Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và UBND tỉnh, thời gian qua, NHNN - Chi nhánh Bình Dương đã chủ động điều hành linh hoạt các chính sách tiền tệ, tập trung thực hiện các giải pháp hoạt động tín dụng nhằm đáp ứng nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Nguồn vốn huy động đạt cao
Hiện tại, tuy mức trần lãi suất huy động giảm, còn từ 5,3 - 7,3%/năm, nhưng nguồn vốn huy động trên địa bàn của các ngân hàng vẫn đạt mức cao. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 168.907 tỷ đồng, tăng 0,65% so với đầu năm. Nguồn vốn được các ngân hàng tập trung cho vay là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tiêu dùng, công nghiệp, nông nghiệp; tổng dư nợ đạt 155.245 tỷ đồng.
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank) - Chi nhánh Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG
Bà Đỗ Thị Mai Tuyền, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Bình Dương cho biết, năm 2017, hoạt động của chi nhánh đạt được nhiều kết quả tốt. Tổng nguồn vốn huy động tại chi nhánh là 20.153 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch năm; tổng dư nợ là 14.163 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm.
Đánh giá về kết quả thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn, bà Tuyền cho biết, là ngân hàng thương mại Nhà nước giữ vai trò chủ lực trong đầu tư vốn cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, Agribank - Chi nhánh Bình Dương luôn xác định ưu tiên tập trung đầu tư vốn và lãi suất vay ưu đãi vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chương trình chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp của địa phương. Chi nhánh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, các hợp tác xã, chủ trang trại, doanh nghiệp được tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi, từ đó tạo thuận lợi trong đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa nông sản, tiểu thủ công nghiệp. Trong năm qua, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank - Chi nhánh Bình Dương đạt 3.939 tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng dư nợ của chi nhánh.
Cũng theo bà Tuyền, vừa là hướng đi cho tín dụng trong thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ nông nghiêp sạch, góp phần hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.
Về khối ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thời gian qua cũng đã có những đóng góp nhất định vào quá trình hoạt động của ngành tài chính - tiền tệ. Bà Mai Thị Tuyết Anh, Phó Giám đốc Ngân hàng TNHH MTV Shinhan - Chi nhánh Bình Dương (TX.Dĩ An) cho biết, tính đến cuối năm 2017, tổng huy động vốn của đơn vị đạt gần 131 triệu USD. Ngân hàng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về tín dụng theo hướng mở rộng tăng trưởng dư nợ đi đôi với an toàn và chất lượng tín dụng; tỷ lệ nợ xấu năm 2017 chỉ chiếm 0,13%.
Cần sự phối hợp hiệu quả
Bên cạnh những thuận lợi, theo nhìn nhận của lãnh đạo các ngân hàng, hiện vẫn còn không ít khó khăn trong hoạt động tín dụng. Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương nói, Nghị quyết 42 (về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng) đã mở ra nhiều cơ hội cho các tổ chức tín dụng trong xử lý nợ xấu, tuy nhiên quyền thu giữ tài sản để xử lý còn nhiều vướng mắc và có thể nói đây là vướng mắc chính trong khâu xử lý nợ. Chẳng hạn, bên bảo lãnh nợ chỉ có một tài sản duy nhất, tài sản này đang trong quá trình sử dụng hay sản xuất, nên khi đưa ra xử lý nợ thì bên nợ thường chây ì, không giao tài sản đã thế chấp. Những tình huống phát sinh trong thực tế này khiến quá trình xử lý nợ xấu diễn ra chậm, do đó ảnh hưởng đáng kể đến kết quả hoạt động, lợi nhuận của ngân hàng. Vì vậy, cần tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ từ ngành chức năng để hoạt động của các tổ chức tín dụng thuận lợi hơn, người vay cũng an tâm hơn.
Bà Tuyền thì cho rằng, theo Nghị định 55, trường hợp khách hàng vay vốn không có tài sản bảo đảm thì chỉ cần nộp cho tổ chức tín dụng (đơn vị cho vay) giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải làm thủ tục thế chấp. Vì vậy, khi có tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng mảnh đất nói trên hoặc khi khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng không được quyền phát mãi tài sản. Do vậy, cần có văn bản quy định rõ quyền lợi của các tổ chức tín dụng khi phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất nộp cho ngân hàng đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 55 mà không có tài sản bảo đảm. Ngoài ra, việc cho vay đối với doanh nghiệp, hộ sản xuất cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn vướng mắc về tài sản thế chấp, thường tài sản thế chấp chủ yếu là đất nông nghiệp nên giá trị thấp, khó có thể vay vốn đủ theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các khách hàng có quy mô đầu tư lớn…
Bà Tuyền cho hay, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nông nghiệp, nông thôn đi kèm với chất lượng tín dụng cao đòi hỏi có sự phối kết hợp của các cấp, các ngành, chứ không riêng gì ngành ngân hàng. Chẳng hạn, cần phải có quy hoạch tổng thể thống nhất đối với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; quy hoạch vùng nguyên liệu phải gắn liền với công nghiệp chế biến và công nghệ sau thu hoạch, tránh tình trạng người dân làm theo kiểu tự phát. Mặt khác, cần có các hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tạo điều kiện để các ngân hàng đẩy nhanh quá trình thẩm định và xem xét cho vay; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư những dự án sử dụng nguyên liệu tại chỗ nhằm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp cho nông dân…
Như vậy, bên cạnh những nỗ lực đơn giản hóa thủ tục vay vốn, cung cấp sản phẩm dịch vụ đa dạng của các tổ chức tín dụng, điều hành chính sách ở lĩnh vực khác của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng tín dụng tại địa phương.
T.HỒNG