Ngành gỗ cần khai thác tốt lợi thế

Cập nhật: 26-12-2017 | 09:18:17

Năm 2018, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực sẽ mở đường cho sản phẩm gỗ trong nước thâm nhập sâu rộng thị trường châu Âu. 

Chuyển dịch mạnh ở thị trường sản xuất

Theo lãnh đạo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), hiện lao động giá rẻ của Việt Nam đang mất dần lợi thế so với các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia, Myanmar… Trong khi đó, thiết bị và công nghệ chế biến gỗ của Việt Nam phần lớn vẫn còn cũ so với các nước châu Âu, Trung Quốc, khiến công suất chế biến chưa cao và trình độ quản trị thực sự chưa hiệu quả. Trong thời kỳ hội nhập, tính cạnh tranh rất cao, không thể kỳ vọng phát triển bằng nhân công giá rẻ, mà phải bằng chất xám để tạo được giá trị gia tăng.

Sản xuất gỗ tại Công ty Gỗ Kim Thành A. Ảnh: XUÂN VĨ

Ông Lưu Phước Lộc, Giám đốc Công ty Gỗ MTrade cho biết, thời gian gần đây các doanh nghiệp gỗ của Bình Dương chú trọng đầu tư máy móc, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị từ Liên minh châu Âu, Nhật Bản… để tăng mức độ tự động hóa dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, do đa phần doanh nghiệp gỗ trên địa bàn quy mô còn nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, nên việc đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Lộc, việc chủ động gia công thay vì bị động gia công (đến từ các đơn đặt hàng) về lâu dài sẽ giúp cho doanh nghiệp gỗ hiểu rõ thị trường xuất khẩu truyền thống của mình nhiều hơn. Từ đó đề ra các chiến lược sản xuất, xuất khẩu ổn định.

Một vấn đề lớn mà ngành gỗ của Việt Nam sắp phải đối mặt đó là sự dịch chuyển của nhiều nhà máy chế biến gỗ từ những nước chưa có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu sang Việt Nam để hưởng những lợi thế của hiệp định này mang lại. Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, số lượng doanh nghiệp gỗ từ nước ngoài vào nước ta gần đây tăng cao. Ông Lương Ngọc Kim, Giám đốc Công ty Gỗ Kim Thành A (TX.Thuận An) cho hay, dòng vốn đầu tư đang rót mạnh vào “thủ phủ gỗ” của cả nước là Bình Dương. Hiện nay, xu thế mua bán, sáp nhập sẽ diễn ra nhanh chóng trong thời gian tới, các doanh nghiệp nhỏ ít năng lực cạnh tranh sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nhỏ buộc phải thay đổi chiến lược phân phối sản xuất ra thị trường. Rất có thể, thị trường nội địa sẽ là cứu cánh cho các doanh nghiệp này.

Quan tâm hơn đến thị trường nội địa

Theo Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện thị trường nội địa chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương mại của đồ gỗ trong nước; cơ cấu sản phẩm gỗ tham gia thị trường nội địa là 40% cho xây dựng, 30% cho tiêu dùng nông thôn và 30% phục vụ cho nhu cầu của cư dân thành thị. Rõ ràng, thị trường trong nước rất dồi dào mà các doanh nghiệp có thể tận dụng để gia tăng doanh thu và thị phần.

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch BIFA, bình quân mỗi hộ gia đình ở Việt Nam cần mua sắm đồ gỗ với khoảng 6 triệu đồng/năm. Trong khi đó, nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê và các khu đô thị mới đang có xu hướng tăng nhanh… Thực tế này cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường gỗ nội địa. Điều nghịch lý là sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp trong nước được đánh giá rất cao tại thị trường xuất khẩu nhưng thị trường nội địa chưa được khách hàng chú ý nhiều.

Ông Thanh lý giải, sản phẩm gỗ xuất khẩu phải theo quy chuẩn chất lượng, kỹ thuật của bên yêu cầu nhập khẩu nên chất lượng sản phẩm rất cao. Còn ở thị trường nội địa, vẫn còn quen với cung cách sản xuất cũ, ít cập nhật xu thế tiêu dùng, sử dụng sản phẩm mới nên tụt hậu so với thị trường xuất khẩu. Hiện nay, một số doanh nghiệp là thành viên của BIFA bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước, với việc mở các showroom quảng bá, giới thiệu sản phẩm gỗ đến tay người tiêu dùng. Ngành gỗ của Bình Dương đang rất nỗ lực để tiếp cận thị trường trong nước. Nếu khai thác tốt thị trường này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội lớn để gia tăng doanh thu. Bởi hiện nay, nhu cầu đồ gỗ trong nước đang có sự gia tăng nhanh chóng, ước tính doanh thu từ thị trường nội địa của ngành gỗ đạt khoảng 3 tỷ USD/năm.

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1414
Quay lên trên