Ngày làm việc thứ 2, Đại hội lần thứ XII của Đảng: Nhiều tham luận mang tính khái quát, đề xuất các giải pháp khoa học

Cập nhật: 23-01-2016 | 10:45:55

 Hôm qua (22-1), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã tiến hành tham luận các văn kiện. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp. Nhiều tham luận tại đại hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, mang tính khái quát và xây dựng, đánh giá được những hạn chế, khó khăn trong nhiệm kỳ 5 năm qua, 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước cũng như đề xuất nhiều giải pháp khoa học, hiệu quả cho nhiệm kỳ tới.

 Bảo vệ vững chắc Tổ quốc

Mở đầu phiên thảo luận buổi sáng, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề “Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh”. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay, trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển, hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc còn phải hướng vào mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng và sáng tạo khoa học- công nghệ, hội nhập quốc tế thắng lợi. Trên cơ sở các phong trào sáng tạo của thanh niên, nông dân, công nhân, phụ nữ, công chức, viên chức, nhà khoa học, doanh nhân, MTTQ cần phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp để hình thành phong trào “Đoàn kết, sáng tạo và tiết kiệm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế thắng lợi” góp phần tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

 

Đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương tham dự phiên trình bày các tham luận về văn kiện tại đại hội

Tiếp đó, trong tham luận với chủ đề “Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp tăng cường quốc phòng- an ninh, bảo vệ Tổ quốc”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự điều hành của Chính phủ, sự phối hợp của các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương; Đảng bộ Quân đội và toàn quân đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. “Thành tựu bao trùm và quan trọng nhất của Đảng bộ Quân đội và toàn quân là đã quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, nắm vững và dự báo đúng tình hình, thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước và quân sự, quốc phòng, chủ động phối hợp với các lực lượng xử lý hiệu quả các tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước và quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng”, đồng chí Ngô Xuân Lịch nói.

Đổi mới thể chế kinh tế dựa trên 3 trụ cột

Tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhìn nhận lại thành tựu, kết quả của đất nước thời gian qua là rất ấn tượng, nhưng chưa thể thỏa mãn. Bộ trưởng nhận định, trước đây vị thế kinh tế Việt Nam có thể nói là đứng đầu khu vực, nhưng hiện nay, GDP tính theo đầu người của nước ta chỉ ở mức 1/5 mức trung bình của thế giới, bằng 1/3 nước láng giềng Thái Lan. Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam còn rất ít thời gian và không nhiều những lợi thế truyền thống như cơ cấu dân số, nguồn tài nguyên, lao động rẻ. Vì vậy, “nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu bắt buộc nếu muốn thoát khỏi những hạn chế, yếu kém hiện tại”, đại biểu Bùi Quang Vinh góp ý và cho rằng sự đổi mới, cải cách thể chế, từ chính trị, quản lý nhà nước và đặc biệt là sự đổi mới thể chế kinh tế phải được coi là ưu tiên, dựa trên 3 trụ cột. Cụ thể là thịnh vượng phải đi đôi phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, tập trung thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, nêu cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo; tạo sự công bằng và hội nhập bình đẳng cho mọi người, bảo đảm quyền lợi cho những bộ phận yếu thế, dễ tổn thương trong phát triển, coi đây là ưu việt của định hướng XHCN; nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước, các thiết chế phải có sự giám sát của người dân, tạo dựng khung pháp lý thúc đẩy quyền công dân, quyền thông tin của người dân.

 Đến cuối giờ chiều qua (22-1), đã có trên 30 tham luận được trình bày tại hội trường. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương xung quanh các tham luận được trình bày tại đại hội, đồng chí Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Bình Dương cho rằng, các tham luận trình bày của các đoàn được chuẩn bị công phu, có căn cứ khoa học rõ ràng, trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ. Qua các tham luận, các đại biểu đã thu hoạch được rất nhiều. Trong phần thảo luận tại đoàn, Đoàn đại biểu tỉnh đã đóng góp, bàn thảo, thảo luận sôi nổi vào một số vấn đề như: Đổi mới công tác giáo dục, hội nhập kinh tế quốc tế, liên kết vùng… Đó là những nội dung có trong 6 nhiệm vụ mà đồng chí Tổng Bí thư đã trình bày trong phiên khai mạc đại hội. Tại kỳ đại hội lần này, đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương tham gia trên tinh thần phấn khởi, thái độ nghiêm túc, tập trung, tham gia đầy đủ, bảo đảm chất lượng các nội dung của đại hội…

 

NHÓM P.V CHÍNH TRỊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=769
Quay lên trên