“Tôi không sinh ra ở Bình Dương
nhưng tôi mang trong mình lòng tự hào là người Bình Dương”, chị Nguyễn Thị Minh
Quý đã mở đầu câu chuyện bằng chính tình cảm sâu lắng về vùng đất đã gắn bó với
gia đình của mình qua cuộc thi Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương từ năm
1975-2010 như thế.
Nguyễn Thị Minh Quý (SN 1983) hiện
là cán bộ Thư viện tỉnh, ở ấp Long Thành, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát. Chị tự
hào về gia đình mình vì là một trong những gia đình tứ đại đồng đường mẫu mực
nhất ở địa phương. Ông bà nội là Nguyễn Văn Dớn, đều tham gia kháng chiến chống
Pháp và chống Mỹ, tuổi Đảng gần 3/4 tuổi đời (65 tuổi Đảng). Hiện ông 98 tuổi,
bà 97 tuổi vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các
con cháu trong gia đình. Chính vì truyền thống đó, chị đến
với cuộc thi Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (1975-2010) cũng thật tự
nhiên. Chị cho biết gia đình chị không phải là người Bình Dương chính gốc mà
quê ở tận Thanh Hóa, theo lời phát động của Đảng và Nhà nước đến xây dựng vùng
kinh tế mới tại xã Long Nguyên từ năm 1980.
“Vùng đất lành chim đậu” với sự phát triển và đổi thay từng ngày của đất
và người Bình Dương cứ lớn dần trong cảm nhận của chị, nên cứ thế chị cất thành
lời. Đâu chỉ là cảm nhận mà thực tế hơn, qua quá trình công tác, được đến với
nhiều địa phương, hơi thở và hình ảnh của cuộc sống đã cho chị những suy nghĩ
hết sức khả quan và niềm tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng bộ
tỉnh Bình Dương. Thêm một thuận lợi nữa, vì chị là cán bộ thư viện, có niềm đam
mê đối với việc đọc sách nên luôn có nguồn tư liệu khá phong phú và đầy đủ để
tự tin bước vào cuộc thi trong cuộc so tài khá gay gắt vì cuộc thi phát động cả
trong và ngoài tỉnh, không giới hạn lứa tuổi và số lượng bài tham gia. Có thể thấy với bài dự thi được
viết tay, dày 100 trang, trong đó bao gồm các hình ảnh minh họa về đất và người
Bình Dương trong các thời kỳ phát triển được sưu tập và trình bày khá khoa học
và logic. Tuần tự từng câu hỏi, chị đều trình bày cẩn thận, có mở đầu kết thúc
rõ ràng. Chị cho biết: “Ngay khi cơ quan phát động về cuộc thi, tôi đã in câu
hỏi ra để nghiên cứu, sau đó là quá trình tìm kiếm và sưu tầm tư liệu, đến khi
có đề cương thì trên cơ sở của sườn đó rồi mở rộng thêm. Quá trình tìm kiếm tư
liệu dày công hơn cả lúc viết, vì khi viết chỉ mất 20 ngày nhưng tìm kiếm thì
lâu hơn nhiều”. Ban ngày đi làm, tranh thủ lúc rỗi và ban đêm là đọc tư liệu,
rồi khi viết có hôm đến 2 giờ khuya. “Nhưng vui lắm, vì khi tham gia cuộc thi
mình như bị cuốn hút với nhiều sự kiện, kiến thức bất ngờ về đất về người Bình
Dương mà mình chưa từng nghe hay biết đến. Cuộc thi cho mình sự trải nghiệm thú
vị cho chính bản thân”, chị tâm sự. Trong các câu hỏi, chị thích nhất
là trả lời câu 9, bởi qua đó chị có dịp bày tỏ cảm xúc, tình yêu của mình dành
cho “mảnh đất hóa tâm hồn” mà chị đã gắn bó suốt 26 năm trong cuộc đời. Chị tâm
đắc với chính sách đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Chị và cả những người bạn
nữa, sau khi học ra trường về Bình Dương xin việc làm đều được “dang tay đón
nhận”, điều kiện làm việc được tạo thuận lợi chứ không như một vài nơi khác sự
tìm kiếm việc gặp phải nhiều khó khăn. Qua đó chị cũng trăn trở, vì người Bình
Dương sau khi học xong lại chưa có nhiều người quay về phục vụ cho địa phương. Ham mê đọc sách, lại có khiếu viết
văn, chị cũng đã từng đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi Đất và người
Bình Dương, tìm hiểu về quân đội... do các đơn vị phát động. Gắn bó với công
tác thư viện gần 7 năm, chị là người tận tâm với công việc, đạt chiến sĩ thi
đua cấp cơ sở. Đặc biệt gia đình chị đạt được 8 giải thưởng khác nhau trong
cuộc thi “Tìm hiểu về Bình Dương 15 năm tái lập tỉnh”, trong đó có 1 giải nhì,
1 giải ba và 6 giải khuyến khích. Số lượng bài dự thi trong cuộc thi Tìm hiểu
lịch sử Đảng bộ Bình Dương (1975-2010) của gia đình chị có 11 bài dự thi, trong
đó chị là một trong những người lọt vào danh sách bảng xếp hạng. Quả là một
thành tích đáng tự hào, không chỉ của cá nhân chị mà còn là của gia đình rất
đáng mến ở vùng đất anh hùng. NGỌC TRINH