Bây giờ không còn bám víu với cái nghề cưa bom để đúc cuốc, làm rựa. Ông đã chuyển sang nghề khác, nuôi cá, trồng cao su giống. Nhưng những trái bom (đã tháo hết thuốc) được ông tiếp tục thu mua về làm kỷ vật, chờ cơ hội giới thiệu với khách thập phương rằng “người dân Bến Súc chúng tôi mỗi người từng đội hàng tấn bom đạn như thế!”.
Nghề dữ
Có người giật mình, nhưng cũng có người ngạc nhiên khi đi ngang qua nhà ông Lâm - Nguyễn Phú Lâm xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng. Bởi trước mặt tiền đường ĐT747 đang mở rộng khang trang sạch đẹp, cây cối được đốn hạ, phát hoang thì hình ảnh những trái bom đủ loại, đủ kích cỡ mà Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam được tháo hết thuốc, sắp xếp ngay ngắn trước sân nhà ông Lâm, lộ ra trong sự kinh ngạc của nhiều người.
Ông Lâm say sưa kể chuyện sưu tập bom
Không biết giờ này trên xứ sở Tam giác sắt anh hùng này bom đạn dần được thu gom tháo gỡ gần hết có phải là nhờ những người như ông Lâm hay không. Tôi còn nhớ cách nay hơn 20 năm, trên vùng đất trắng này nhà nhà, người người đổ xô đi nhặt từng mảnh vỡ bom, mìn về bán cho các vựa thu gom. Giá cả không đắt lắm, nhưng mỗi ngày, mỗi người nhặt về từ 3 đến 5kg miểng bom, vỏ bom là coi như trúng mánh. Sốt đến nỗi những người khán giả đầu tư mua hẳn một cái máy rà sắt về đi rà tìm sắt, tìm bom. Có người không tiếc mạng sống, cha con, anh em cùng nhau cưa bom tháo thuốc lấy vỏ đem bán kiếm tiền. Vì vậy mà ở đây, người dân địa phương cũng chứng kiến biết bao cái chết thương tâm do thần chết bom đạn mang lại.
Bởi số bom đạn chiến tranh còn sót lại trên mảnh đất miền Nam này đâu phải ít. Và nhất là vùng đất Bến Súc Tam giác sắt anh hùng mình chứa đầy thương tích bên cạnh Củ Chi đất thép thành đồng. Cứ sau mỗi chuyến rải bom chống phá căn cứ cách mạng, còn lại bao nhiêu bom đạn máy bay Mỹ dồn về trút hết vào Bến Súc. Sau chiến tranh có nhiều tài liệu thống kê mỗi người dân Bến Súc đội hơn 1 tấn bom đạn của Mỹ. Thế là một đống sắt vụn, miểng bom, bom lép, bom chờ nổ chực chờ giết chết những con người mưu sinh nhờ vào miểng, vỏ bom đạn.
Với dao, rựa, cuốc mà đúc từ vỏ đạn thì cứng, chắc và sắc vô cùng, các lò rèn không phải lo vì thiếu nguyên liệu cho các đơn đặt hàng. Với ông Lâm nhờ có kinh nghiệm, có “nghề” đúc chế công cụ lao động nên việc tiêu thụ vỏ bom, đạn ông được cấp giấy hẳn hoi và dĩ nhiên ông xài vô tư và an toàn cho đến ngày nay.
Ông Lâm cho biết, trước đây ông từng làm nhân viên thu gom bom, mìn cho đơn vị thu gom mìn Z1, đóng tại Thủ Đức, TP.HCM. Sau khi trở về quê, ông mở vựa thu gom vỏ đạn và mở lò rèn chuyên đúc dao, cuốc bằng vỏ đạn bán lại cho bà con dùng làm phương tiện sản xuất. Giá rẻ, dễ tìm, dùng làm phương tiện sản xuất nông nghiệp khá tốt, lò rèn của ông Tú Lâm (người dân địa phương quen gọi tên ông như vậy) nổi tiếng khắp nơi.
Nhưng đó là chuyện của 3 năm trở về trước đó. Giờ này bếp lò đúc thép của nhà ông đã lạnh tanh. Mái hiên dột nát. Đe, búa cũng bị xếp xó. Ông đã từ giã nghề mưu sinh với tử thần đã 3 năm. Nhưng giờ nhìn quanh nhà ông Lâm những vỏ bom đạn vẫn còn nằm ngổn ngang. Một số khác được ông hàn kết dính lại theo từng hàng.
Đến nhà ông Lâm người ta có thể nhớ về quá khứ tàn khốc đau thương. Đủ loại thứ bom, mìn; bom bi, pháo 105mm, 350mm đến 500mm cho đến những trái cối, pháo sáng hỏa châu... Ông vẫn tiếp tục mua vỏ để sưu tầm “Tôi chỉ mua vỏ không. Còn thuốc tuyệt đối không đụng tới”. Nhưng có lẽ ông muốn tiếp tục với nghề cũng khó. Tuổi đã gần 60, không có con trai nối nghiệp. “Ông có 4 đứa con gái đẹp như tiên chả lẽ bắt họ ra cưa bom, đập sắt, đúc cuốc nối nghiệp cha”, anh Phiếu, một người cháu họ của ông giải thích.
Từ bỏ nghề cưa bom, giờ này ông tậu cho mình một nghề vất vả hơn nhưng vui hơn nhiều. Đào ao nuôi cá. 6 ao cá đầy ắp nào là tai tượng, rô đồng, cá trê tung tăng vẫy đuôi đớp mồi. Giữa 6 ao cá ông xây cho mình một “lồng cu” nghỉ mát, vừa thư thả với tuổi già. Bạn bè thân ai viếng thăm ông họ đều được thảnh thơi với thú câu cá giải trí, tiêu khiển, nhâm nhi tí rượu cùng ông. Giờ này mọi người tới lui nhà ông nhiều hơn, bạn bè mở rộng hơn. Nhớ lại thời kỳ nhộn nhịp cùng vỏ đạn ông cười: “Khi chiếc xe tải chở vỏ đạn đến bán, hay khi chất vỏ đạn lên xe, mọi người ở xóm tôi bỏ chạy mất”.
Làm kỷ vật
Tôi thu mua về để cung cấp cho những ai cần. Ông Lâm tự hào là nhà cung cấp vỏ bom đạn làm chứng tích cho các nhà truyền thống Bến Dược, nhà truyền thống của Công ty Cao su Dầu Tiếng... Chỉ tay về số vỏ bom ông nói: “Thu mua với giá phế liệu chớ số vỏ bom này có đơn vị trả giá gần bạc tỷ tôi chưa bán. Chú nghĩ xem hồi tôi thu mua về vàng giá 300.000 đồng một chỉ, tôi mua đến 8 triệu đồng/vỏ đạn, giờ bán tháo sao được”.
Giờ này những cái vỏ bom mìn như thế đắt tiền vì không còn nhiều trong lòng đất, ngay cả vùng đất đầy lửa đạn như Thanh Tuyền, Bến Súc người ta cũng thu gom nhiều, bom mìn các loại dần khan hiếm. Vì thế giá cả của chúng trở nên đắt đỏ. Chẳng hạn như trái bom 500mm của ông có người đến trả giá cả trăm triệu đồng. Có người mua về làm kỷ vật khi chính mình thoát khỏi những quả bom kinh hoàng đó, cũng có đoàn này, đoàn nọ mua về trưng bày phòng truyền thống, chớ còn mua về để nấu thép thì mua không nổi.
Mừng là ông đã giã từ nghề mưu sinh với tử thần, nhưng vẫn còn lo vì nhà ông vẫn còn mấy cái máy hàn gió đá hoạt động. Ông không tiết lộ ai làm nhiệm vụ “xài máy hàn” này trên vỏ bom đạn. Bởi kinh nghiệm như ông xài nó khá an toàn, nhưng những người ít kinh nghiệm mà đút mỏ hàn vào những vỏ bom còn dư lượng thuốc nổ hậu quả sẽ rất khó lường.
Càng vui hơn khi trong ông đang có những tính toán đáng quý. Ông dự định cho chúng vào phòng trưng bày. Sau đó thuê thợ tiện những quả bom bằng gỗ cho vào “showroom”, liên kết với Ban Quản lý địa đạo Củ Chi, các đơn vị du lịch trong tỉnh, nếu có đoàn khách du lịch nước ngoài nào ghé thăm địa đạo, nhớ chỉ qua nhà ông mà xem những loại bom mìn mà Mỹ ném xuống vùng đất này, sẵn sàng bán lại những trái mìn gỗ với giá phải chăng để làm quà lưu niệm.
Còn sớm nói lên thành công này, nhưng ý tưởng của ông thật tuyệt, không còn sống với nghề cận kề chết chóc mà ngược lại lưu giữ những giá trị lịch sử để thế hệ mai sau biết được sự hy sinh mất mát lớn lao của cha ông ta. Ý tưởng này cần được chia sẻ, giúp đỡ!
H.NHÂN - C.THANH