3 tháng đầu năm 2018, tín dụng ghi nhận sự tăng trưởng cao, trong khi nguồn huy động giữ nhịp độ tăng đều giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh vận hành theo xu hướng bảo đảm các chỉ tiêu an toàn vốn.
Nhu cầu vay vốn tăng cao
Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương cho biết, lượng hồ sơ vay vốn tại ngân hàng trong 3 tháng qua tăng mạnh so với các tháng cuối năm 2017. Tính đến cuối tháng 3, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng đạt trên 16.500 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm 2018. Dự báo, trong năm nay nhu cầu tín dụng có khả năng tăng cao hơn nhiều so với năm 2017.
Hoạt động giao dịch tại Vietinbank - Chi nhánh khu công nghiệp Bình Dương.
Ảnh: THANH HỒNG
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần khác trên địa bàn tỉnh như Vietinbank, Vietcombank, Sacombank… hầu hết đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Theo lãnh đạo các ngân hàng, 3 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đang duy trì ở mức cao do nền tảng ký kết hợp đồng cấp tín dụng sẵn trong năm 2017, cộng với việc ngân hàng triển khai các gói sản phẩm giảm lãi vay cho khách hàng sản xuất đã kích thích lượng khách hàng mới tăng nhanh. Trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng tại TP.Thủ Dầu Một (đề nghị không nêu tên) cho biết, nhu cầu tín dụng trong 3 tháng đầu năm tăng khá với rất nhiều lĩnh vực như thanh toán, xuất nhập khẩu, cho vay sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng, vay mua nhà ở… Hiện lĩnh vực cho vay không khuyến khích là đầu tư bất động sản trong thời gian gần đây cũng sôi động trở lại, chính vì vậy đã đẩy tín dụng tăng trưởng cao. “Hiện chúng tôi vẫn đang theo dõi tín hiệu của thị trường để có sự đầu tư vốn hợp lý, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản”, vị này nói.
Theo thống kê, tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh tính đến cuối tháng 3-2018 ước đạt 156.536 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm và tăng 15,65% so với cùng kỳ năm 2017. Theo ông Võ Đình Phong, quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn trong quý I-2018 có tốc độ tăng trưởng ổn định so với đầu năm và khá cao so với cùng kỳ năm trước. Các chương trình tín dụng phục vụ cho các lĩnh vực ưu tiên tăng tương đối khá, chứng tỏ các TCTD trên địa bàn đã thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ cho vay trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đưa ra sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất cho vay ưu đãi và hợp lý.
Lãi suất huy động tăng nhẹ
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 6,5%/năm đối với ngắn hạn; các ngân hàng thương mại Nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,8 -9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3 -11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 - 5%/năm; lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8 - 6,0%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8 - 4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5 – 6%/năm. |
Dù đã huy động được nguồn vốn nhàn rỗi khá lớn từ đầu năm 2018 nhưng gần đây, có khá nhiều ngân hàng vẫn có xu hướng tăng lãi suất huy động, nhất là kỳ hạn trung và dài hạn để hút vốn. Theo khảo sát của phóng viên, nếu gửi tiết kiệm tại BIDV - Chi nhánh Bình Dương, các khoản tiền gửi được hưởng lãi suất từ 4,1 - 5,5%/năm cho kỳ hạn từ 1 tháng đến 11 tháng, còn mức lãi suất tiết kiệm cao nhất 7%/ năm được áp dụng cho kỳ hạn từ 48 - 70 tháng. Ngân hàng này đã tăng nhẹ lãi suất từ 6,7% lên 6,8% đối với kỳ hạn 364 ngày. Tại Sacombank - Chi nhánh Bình Dương, lãi suất một số kỳ hạn cũng tăng từ ngày 10-2; theo đó kỳ hạn 1 tháng lên 4,8%/ năm, kỳ hạn từ 2 - 5 tháng lên 5,4 - 5,5%/năm, 6 - 12 tháng lên 6,2 - 6,9%/năm, với các kỳ hạn dài 12 tháng lãi suất 6,9%/năm. Mức lãi suất cao nhất hiện nay 7,3%/năm được Sacombank áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng...
Tuy mặt bằng lãi suất đã được các ngân hàng điều chỉnh so với cuối năm 2017 nhưng mức lãi suất huy động hiện có sự chênh lệch khá rõ giữa nhóm ngân hàng lớn và khối ngân hàng nhỏ. Cụ thể như Eximbank áp dụng lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Cùng kỳ hạn này nhưng Dong Abank áp dụng mức lãi suất huy động là 7,6%/năm...
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo ngành ngân hàng cho rằng, hiện nay, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động nhưng chủ yếu là tăng nhẹ ở kỳ hạn dài hạn từ 12 tháng trở lên, còn kỳ hạn ngắn lại giảm từ 0,2 - 0,5%/năm. Nguyên nhân là do một số ngân hàng phải “chạy” tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn khi tỷ lệ này đã vượt quy định của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, các ngân hàng phải nhanh chóng huy động vốn trung và dài hạn, qua đó kéo giảm tỷ lệ cho vay kỳ hạn này xuống đúng quy định. Còn việc tăng lãi suất huy động hoặc không điều chỉnh còn tùy thuộc vào thanh khoản của từng ngân hàng. Trong đó, không loại trừ khả năng một số ít ngân hàng nhỏ không vay được vốn trên thị trường liên ngân hàng nên đành phải tăng lãi suất huy động từ dân cư. Lúc này, các ngân hàng lớn không thể nhìn vốn của mình chảy sang ngân hàng khác nên có động thái nâng nhẹ lãi suất để giữ nguồn vốn.
Ở khía cạnh khác, ông Trần Ngọc Linh cho biết, diễn biến tăng lãi suất huy động trong thời điểm hiện tại do tính chủ động của thị trường, bởi mức tăng huy động lên 0,2 - 0,5%/ năm thực sự không biến động nhiều. Hiện một số đơn vị muốn tăng nguồn tiền dự trữ để đáp ứng xu hướng chung của hàng năm là các công ty, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính như chi trả cổ tức, kỳ nộp thuế, chi lợi nhuận. Vì vậy, ngân hàng muốn huy động dòng vốn nhàn rỗi tạm thời đi vào dài hạn để tích trữ lâu dài và đáp ứng các nhu cầu chi này. Về dài hạn, phải qua quý II mới có thể đánh giá được xu hướng dòng tiền trên thị trường.
Ông Võ Đình Phong cho rằng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang trong trạng thái dồi dào, thị trường không có áp lực tăng lãi suất. Do đó, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại đang khá ổn định. Hệ thống ngân hàng đang tiếp tục theo dõi, giám sát và thực hiện các yếu tố kỹ thuật nhằm thực hiện mục tiêu giảm lãi suất vay cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, tổng nguồn vốn huy động đến hết tháng 3-2018 ước đạt 170.435 tỷ đồng, tăng 17,23% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 1,56% so với đầu năm. Trong quý I-2018, nguồn vốn huy động tại chỗ tăng trưởng ổn định, góp phần bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tại địa phương, trong đó huy động đối với ngoại tệ có xu hướng tăng mạnh. Tuy nhiên, nguồn vốn này chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong tổng nguồn vốn huy động (7,94%). Như vậy, xu hướng dòng vốn huy động tập trung chủ yếu ở VND do chênh lệch lãi suất tiền gửi của hai đồng tiền này vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi đó, huy động từ kỳ phiếu, trái phiếu tăng khá cao so với cùng kỳ (tăng 20,49%). Với nguồn huy động này giúp tăng nguồn vốn của các TCTD trên địa bàn nhưng vẫn bảo đảm các chỉ tiêu an toàn vốn cũng như những giới hạn quy định, mở rộng hoạt động kinh doanh.
THANH HỒNG