Công tác kiểm tra, giám sát và vấn đề kỷ luật có vị trí rất quan trọng đối với hoạt động lãnh đạo và công tác xây dựng đội ngũ của Đảng. Vì vậy, ngay từ khi mới thành lập và trong suốt chặng đường đấu tranh và trưởng thành của mình, Đảng ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác kiểm tra, giám sát và việc giữ gìn kỷ luật trong Đảng. Hội nghị kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy theo tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 BCHTW Đảng (khóa XI)
Đầu năm 1930, tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tại Cửu Long (thuộc Hồng Công), đã thông qua các văn bản quan trọng về định hướng xây dựng Đảng, trong đó có “Điều lệ vắn tắt của Đảng”. Về công tác kiểm tra, tại Mục V Điều lệ vắn tắt của Đảng ghi trách nhiệm của đảng viên (ĐV) là: “Điều tra các việc”. Mục IX: kỷ luật, điểm c viết “Cách xử phạt người có lỗi trong Đảng do hội nghị chấp hành ủy viên trong cấp Đảng hay đại biểu đại hội định”. Từ đó trở đi, vấn đề kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng liên tục được hoàn thiện về nội dung và phương pháp thực hiện qua từng kỳ đại hội Đảng, từng giai đoạn cách mạng của đất nước; giúp cho Đảng ta thiết lập được kỷ luật nghiêm minh, bảo đảm các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm túc trong mọi tình huống, góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi tới bến bờ như ngày nay.
Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng là công việc của toàn Đảng, của mọi cán bộ, ĐV. Nhưng cũng như các lĩnh vực công tác tổ chức, dân vận, tuyên giáo của Đảng, cùng với sự phát triển của Đảng về lượng và chất, cộng với đòi hỏi của nhiệm vụ chính trị, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng ngày càng trở nên nặng nề, phức tạp hơn, đòi hỏi phải có một hệ thống tổ chức và một đội ngũ cán bộ, ĐV chuyên trách về công tác kiểm tra, giám sát để tham mưu giúp Đảng lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác này trong toàn quốc. Vì vậy, ngày 16-10-1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng có Nghị quyết số 29/NQ-TW thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng ký. Ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng được thành lập - lúc đầu chỉ có 3 đồng chí do đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng ban.
Sau đó, các ban kiểm tra của khu ủy, liên khu ủy lần lượt được thành lập như: Ban Kiểm tra Khu ủy X thành lập tháng 10-1948, Ban Kiểm tra Khu ủy I thành lập tháng 7-1949, Ban Kiểm tra Liên khu Việt Bắc thành lập tháng 12-1949...
Nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960), Điều lệ Đảng quy định việc thành lập ủy ban kiểm tra tới cấp ủy huyện, quận, thị, thành phố và khu phố (thuộc thành phố trực thuộc Trung ương) ở các tỉnh miền Bắc. Ở miền Nam, do hoàn cảnh chiến tranh, nên trước năm 1969, hầu hết chưa thành lập ủy ban kiểm tra chuyên trách, công tác kiểm tra nói chung vẫn do các cấp ủy trực tiếp đảm nhiệm. Đến tháng 7-1969, Ban Kiểm tra Khu ủy Trị Thiên - Huế được thành lập. Ngày 14-8-1969, Trung ương Cục miền Nam mới có Nghị quyết số 13/NQ về việc thành lập ủy ban kiểm tra các cấp.
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, hệ thống cơ quan kiểm tra Đảng được tổ chức thống nhất trong toàn quốc. Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (1982-1987) quy định tới cấp Đảng ủy cơ sở được cử ủy ban kiểm tra. Công tác kiểm tra của chi bộ và Đảng ủy bộ phận (nếu có) do chi bộ và Đảng ủy trực tiếp thực hiện. Hệ thống tổ chức này tồn tại cho tới ngày nay và được hoàn thiện củng cố qua từng nhiệm kỳ đại hội để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay, với đội ngũ hàng ngàn cán bộ kiểm tra viên được rèn luyện tốt, ngành kiểm tra Đảng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp chung của Đảng.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên chăm lo phát triển ngành kiểm tra Đảng cả về tổ chức cán bộ và năng lực thực hiện; đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát; kết luận về chiến lược phát triển công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới. Nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Ban Chấp hành Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, cho thấy yêu cầu của Đảng đối với lĩnh vực công tác này ngày càng cao, càng cấp bách.
Tại Đảng bộ tỉnh Bình Dương, ngành kiểm tra Đảng được cấp ủy Đảng các cấp quan tâm chăm lo xây dựng cả về cơ cấu tổ chức và nhân sự theo đúng các quy định và hướng dẫn của Trung ương. Cán bộ ủy ban kiểm tra cấp tỉnh, thành phố trực thuộc và huyện, thị được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ về chuyên môn, nghiệp vụ, được bảo đảm đầy đủ về điều kiện làm việc, được chỉ đạo chặt chẽ về nội dung, chương trình công tác. Cán bộ làm công tác kiểm tra cấp cơ sở cũng được tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, bố trí cán bộ kiểm tra chuyên trách theo quy định. Nhận thức và sự quan tâm của cấp ủy viên các cấp trong tỉnh về công tác kiểm tra, giám sát đã hoàn toàn đổi mới. Công tác kiểm tra, giám sát không phải là nhiệm vụ riêng của ủy ban kiểm tra, mà là một khâu trong quy trình lãnh đạo của cấp ủy. Cấp ủy có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo quy định tại Điều 30 của Điều lệ Đảng, lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức, hoạt động của ủy ban kiểm tra cơ quan ủy ban kiểm tra. Các đồng chí thành viên cấp ủy các cấp đều được phân công thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và phụ trách các đoàn kiểm tra, giám sát của cấp ủy. Nhận thức và thái độ của cán bộ, ĐV đối với công tác kiểm tra, giám sát ngày càng nghiêm túc; trách nhiệm của cá nhân ĐV đối với công tác kiểm tra ngày càng được nâng cao. Tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ kiểm tra ngày càng vững vàng, chất lượng thực hiện nhiệm vụ ngày càng tốt hơn. Nhiều cán bộ kiểm tra trưởng thành, được Đảng bộ tin cậy giao các trọng trách lớn hơn.
Chào mừng 64 năm Ngày truyền thống ngành kiểm tra Đảng, cán bộ, nhân viên ngành kiểm tra Đảng tỉnh Bình Dương đang ra sức rèn luyện, phấn đấu hết sức mình, phục vụ thật tốt việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
NGUYỄN VĂN TUY (Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy)