, giữ vững và phát huy những thành quả cách mạng; góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa; kết hợp chặt chẽ giữa PTĐV với phát triển tổ chức cơ sở Đảng, với xây dựng lực lượng nòng cốt ở địa phương, đơn vị, cộng đồng dân cư và trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện
Tuy nhiên, PTĐV phải đi đôi với nâng cao chất lượng theo tinh thần Chỉ thị số 28- CT/TW, ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 96- KH/TU, ngày 5-7-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Cụ thể, cấp ủy, các tổ chức Đảng thường xuyên rà soát, sàng lọc đội ngũ đảng viên ngay từ các chi bộ, kịp thời phát hiện và kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng theo hướng dẫn của Trung ương bằng hình thức thích hợp; tiến hành rà soát đội ngũ đảng viên, qua đó làm rõ những đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, những đảng viên thực hiện không đúng quy định về chuyển sinh hoạt Đảng hoặc những đảng viên đã chuyển sinh hoạt Đảng nhưng không nộp sồ hơ cho tổ chức Đảng có thẩm quyền nơi đến để tiếp nhận sinh hoạt Đảng, những đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; những đảng viên thiếu gương mẫu, uy tín trong nhân dân thấp… Qua đó chọn lọc, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách.
Trên cơ sở mục tiêu chung của toàn Đảng bộ và chỉ tiêu được phân bổ, từng cấp ủy, tổ chức Đảng xác định và đề ra nhiệm vụ của công tác PTĐV trong nhiệm kỳ tới phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể; đặt trong bối cảnh sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn quần chúng trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị các cấp có xu hướng giảm, công tác tập hợp, vận động quần chúng của các tổ chức đoàn thể còn nhiều thách thức, trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ là phải nâng cao chất lượng từ tiêu chuẩn, điều kiện, đến việc thực hiện các quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên; mặt khác, phải khắc phục cho được tình trạng chạy theo chỉ tiêu, số lượng, thành tích.
Quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện. Việc xét kết nạp người vào Đảng phải thực hiện đúng các nguyên tắc, thủ tục, quy trình của điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Bảo đảm chất lượng, không chạy theo số lượng; phải chú trọng đến công tác bồi dưỡng, giáo dục sau kết nạp và phân công nhiệm vụ đảng viên. Tùy điều kiện cụ thể, sau khi được sự chấp thuận của cấp ủy cấp trên trực tiếp, các tổ chức cơ sở Đảng có thể đề ra tiêu chuẩn cao hơn quy định chung. Nghiên cứu đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho quần chúng và đảng viên, đổi mới phương pháp học tập theo hướng vận dụng, phù hợp với điều kiện cụ thể tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quần chúng tham gia; kết hợp chặt chẽ PTĐV với xây dựng, phát triển tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể - chính trị trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Hùng, đảng viên ở phường Uyên Hưng (TX.Tân Uyên), cho rằng: “Đảng ta cần phải thực hiện thường xuyên và nghiêm túc hơn nữa việc rà soát, sàng lọc đảng viên để kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Cùng với đó coi trọng công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời xử lý những đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật Đảng”.
Tự soi, tự sửa
Đảng viên, cán bộ trong sạch, vững mạnh thì Đảng trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự rèn, tự tu dưỡng, tự điều chỉnh, tu thân để tự vượt lên chính mình. Bà Thân Thị Nguyệt, Bí thư Chi bộ khu phố 5, phường Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một), chia sẻ: “Đảng ta là Đảng cầm quyền. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự thực hành cần kiệm liêm chính để làm kiểu mẫu cho dân”.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức được việc tự soi, tự sửa. Bác Hồ đã dạy: Muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích… Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác, ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi. Sau khi làm xong một công việc gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, có được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được...
Đảng ta ra nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định phục vụ cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng. Mới nhất là Kết luận số 21-KL/TW; Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Đảng có những kết luận, nghị quyết, quy định như thế là rất cần thiết để giúp đảng viên tu dưỡng, rèn luyện. Đảng viên, cán bộ phải tự giác, thường xuyên, hàng ngày, suốt đời tự soi, tự sửa như chuyện “rửa mặt hàng ngày”.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vừa qua suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vì không chịu tự soi, tự sửa, tự rèn, tự phê bình, tự giáo dục, tự vạch ra khuyết điểm, tự điều chỉnh, tự chỉ trích, tự vượt lên chính mình, tu thân chính tâm hàng ngày, suốt đời, việc lớn việc nhỏ một cách tự giác, thật sự. Họ rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân, vừa không có cái chất của người đảng viên cộng sản vừa không có nhân tính, đổ vỡ tư cách làm người, đổ vỡ tư cách đảng viên.
“Thà ít mà tốt”, “những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng ta cũng không cần”. Tư tưởng ấy đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII càng khẳng định tinh thần phải hành động quyết liệt hơn nữa để nghị quyết của Trung ương được triển khai hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
THU THẢO