Ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể: Giải pháp nào để hạn chế?

Cập nhật: 22-09-2012 | 00:00:00

Bếp ăn tập thể (BATT) tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), trường học... thường xuyên xảy ra ngộ độc thực phẩm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế và an sinh xã hội. Bởi vậy phòng chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP) đang đòi hỏi sự nỗ lực, hợp tác chặt chẽ, thường xuyên của các cấp, các ngành, các địa phương và của cả cộng đồng.

Nguy cơ ngộ độc cao

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 185 vụ NĐTP với 6.147 người mắc và 46 người chết. Hiện cả nước có 256 KCX, KCN, trong đó từ năm 2007-2011 xảy ra 72 vụ NĐTP tại BATT làm gần 7.000 người mắc với 6.584 ca phải nhập viện. Tại khu vực phía Nam, từ năm 2009-2011 xảy ra 171 vụ với 6.345 ca mắc và 35 người tử vong. Riêng tại Bình Dương, hiện có khoảng 1.500 BATT, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Từ 2007-2011 đã xảy ra 27 vụ, trong đó năm 2009 có 10 vụ NĐTP với 387 ca mắc, không có trường hợp nào tử vong. Về công tác kiểm tra, riêng 6 tháng đầu năm 2012, Chi cục ATVSTP kiểm tra 106 BATT thì có 39 BATT vi phạm, chiếm 37,79%.  

 Bữa ăn CN nơm nớp lo sợ nguy cơ ngộ độc thực phẩm (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Không khó để tìm thấy những thông tin về các vụ NĐTP tại Bình Dương trong thời gian qua như vụ việc xảy ra cách đây một năm tại trường tiểu học bán trú Phan Chu Trinh (TX.Thuận An) khiến 100 học sinh phải nhập viện sau khi ăn cơm trưa xong... Ngày 25-6, hàng trăm công nhân (CN) Công ty TNHH Fujikura (KCN VSIP I, Thuận An) đã phải nhập viện cấp cứu sau bữa ăn chiều do bị nôn ói dữ dội. Trong đó có 3 ca nặng trong tình trạng suy hô hấp, khó thở.  Mới đây nhất là vụ 50 CN Công ty Thịnh Việt (Tân Uyên) bị NĐTP ngày 10-7. Công ty Thịnh Việt tổ chức ăn chiều cho CN với các món canh, cá và thịt. Tối cùng ngày, nhiều người bị đau bụng, tiêu chảy... Sáng hôm sau, hàng loạt CN cùng có những biểu hiện mệt mỏi kèm theo đau đầu, khó thở, nôn ói dữ dội. Đa số các ca này đều xuất phát từ việc sử dụng nguồn thức ăn được cung cấp sẵn.

Hàng ngày, những thông tin như phần cơm CN có dòi, CN bị ngộ độc, công ty phát bánh trung thu không rõ xuất xứ cho CN... xuất hiện nhan nhản trên báo chí khiến chính những người trực tiếp hưởng thụ nguồn thực phẩm này nơm nớp lo sợ. Vì họ là những người tiếp nhận sản phẩm thụ động, việc bảo đảm sức khỏe chỉ trông đợi vào sự may rủi cũng như ý thức bảo đảm ATVSTP từ  các cơ sở cung cấp...

Theo ông N.V.H, một nông dân chuyên cung ứng rau trên địa bàn TX.Thuận An đã tiết lộ việc sử dụng các loại thuốc kích thích sự tăng trưởng cây trồng chứa khá nhiều độc tố. Tuy nhiên “không bỏ thuốc thì sao cây cho nhiều trái được? Nhà có ăn cũng phải trồng riêng luống khác. Mà rau trong siêu thị cũng chưa chắc bảo đảm đâu, nên tốt nhất mua rau củ về nên ngâm nước muối trong vòng 30 phút...”.

Do vậy, một suất ăn công nghiệp có thể ẩn chứa rất nhiều nguy cơ và mối lo ngộ độc cần được triệt tiêu từ nguồn nguyên liệu cho tới suất ăn thành phẩm. Nhận thức được thực trạng trên mà các cơ quan chức năng cũng đã thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn... nhằm cảnh báo nguy cơ cũng như nâng cao ý thức về ATVSTP.

Bắt đầu từ giáo dục ý thức

Phạt tù từ 1 - 5 năm

Điều 224 Bộ luật Hình sự quy định Tội vi phạm quy định về ATVSTP thì người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh thì “các vụ ngộ độc xảy ra nhiều hơn ở các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Nguyên nhân là do giá thành suất ăn thấp (từ 7.000- 15.000 đồng) nên nguyên liệu sử dụng rẻ tiền, không bảo đảm. Chủ cơ sở, người chế biến không có kiến thức về chế biến, vận chuyển, bảo quản thực phẩm, sử dụng dụng cụ chứa thức ăn không sạch. Thức ăn phải vận chuyển trên quãng đường dài, thời gian để thực phẩm từ khi chế biến đến khi ăn quá lâu. Việc quản lý, kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn do các cơ sở chỉ thuê địa điểm lúc ban đầu để có được giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; sau khi có xong các giấy tờ thì cơ sở đó di dời tới nơi khác (địa điểm và cơ sở tạm bợ để nấu). Trong khi đó số lượng các cơ sở quá nhiều, cơ quan quản lý không thể nắm bắt hết được những sự thay đổi đó”.

Chính vì lẽ đó mà việc tổ chức các bếp ăn ngay tại công ty, tại trường học cũng là một trong nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc. Anh Đỗ Văn Tùng, nhân viên một công ty tại KCN Sóng Thần cho biết: “Công ty tổ chức nấu ăn trực tiếp ở căn tin, nhân viên văn phòng là những người thay phiên nhau trực, quản lý khâu chế biến của nhà bếp. Từng dụng cụ được sử dụng theo quy định. Hơn nữa, các suất ăn đều công bằng từ giám đốc cho đến CN nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm về vấn đề ATVSTP”.

Việc tập huấn kiến thức về ATVSTP và khám sức khỏe định kỳ cho những người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm ở các BATT được Chi cục ATVSTP thường xuyên tổ chức. Ngoài ra, chi cục cũng tiến hành tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra đột xuất các BATT tại doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Ông Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Bình Dương cho biết nhằm giảm nguy cơ ngộ độc tại trường học và KCN thì việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng là rất cần thiết. Vì vậy, Sở Giáo dục - Đào tạo chịu trách nhiệm về điều kiện vệ sinh thực phẩm bằng cách thành lập Tổ ATVSTP trong trường học. Ban Quản lý các KCN chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về điều kiện vệ sinh thực phẩm BATT trong KCN. Nên thành lập các tổ tự quản, đi giám sát trực tiếp các cơ sở chế biến thức ăn; Quy định, yêu cầu các chủ lao động phải cung cấp, cập nhật tên, địa chỉ của các nhà cung cấp suất ăn sẵn cho Chi cục ATVSTP quản lý, giám sát; Xây dựng mô hình kiểu mẫu cung cấp suất ăn cho CN trong các KCN, KCX; xây dựng chế tài phù hợp nhằm nghiêm trị những trường hợp vi phạm...

Do công tác quản lý còn gặp khá nhiều khó khăn nên việc tăng cường công tác tập huấn, giáo dục ý thức các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp vẫn là giải pháp cấp bách nhất. Nếu có biện pháp xử phạt phù hợp và nhận thức đúng đắn từ phía đơn vị cung ứng thì những bữa ăn công nghiệp của CN, học sinh sẽ vơi bớt đi phần nào những nỗi lo âu, những ca nhập viện bất đắc dĩ...

THANH LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=577
Quay lên trên