Năm 2010, sau khi kết thúc Đề án PCBLGĐ; Phòng, chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006-2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch hành động PCBLGĐ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015; đồng thời thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch này để tiếp tục chỉ đạo triển khai hoạt động mô hình trong những năm tiếp theo.
Hàng năm, Ban chỉ đạo PCBLGĐ các địa phương căn cứ vào kế hoạch triển khai mô hình PCBLGĐ của tỉnh, xây dựng kế hoạch hoạt động, đồng thời chọn địa bàn các xã, phường, thị trấn xảy ra tình trạng BLGĐ cao hoặc có nguy cơ xảy ra BLGĐ triển khai mô hình PCBLGĐ, thành lập ban chỉ đạo cấp xã, câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững, các nhóm PCBLGĐ và củng cố lại tổ hòa giải cơ sở tại các khu phố, ấp. Bên cạnh đó là tổ chức tập huấn triển khai Luật PCBLGĐ; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; hướng dẫn các địa phương quy trình tổ chức xây dựng, quản lý và điều hành sinh hoạt CLB Gia đình phát triển bền vững, hoạt động của nhóm PCBLGĐ và tổ hòa giải tại cơ sở; hướng dẫn cập nhật các loại sổ theo dõi hoạt động của CLB.
Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai và đi vào hoạt động được ở 40 xã, phường, thị trấn/7 huyện, thị, thành phố với 220 CLB gia đình phát triển bền vững, 220 nhóm PCBLGĐ và củng cố 220 tổ hòa giải tại cơ sở. Hoạt động của mô hình trong những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc triển khai mô hình PCBLGĐ, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, luật, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình... đồng thời qua việc tổ chức sinh hoạt CLB định kỳ (1 hoặc 2 tháng/lần) các thành viên CLB có điều kiện trao đổi kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc gia đình, cách ứng xử giữa các thành viên gia đình, kinh nghiệm trong lao động, vay vốn tăng gia sản xuất cải thiện kinh tế…
Việc triển khai mô hình PCBLGĐ đã góp phần làm thay đổi nhận thức của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ quan niệm BLGĐ là chuyện riêng của mỗi gia đình, nay vấn đề BLGĐ đã được xác định là trách nhiệm chung của toàn xã hội, thông qua các hoạt động của mô hình đã tạo điều kiện để các thành viên và mọi người thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình: hiểu biết hơn về Luật PCBLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình từ đó không để bạo lực xảy ra trong gia đình mình. Chị em phụ nữ có thêm kiến thức về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, các kỹ năng xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình.
HƯƠNG CẦN