Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật: 05-09-2019 | 08:09:14

 Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn (LĐNT), UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2019. Đến nay, đề án đã được triển khai ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

 Đào tạo nghề lái xe nâng cho lao động nông thôn

Đối tượng áp dụng

Theo kế hoạch, năm 2019, Bình Dương tổ chức đào tạo nghề cho 1.960 LĐNT. Trong đó, nhóm nghề phi nông nghiệp có 1.400 người, nhóm nghề nông nghiệp 560 người.

Người học là phụ nữ, LĐNT, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân, người chấp hành xong án phạt tù, thanh niên sau cai nghiện, người lao động đang làm việc tại các lò gạch cần chuyển đổi nghề; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tất cả các đối tượng được hỗ trợ học nghề theo kế hoạch đều phải có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Điều kiện người học được hỗ trợ đào tạo trong độ tuổi lao động (nữ từ đủ 15 - 55 tuổi; nam từ đủ 15 - 60 tuổi), có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn; trường hợp học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì phải đủ 14 tuổi; những người không biết đọc, viết có thể tham gia học những nghề phù hợp thông qua hình thức kèm cặp, truyền nghề và phải đủ sức khỏe phù hợp với nghề cần học.

Người học nghề có phương án tự tạo việc làm sau học nghề bảo đảm tính khả thi theo xác nhận của UBND cấp xã hoặc được đơn vị sử dụng lao động cam kết tuyển dụng hoặc có đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm sau học nghề.

Đối với LĐNT, người lao động có hộ khẩu thường trú tại các xã, người lao động có hộ khẩu thường trú tại phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi...

Chính sách đối với người học

Người lao động được vay vốn để học nghề theo quy định hiện hành. Nếu làm việc ổn định ở địa phương (có xác nhận của UBND xã) sau khi học nghề sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất đối với các khoản đã vay.

Mỗi người chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước, những người trước đây đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ đào tạo theo chính sách của đề án này. Trường hợp những người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì UBND cấp xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm theo chính sách của chương trình này nhưng tối đa không quá 3 lần.

Song song đó, người lao động được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định của từng đối tượng. Mức chi phí đào tạo cho từng nghề và mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng tham gia học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phù hợp với chương trình, thời gian đào tạo thực tế và đặc thù của từng vùng, địa phương. Định mức này đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tính toán các mức chi cụ thể.

LĐNT đi học nghề được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại. Đề án đã phân thành 3 nhóm, gồm nhóm 1: Người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo (theo tiêu chí của tỉnh), người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Nhóm 2 là LĐNT thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo (theo chuẩn của tỉnh Bình Dương) được hỗ trợ tiền ăn 10.000 đồng/ ngày thực học/người. Với nhóm 3 LĐNT khác được hỗ trợ tiền ăn 10.000 đồng/ngày thực học/người.

Riêng LĐNT là người dân tộc thiểu số thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo học các khóa học trình độ trung cấp, cao đẳng được hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú (được hưởng học bổng, trợ cấp xã hội và các chính sách khác như học sinh trung học phổ thông dân tộc nội trú).

 Trong năm 2019, Bình Dương tập trung đào tạo một số ngành nghề phù hợp với người lao động, khôi phục các làng nghề, ngành nghề truyền thống trong nông nghiệp, các ngành nghề phục vụ cho doanh nghiệp, trang trại và các công trình dân dụng, gồm các nghề: May công nghiệp; may gia dụng; thiết kế, tạo mẫu tóc; lái xe nâng hàng; nấu ăn, đãi tiệc; cắm hoa; trồng rau an toàn...

TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1682
Quay lên trên