Ngành Công thương: Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới

Cập nhật: 30-09-2019 | 08:32:33

 Phát huy vai trò là “bà đỡ” của các doanh nghiệp, những năm qua ngành công thương tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã ở nông thôn xây dựng những mô hình trình diễn, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, đào tạo nghề, quảng bá sản phẩm… Nhờ đó các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngày càng gia tăng số lượng và quy mô sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

 Cán bộ Sở Công thương nghiệm thu đề án hỗ trợ tại Công ty TNHH Công nghệ Thiên Hưng (TX.Dĩ An). Ảnh: MY PHAN

 Làm tốt công tác khuyến công

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), vòng đời của một công nghệ là khoảng 10 năm, sau đó sẽ có một thế hệ công nghệ mới ra đời thay thế nhằm tăng năng suất và hiệu quả cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ở nước ta, mức độ sử dụng các thiết bị lạc hậu và rất lạc hậu chiếm đến hơn 50% tổng số thiết bị, thiết bị hiện đại chỉ chiếm khoảng 10%. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất nhỏ, lẻ mức độ sử dụng thiết bị lạc hậu lên đến hơn 70%.

 Từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã tổ chức nghiệm thu 5 đề án hỗ trợ 5 doanh nghiệp vừa và nhỏ mua sắm máy móc thiết bị hiện đại để đưa vào sản xuất. Qua đó giúp các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm mới, bảo đảm cung cấp ra thị trường tiêu thụ.

Trong bối cảnh hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu hiện nay đã tạo ra sức ép cạnh tranh, buộc doanh nghiệp không ngừng đổi mới công nghệ. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ tiềm lực để mua máy móc, thiết bị đắt tiền, hiện đại, mà chỉ có thể nhập máy móc cũ từ các nước phát triển hoặc những máy mới nhưng rẻ tiền, hiệu quả không cao. Việc sử dụng các thiết bị quá cũ trong sản xuất dẫn đến hiệu quả sử dụng năng lượng thấp hơn, gián tiếp sinh ra nước thải, khí thải do tiêu hao năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.

Theo bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cơ khí Kim Chung (TX.Tân Uyên), hiện nay khách hàng đặt ra yêu cầu giá cả hợp lý, đáp ứng một số tiêu chí như mẫu mã, chất lượng, kiểu dáng đồng đều và nhất là phải thân thiện với môi trường. Những yêu cầu này tuy không mới và không cao nhưng sẽ khó thực hiện cho những cơ sở sản xuất, chế biến sử dụng hệ thống thiết bị, công nghệ lạc hậu; sự yếu kém này dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp.

Doanh nghiệp sản xuất muốn tồn tại, phát triển cần phải thực hiện đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, năng suất cao, giá thành thấp. Đây là bài toán không dễ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn vốn có hạn, khả năng vay vốn ưu đãi khó khả thi. Vì vậy, việc hỗ trợ từ nguồn ngân sách của tỉnh, của ngành khuyến công thực sự có ý nghĩa đối với doanh nghiệp cũng như đối với xã hội trong quá trình thúc đẩy kinh tế phát triển.

Anh Phạm Chí Thắng, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Nam Thiên Trường (TX. Dĩ An), cho biết từ nguồn hỗ trợ của Sở Công thương công ty đã mạnh dạn đầu tư thay đổi công nghệ, đào tạo lại đội ngũ lao động, từ đó tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Nguồn vốn này cũng góp phần giúp công ty phát triển sản xuất, đón đầu cơ hội thị trường.

Anh Thắng chia sẻ thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh những năm gần đây cho thấy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ nếu sớm đầu tư thiết bị công nghệ mới. Ngược lại, có không ít doanh nghiệp dừng sản xuất hoặc phá sản do thiết bị công nghệ lạc hậu, sản phẩm làm ra không cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại sản xuất trên dây chuyền hiện đại.

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết để công nghiệp nông thôn trở thành một ngành kinh tế quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển theo hướng lâu dài và bền vững, trong thời gian tới sở tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có đủ năng lực, nhu cầu đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm mới; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, sở cũng chú trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ thông tin để các cơ sở, doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng nắm bắt, chủ động tiếp cận chính sách đầu tư.

Cùng với đó, ngành công thương và các địa phương trong tỉnh tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất một số ngành nghề có thế mạnh, có mức đóng góp cao vào giá trị sản xuất công nghiệp của các địa phương như công nghiệp hỗ trợ, sản xuất gạch không nung, cơ khí gia công...

Có thể thấy, thời gian qua việc đẩy mạnh ứng dụng máy móc thiết bị công nghệ cao đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong sản xuất của các doanh nghiệp, qua đó còn giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Hiện sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh đã có mặt tại nhiều trung tâm thương mại lớn trong cả nước và xuất khẩu. Kết quả trên cũng cho thấy việc khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh nhằm khai thác hiệu quả lợi ích, thế mạnh của công nghệ thông tin thời kỳ hội nhập, liên kết kinh doanh có ý nghĩa lớn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngành công thương tỉnh cũng đã và đang khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế nhằm nhanh chóng tiếp cận, tạo khả năng định hướng lựa chọn quy mô sản xuất, thị trường thâm nhập, mức đầu tư phù hợp… Từ đó góp phần để địa phương, doanh nghiệp tiếp cận, quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường.

Theo ông Lưu Trí, Tổng Giám đốc Công ty Nghệ Năng (TX.Thuận An), với sự hỗ trợ của ngành công thương và sự nỗ lực của mình, các doanh nghiệp trong tỉnh đang ngày càng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tạo thêm động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển.

Thực tế cho thấy, nếu doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận bằng những chính sách đồng bộ và giải pháp thiết thực, mang tính lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển. Ông Trí cho biết thêm, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa về thiết bị máy móc, công nghệ giúp doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và khai thác tối đa những lợi thế sẵn có tại địa phương. Vấn đề cần quan tâm nữa, việc cải tiến, thay mới thiết bị máy móc phục vụ sản xuất cần gắn với phát triển nghiên cứu đổi mới mẫu mã thích nghi với thị hiếu từng giai đoạn.

Ông Phạm Thanh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp Sở Công thương, cho biết hiện phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về vốn và thiếu mạnh dạn khi đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại cho sản xuất, nên hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao.

Xuất phát từ tình hình thực tế đó, hàng năm, từ các nguồn vốn khuyến công, sở đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn về máy móc, thiết bị nhằm hiện đại hóa sản xuất, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, ngành cũng hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp…

 MY PHAN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1039
Quay lên trên