Ngành công thương: Thúc đẩy liên kết để phát triển

Cập nhật: 24-07-2019 | 08:45:23

6 tháng đầu năm 2019, hoạt động thương mại nội địa của Bình Dương tiếp tục ổn định, hàng hóa dồi dào, phong phú về mẫu mã, chủng loại, hàng nội địa chiếm ưu thế trên thị trường. Ngành công thương của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh liên kết phát triển với các địa phương trong khu vực.

 Thực hiện tốt bình ổn thị trường

Trong 6 tháng đầu năm, nhờ các ngành, các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường và kế hoạch dự trữ hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019 nên giá cả các mặt hàng thiết yếu ổn định, không tăng giá, góp phần kiềm chế lạm phát, phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của cả tỉnh 6 tháng đầu năm ước thực hiện 111.831,5 tỷ đồng, tăng 15,8% so cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước ước thực hiện 106.605,1 tỷ đồng, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 5.226,4 tỷ đồng. Riêng trong tháng 6-2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước thực hiện 18.645,5 tỷ đồng, tăng 0,8% so tháng trước và tăng 19,1% so cùng kỳ năm trước.


Ngành công thương Bình Dương có nhiều cố gắng trong thúc đẩy liên kết để phát triển. Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu, mua sắm tại một gian hàng tham gia Hội nghị cung - cầu nông sản Bình Dương năm 2018

Báo cáo của Bộ Công thương tại Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam lần thứ VI, chủ đề “Ngành công thương với xây dựng thương hiệu sản phẩm cấp vùng, cấp khu vực” được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa qua cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp các tỉnh, thành khu vực phía Nam tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2018. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt 1.381.540 tỷ đồng, tăng 11,87% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm tỷ trọng 57,78% so với cả nước (trong đó Bình Dương tăng 15,8%); tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 55,869 tỷ USD, tăng 9,69% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 45,53% so với cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, bà Lại Việt Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, cho rằng thương mại điện tử hiện nay phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, các địa phương cần hợp tác với Bộ Công thương xây dựng đề án thương mại điện tử ở địa phương mình để có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Sắp tới, vụ sẽ xây dựng khu hàng Việt trên thương mại điện tử trực tuyến nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu hàng Việt, kết nối giao thương, xuất khẩu thuận lợi.

Nhiều cố gắng trong liên kết vùng

Tại Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam lần thứ VI, nhiều đại biểu có ý kiến về việc liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để thúc đẩy sản xuất, thương mại - dịch vụ phát triển.

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, một trong những yếu tố khiến liên kết vùng tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gặp khó khăn là vấn đề giao thông, do thiếu cơ chế. Do đó, để vùng trở thành cực tăng trưởng của cả nước cần có một đơn vị điều phối, vìthực tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiêm nhiệm như thời gian qua chưa giải quyết được vấn đề liên kết vùng. Đối với hạ tầng giao thông, cần xem là khâu đột phá và cần có quyết tâm chính trị cao mới thực hiện được.

Cùng quan điểm trên, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, cho rằng không nên nhìn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ở đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hay thu ngân sách, vìnhư vậy sẽ không giải quyết được vấn đề hiện nay. Ông đề xuất Chính phủ nên có chiến lược dài hạn và thể chế hiến định; cùng với đó các địa phương cần được giao quyền lực. Trước mắt, cần phân cấp, phân quyền cho địa phương để địa phương chủ động, sáng tạo trong điều hành. Ngoài ra, cần lập tổ tư vấn và liên kết vùng về mặt doanh nghiệp.

Với việc tích cực kết nối giao thương với các địa phương, thời gian qua Bình Dương đã chủ động tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về kết nối cung - cầu các loại hàng hóa nông sản, thực phẩm do các địa phương khác cung cấp. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành công thương, các hội nghị, hội thảo này chưa đạt kết quả như mong muốn. Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công Thương cho biết ngành công thương tỉnh rất mong có một chính sách cụ thể từ quản lý nhà nước về kết nối cung - cầu hàng hóa để tăng thêm giá trị cho sản phẩm hàng hóa, gia tăng giá trị thương mại, dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, thời gian qua Bình Dương ưu tiên phát triển mạng lưới hạ tầng logistics, quy hoạch trung tâm logistics nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, kéo gần vị trí địa lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đến hệ thống cảng. Bên cạnh đó, Bình Dương đã và đang đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân. Đây cũng là xu hướng đáp ứng nguồn năng lượng sạch trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố thông minh Bình Dương.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=484
Quay lên trên