Người chấp hành xong án phạt tù được trao “sinh kế” làm lại cuộc đời

Cập nhật: 23-11-2024 | 12:36:45

Để giúp người chấp hành xong án phạt tù sớm tái hòa nhập cộng đồng, các ban, ngành đã giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo công ăn việc làm. Nhờ đó mà nhiều người đã bắt nhịp trở lại với cuộc sống, có việc làm, thu nhập ổn định.

Quyết tâm làm lại cuộc đời

Nay có nghề sửa xe máy và thu nhập ổn định, anh N.Đ.T (36 tuổi, ngụ TP.Thủ Dầu Một) coi quãng thời gian lầm lỗi của mình trước đây như một bài học đáng giá, để từ đó quý hơn hạnh phúc mà mình đang có.


Anh T. học nghề sửa xe, mở tiệm và quyết tâm làm lại cuộc đời

Trước đây anh T. làm thợ hồ, khi công việc không ổn định, thu nhập ít lại bị bạn bè thường xuyên rủ nhậu nên sinh ra túng thiếu. Để có tiền tiêu xài, anh T. câu kết với bạn lấy trộm tài sản nên bị bắt. Trong tù, suy nghĩ về việc làm sai trái của mình nên anh T. quyết tâm sau khi mãn hạn tù không giao du với bạn cũ và phải tìm nghề để học. Ra tù, anh T. học nghề sửa xe máy. Sau hơn 1 năm học nghề, khi được Ngân hàng Chính sách hỗ trợ vay 50 triệu đồng làm vốn, anh T. mở riêng một tiệm sửa xe. Tiệm không lớn nhưng hàng ngày nhờ siêng năng nên anh có thu nhập ổn định.

Trong khi đó chị N.T.V, một trường hợp được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Thủ Dầu Một hỗ trợ vay 30 triệu làm vốn để “làm lại cuộc đời” bằng việc mở một tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà.

Do tuổi trẻ ham chơi, nghe theo lời bạn bè nên chị đã tiếp tay cho việc buôn bán ma túy. Ngày ra tòa, nhìn cha mẹ khóc, chị cảm thấy hối hận cho những việc làm sai trái của mình. Trong thời gian chấp hành án phạt tù, chị V. được dự nhiều buổi tuyên truyền pháp luật nên dần quyết tâm làm lại cuộc đời. Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về, chị V. được các chị trong hội phụ nữ đến thăm, động viên và mời tham gia các hoạt động xã hội rồi được hỗ trợ vay vốn làm ăn.

Thượng tá Võ Đức Tín, Phó Trưởng Công an TP.Thủ Dầu Một, cho rằng đối với những người chấp hành xong án phạt tù, sau khi về địa phương còn bị một số hạn chế như không có nghề nghiệp ổn định, không khai báo với địa phương, thường xuyên thay đổi chỗ ở nên lực lượng công an khó gặp gỡ, hỗ trợ và động viên. Ngoài ra, các ban ngành cũng khó tiếp cận để tuyên truyền pháp luật và đào tạo nghề; thêm vào đó trình độ của những người tái hòa nhập cộng đồng còn thấp, khi trở về địa phương thường bị bạn bè cũ tiếp cận rủ rê tìm mọi cách lôi kéo nên dễ sa ngã, tái phạm.

Cần sự chung tay

Thượng tá Võ Đức Tín, Phó Trưởng Công an TP.Thủ Dầu Một, cho rằng để người chấp hành xong án phạt tù tránh xa các nguy cơ tái phạm thì việc tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống cần sự chung tay của các ban ngành.

Với chủ trương đó, thời gian qua, Công an TP.Thủ Dầu Một đã triển khai các quyết định, chính sách vay vốn tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ đến các phường, tuy nhiên nhiều người chưa tiếp cận được vốn do chưa đáp ứng các điều kiện vay. Đây cũng là “trăn trở” mà lãnh đạo địa phương từng bước tìm cách tháo gỡ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Kế hoạch Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ quy định về đối tượng thụ hưởng, điều kiện vay vốn, phương thức cho vay, mức vốn vay, thời hạn vay vốn, lãi suất cho vay, đến nay Ngân hàng Chính sách đã nhận khoảng 15 hồ sơ vay của người chấp hành xong án phạt tù và đã cho vay 5 trường hợp với số tiền gần 300 triệu đồng. Ngân hàng sẽ hướng dẫn các trường hợp còn lại bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định để được vay vốn làm ăn.

“Việc quy định các nguồn vốn theo Quyết định số 22 thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng”, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm.

Tạo điều kiện tốt nhất để người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng

Theo thống kê, từ năm 2020 đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 3.519 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương được hướng dẫn thực hiện thủ tục cấp căn cước công dân là 2.648 người; hướng dẫn, tư vấn làm thủ tục xóa án tích cho 871 người; làm thủ tục đăng ký cư trú cho 1.180 người. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng 20 mô hình, câu lạc bộ tư vấn, giáo dục hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

 

 QUỲNH ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=81
Quay lên trên